Trả nợ rừng xanh
Đất – Người Huế – Từng là một trợ thủ đắc lực của những tay buôn gỗ lậu, chuyên phá rừng ở Nam Đông và vùng đệm quốc gia Bạch Mã, nay ông Nguyễn Văn Phán đã hoàn lương trở thành một tỷ phú trồng rừng xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên – Huế). Hơn 30 năm qua từ mồ hôi, công sức của ông, hàng trăm ha đất đồi hoang khô cằn sỏi đá nơi đây đã thành những khu rừng bạc tỉ.
Duyên với “nghiệp” rừng
Nói về những ngày đầu trồng rừng, ông bộc bạch: “Tôi vốn là một lái xe, chuyên chở lâm tặc đi khai thác rừng ở đèo La Hy và các xã ở Nam Đông. Khi tê mình đã phá hoại rừng, bây giờ hằng ngày lại lo “cơm áo gạo tiền” cho bà con lao động nhờ rừng, kể cũng vất vả nhưng răng bữa ni tui thấy vui chú ơi”. Từ năm 1976, ông Phán “hoàn lương”, bắt đầu tham gia trồng rừng tập thể. Do không có nghề nghiệp ổn định nên thu nhập khá bấp bênh, cuộc sống khó khăn. Đến đầu năm 1990, nhận thấy đầu ra của thị trường gỗ nguyên liệu thuận lợi, trong khi nhiều ngọn đồi ở thôn Hòa Mỹ, xã Lộc Bổn bỏ hoang, ông Phán tự nhủ rằng mình cần phải chọn nghề trồng rừng để làm giàu.
Cũng vào thời điểm đó, Nhà nước có chương trình phát triển trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc. Nhận thấy đây là cơ hội làm giàu nên ông càng quyết tâm đánh thức vùng đất trống, đồi núi trọc ở thôn Hòa Mỹ trở thành những khu rừng kinh tế. Được sự hướng dẫn, giúp đỡ tạo điều kiện của các cấp, các ngành, ông Phán tích cực tìm đến nhiều nơi, gặp nhiều người đi trước để học hỏi cách trồng rừng kinh tế có hiệu quả. Ông cũng tham gia các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về trồng rừng… Tuy nhiên, “vạn sự khởi đầu nan”, ông gặp không ít khó khăn ở bước đầu khởi nghiệp. Giống cây lâm nghiệp phải tự mua, tự vận chuyển về, đất đai cằn cỗi nhiều chỗ cỏ tranh khỏa lấp nên cây trồng khó sống được. Cùng với đó là thiên tai nắng nóng, bão lũ ảnh hưởng đến sự phát triển của cây trồng… Lúc bấy giờ, ông có cảm giác như tất cả mọi thứ đang “chống lại” việc trồng rừng của ông.
Nhưng rồi, đất cũng không phụ công người, dần dà những khoảnh rừng keo, tràm đầu tiên cũng vượt lên trên sỏi đá, phát triển xanh tốt. Ông lại tiếp tục mở rộng thêm quỹ đất để tăng thêm diện tích trồng rừng. Những năm qua, công việc trồng rừng của ông đã tạo việc làm thường xuyên cho gần 20 lao động với mức thu nhập từ 4,5 đến 6 triệu đồng/tháng, cùng hàng chục lao động tham gia trồng rừng và khai thác rừng trồng được trả công theo mùa vụ.
Nhớ lại lúc mới trồng rừng, ông Phán cho biết: Những năm đầu, lúc mới bắt tay vào nghiệp trồng rừng, nhiều người trong làng cho tôi bị “hâm hâm” vì họ thấy lạ, xưa nay rừng cho gỗ, cho thú rừng chứ ai đi “vãi thóc” trồng rừng bao giờ? Dần dà thời gian, những cây keo nhỏ bé ngày nào cứ cao lớn, xanh tốt, cho thu hoạch, cứ vụ này sang vụ khác. Bà con lúc bấy giờ mới thấu hiểu được công việc tôi làm nên quay sang nhờ chỉ dẫn phương thức và kỹ thuật chọn giống, trồng rừng….
Tỷ phú trồng rừng
Từ đôi bàn tay, trí óc, công sức, với vài héc ta rừng ban đầu, cộng với tinh thần ham học hỏi, ý chí vượt khó vươn lên trong sản xuất, đến nay, lão Nguyễn Văn Phán đang sở hữu riêng cho mình một khối tài sản “vàng xanh” trên 120 ha rừng tại huyện Phú Lộc. Nhẩm tính về hiệu quả kinh tế của những rừng keo, tràm của mình, ông Phán khẳng định chắc nịch: Mỗi héc ta keo cho mức lãi từ 60 – 70 triệu đồng sau từ 5 – 7 năm trồng, chăm sóc. Thấy chúng tôi lấy con số lãi trung bình là 60 triệu đồng/ha nhân với hơn 100 ha rừng hiện có ra đáp số là ông có mức thu nhập “khủng” cỡ 5 tỉ đồng mỗi năm, ông Phán lắc đầu, cười và bảo rằng: Đó chỉ là cách tính số học thuần túy, chuyện làm ăn không dễ dàng như vậy. Rồi ông phân tích: “Thực tế, để có một diện tích lớn rừng trồng thì nguồn lực đầu tư không hề nhỏ. Vấn đề là việc thu hồi vốn phải đảm bảo ổn định, lâu dài. Theo đó, diện tích rừng của tôi tăng dần sau mỗi năm chứ không phải có ngay một lúc. Bắt đầu từ năm 2000, mỗi năm gia đình tôi khai thác 20ha, rồi lại tiếp tục trồng mới trên diện tích vừa khai thác. Trong quãng thời gian trồng lại rừng, những diện tích rừng trồng các năm trước sẽ cho thu hoạch liền kề, cứ thế “gối đầu”, việc trồng mới sẽ diễn ra liên tục trong các năm, việc khai thác cũng vậy, không chỉ đảm bảo về công ăn việc làm mà ổn định cả về thu nhập”.
Xin được trả ơn rừng
Thoạt đầu, nhìn khuôn mặt sạm đen, dáng vẻ chất phác của lão nông 72 tuổi và nếu không ngồi cạnh ông trên chiếc xe ô tô mà lão Phán đã “tậu” về cách đây 2 năm chắc không ai nghĩ ông là tỉ phú. Trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc đời, ông nghiệm ra rằng: “Với người nông dân chân đất như mình, quần quật lao động cho có đủ cái ăn, cái mặc cũng là niềm vui, là hạnh phúc rồi. Giờ con đường làm ăn gặp nhiều thuận lợi, may mắn, gặt hái nhiều thành công, thì bên cạnh mồ hôi, công sức mình bỏ ra, còn là cái ơn giúp đỡ của nhiều người trước đây và cũng là lộc trời mang lại…”.
Từ suy nghĩ như vậy, cùng với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, ông sẵn lòng giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn tại địa phương. Ông thổ lộ: “Cuộc sống bà con nông dân quê mình còn lắm gian truân, nên dù việc nhỏ hay lớn, nếu trong khả năng mình giúp đỡ được thì tui luôn sẵn lòng. Trung bình mỗi ngày có gần 20 lao động trong thôn tìm đến tôi xin việc làm. Như bữa nay đến năm học mới, người làm thuê họ cần tiền lắm. Cứ rứa tui đưa mượn, người nhiều thì 1 đến 2 triệu, người ít thì 500 nghìn. Ít bữa họ lại làm trả sau. Ngày trước tui cũng vậy. Nếu không có sự chung tay giúp đỡ, động viên kịp thời của mọi người thì chưa chắc tôi đã có được cơ ngơi và sự nghiệp hôm nay và không thể nuôi được 11 người con trưởng thành được”.
Với “tỉ phú trồng rừng” Nguyễn Văn Phán, hạnh phúc không chỉ là thành công trong việc làm ăn, mà như lời tâm tình đầy tự hào của ông, cái lớn nhất là sự thành đạt của con cái. Hiện nay để tiếp sức cùng cha, gia đình ông đang tham gia đấu gần 100 hec ta đất vùng cát ở huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị để tiếp tục trồng rừng một phần giữ “lá phổi xanh của cuộc sống”, đồng thời cũng tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương.
Theo: Trang Hạ – daidoanket.vn