Đất - Người Huế

Ước vọng trên phá Tam Giang

Đất – Người Huế – Phá Tam Giang vốn mang tính “biểu tượng” về môi trường sinh thái của Thừa Thiên – Huế. Tuy nhiên, cuộc sống của người dân nơi đây vẫn còn không ít cơ cực. Họ vẫn đang ngày ngày nuôi ước mơ thoát nghèo.

Mưu sinh trên sóng nước 

Qua khỏi thành phố Huế trầm mặc, chậm rãi trong nhịp sống, vút qua những ngôi làng ngoại thành Huế hiền hòa, ta sẽ chạm ngay một vùng sóng nước. Một không khí tươi mới, khoáng đạt, rộng mở. Mới đây, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Xã hội (CSRD) đã tổ chức kiểm định du lịch đầm phá Tam Giang (tại khu vực huyện Quảng Điền). Trong hơn một năm qua, CSRD đã xây dựng cơ sở vật chất và tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn cho người dân địa phương về các kỹ năng phục vụ trong dịch vụ du lịch. Đây là một hoạt động rất quan trọng, bởi nó không chỉ góp phần làm đa dạng thêm dịch vụ du lịch ở tỉnh Thừa Thiên – Huế mà còn có ý nghĩa đặc biệt trong việc phát triển kinh tế xã hội.

Cũng phải công nhận rằng, người dân ở vùng đất ngập mặn lớn nhất Đông Nam Á với mặt nước rộng 248,7 km2 này vẫn còn nghèo khó, vất vả. Ngư dân ở đây phụ thuộc hoàn toàn vào nghề đánh bắt. Người đi ngày, người đi đêm, không lúc nào trên vùng đầm phá này thiếu bóng những phận người nhỏ nhoi, ì oạp, cần mẫn làm việc. Chúng tôi gặp chị Phạm Thị Thoa khi chị đang chuẩn bị cho đêm đánh bắt. “Chúng tôi đêm ni cũng đi rứa. Mấy đứa nhỏ ốm o, đang chờ mẹ bán cá, mua gạo về…” – chị Thoa kể. Bà Nguyễn Thị Chiu, năm nay đã gần 60 tuổi nhưng nỗi vất vả vẫn còn hằn trên gương mặt già nua. Hàng ngày, bà vẫn cùng cô con gái mưu sinh trên sóng nước. “Sau ngày cha tụi nhỏ mất, mấy mẹ con sống khổ quá nên tui đánh liều đi đánh cá. Phận đàn bà mưu sinh sông nước trăm cái cực, nhưng chẳng còn con đường nào khác, đành phải cố thôi, bà kể.

hue24h

Gần 22 giờ đêm, giữa sóng nước mênh mông gần cửa biển, tiếng lốc cốc từ hàng chục chiếc xuồng đánh cá đêm của ngư phủ mỗi lúc càng lớn. Bủa lưới và gõ vào xuồng đuổi cá xong, trong khi chờ gỡ cá, họ lại chèo xuồng tới neo đậu ở một cái lăng nằm giữa phá để tạm nghỉ. Nhiều người tranh thủ ngủ một giấc; có người lại phì phèo điếu thuốc, trò chuyện với nhau cho qua cơn buồn ngủ. Ông Trần Văn Hồng (55 tuổi), một ngư phủ lão làng của thôn Tân Lập (thị trấn Thuận An – Phú Vang), nhìn về phía xa xăm,  kể, mình đã biết đi bủa lưới từ hồi 15 tuổi với cha mẹ, đến khi lập gia đình thì cùng vợ tiếp tục làm nghề này. Bị cụt tay phải nhưng ông Hồng chèo xuồng rất giỏi, còn việc bủa lưới do vợ ông đảm nhận. “Tui cụt tay từ năm 22 tuổi nhưng chỉ trừ ngày mưa bão, còn những ngày khác thì vợ chồng đều đi bủa lưới. Mần rứa mới có cơm nuôi 9 đứa con” – ông cho biết. Những đứa con của ông Hồng chỉ học hết lớp hai là nghỉ, ở nhà cùng đi làm với bố mẹ, chỉ hai đứa là được học hết lớp 4.

Ông Huỳnh Văn Ngợi, trưởng thôn Tân Lập, cho biết toàn thôn có 167 hộ với 875 nhân khẩu, đa phần làm nghề bủa lưới, số ít đi biển. “Trước đây, người dân Tân Lập đều sống trên xuồng, lênh đênh sông nước đánh bắt và được đưa lên bờ tái định cư từ năm 1999. Thế nhưng họ vẫn theo nghề bủa lưới cha truyền con nối. Con cái chừng 10 tuổi đã biết lấy mái chèo gõ vào xuồng xua cá vào lưới rồi” – ông Ngợi nói. 

Khát khao con chữ

Đầu tháng 5-2011 tại thôn Cự Lại Bắc (Phú Hải – Phú Vang), một lớp học đặc biệt xóa mù chữ cho cả người già, trẻ em được mở ra. Những ngày đầu mở lớp, đa số bà con còn ngại không muốn đến học. Người phụ trách lớp là thầy Nguyễn Đức Hiếu phải nhờ Hội nghề cá và Ban phát triển của xã đến từng nhà vận động bà con đến lớp. 

hue24h

Cũng vì đói con chữ, nay được “mở dạ” nên nhiều bà con rất biết ơn  các thầy giáo, đặc biệt là thầy giáo tật nguyền Nguyễn Trai, ở thôn Thanh Lam, (xã Phú Đa – Phú Vang) vì bao năm qua, thầy tình nguyện dạy miễn phí cho nhiều lớp học sinh. Thầy Trai cho biết, vì thương cảm trước hoàn cảnh của các em đang tuổi ăn tuổi học mà lại không được đến trường, nên đã xin bố mẹ được mở lớp để dạy chữ cho các em. Lớp học cũng thật đặc biệt, học sinh ở nhiều độ tuổi khác nhau, có đứa đã 13-14 tuổi nhưng cũng có đứa mới chỉ 5 – 6 tuổi. Tận mắt chứng kiến thầy giáo chống nạng đứng khom người dạy học, ai nấy đều cảm phục và trân trọng sự cố gắng của người thầy khuyết tật. Những ngư dân ở khu vực phá Tam Giang ước gì có nhiều thầy Trai như thế. 

Tạm biệt khu đầm phá Tam Giang, tôi mang theo bao khát vọng cái chữ sẽ giúp con em mình thoát nghèo của những ngư phủ cả đời mưu sinh trên sóng nước.

 Theo: A.Khoa – daidoanket.vn

Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button