Đất - Người Huế

Vợ chồng nghèo vớt xác trên sông Hương

Đất – Người Huế – Ở hạ nguồn sông Hương của Thừa Thiên Huế có đôi vợ chồng đã nhiều lần cứu người tự tử khỏi bàn tay thủy thần. Nghĩa cử cao đẹp của họ đã góp phần cứu rỗi những linh hồn giữa mịt mùng sông nước hay giành lại sự sống cho bao người khi họ đang tâm chối bỏ cuộc đời.

Mang “nghiệp” vớt xác chết

Ông Nguyễn Văn Nết (57 tuổi, được người dân sống gần cầu chợ Dinh của xã Phú Thượng, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế gọi thân mật là ông Nết “hà bá”. Họ thuộc lòng số điện thoại của ông, bởi khi thấy ai có ý định tự tử là gọi cho ông ngay trước cả công an, bất kể sáng sớm hay đêm tối. Do vậy, ông Nết còn được mọi người gọi vui là kẻ “khắc tinh hà bá”, “người cướp cơm hà bá”, “có duyên với người tự tử”….

Hàng chục năm sinh sống với nghề chài lưới, ông Nết đã cứu hàng chục người đến cầu chợ Dinh, cầu Tuần, cầu Kho… tự tử, vớt không biết bao nhiêu thi thể trôi dạt trên dòng sông Hương. Ông nói, về “cái duyên” của mình vớ tử thi và người tự tử, ông Nết trầm ngâm: “Đôi khi đó là cái duyên mà cũng là cái nghiệp, bởi ai sống trên đời cũng đều có bổn phận riêng. Do cuộc sống mưu sinh trên sông nước nên “gặp” xác chết, thấy người tự tử là phải cứu, với tôi việc cứu người tôi coi đó là bổn phận”.

Lặng nhìn con đò đang neo đậu dưới dòng sông Hương, ông bảo: “Cái nghề mình gian nan nhưng cũng đáng tự hào lắm. Nhiều nơi người ta kiêng kỵ, đã làm nghề sông nước mà cứu người là đền mạng như chơi. Tui lại nghĩ khác, mình không cứu đó mới là tội ác”.

Vợ chồng người đàn ông mang cái “nghiệp” vớt xác chết đang ngụp lặn giữa muôn vàn khó khăn ở tuổi về chiều. Vợ ông Nết, bà Hà Thị Lê (56 tuổi), hàng ngày vật lộn với tiểu đường, loãng xương, viêm khớp, rối loạn tiền đình bà không thể đi làm được nên mọi chi tiêu đều đè nặng trên vai ông Nết.

Bà Lê chia sẻ: “Nhiều đêm trái gió trở trời, tui thấy đau nhức trong người, nuốt không nổi chén cơm nhưng vẫn phải chạy xuồng cùng thả lưới khi con nước lên. Nhiều lần ông bảo tui đi khám để biết bệnh gì nhưng tui đều bỏ ngoài tai và tự nhủ bây giờ mà đi khám, lỡ “lòi” ra nhiều bệnh khác lấy tiền đâu chữa, cứ tới đâu hay tới đó”.

hue24h

Ông Nết cho biết đã gắn bó với sông Hương hơn 40 năm qua, kể từ lúc còn là chú bé con theo cha mưu sinh, còn với đoạn sông gần cầu chợ Dinh đã tròn 30 năm từ lúc nên vợ nên chồng với bà Lê.

Bà Lê kể: “Ngày trước vì quá mến tấm lòng nghĩa hiệp vớt xác cứu người của ông Nết, nên tui mới động lòng, đem lòng yêu thương ông. Tui với ông gặp nhau cũng rất tình cờ, đó là hai người cùng đánh bắt cá trên sông Hương, ngày trước ông hay đánh gần cầu chợ Dinh, tui thả lưới gần cầu Tuần, không hiểu sao từ ngày gặp tui, nói chuyện qua lại rồi ông kéo thuyền lên đánh tận cầu Tuần cho gần tui, dần dà tui đem lòng yêu ông tự lúc nào không rõ”.

Bấy nhiêu năm gắn bó, ký ức về dòng sông xưa vẫn còn nguyên trong ông Nết. “Trước đây sông Hương tôm cá rất nhiều, không cần đi xa, cứ ra giữa dòng quăng lưới thế nào cũng có cá ăn, mà toàn cá to, không cần phải lo nghĩ nhiều. Bây giờ, cá tôm cạn kiệt, cuộc sống ông gặp nhiều khó khăn”, ông nói.

Vấn đề lo lắng của ông chính là sông Hương đã bị ô nhiễm nghiêm trọng nên tôm cá ít đi, cá to tuyệt chủng, nhiều hôm đi chài từ khuya đến sáng mà chỉ kiếm được ít cá, bán không đủ tiền mua gạo cơm. Ông Nết cho biết, làm nghề chài lưới phải đi theo con nước, khi nước lên là phải nổ máy bất kể mưa nắng, sáng sớm hay đêm khuya, bởi không đi đúng con nước thì chài không được cá, mà không có cá thì không có tiền. Ngày trước mỗi ngày tui cũng kiếm từ 70-100 ngàn đồng từ việc theo đuôi con cá, nhưng giờ thì có khi kiếm đến 30 ngàn cũng rất khó khăn.

Chỉ về chiếc xuồng nhỏ phía sau, bà Lê kể: “Vợ chồng tôi cưới nhau đến nay đã hơn 30 năm, có 7 đứa con, 5 gái, 2 trai. Chiếc ghe nhỏ xíu (hơn 3m2) dùng để đánh cá cũng là nơi ngủ của gia đình 4 người. Nhiều đêm khuya, khi các con đang ngon giấc mà nước lên thì ông cũng phải nổ máy đi chài”. Sau khi lớn lên, các con của ông lấy chồng rồi lên bờ sống, chỉ còn 2 vợ chồng già trên chiếc ghe cũ. Các con gái nên duyên với những người cũng nghèo nên không giúp được gì nhiều cho cha mẹ.

“Cướp cơm hà bá”

Mấy chục năm trong nghề, những phận người chối bỏ cuộc đời tìm đến cái chết đã in sâu trong tâm trí ông, như một ký ức đáng nhớ của một đời trượng nghĩa. Tháng 8/2003, trên sông Hương trước khu vực điện Hòn Chén xảy ra vụ chìm thuyền làm chết 4 người. Nghe thông báo, ông cùng anh em dong thuyền trực chỉ thượng nguồn con sông.

hue24h

Ông nhớ lại: “Đợt đó trời rét căm căm, đang vào mùa lễ hội điện Hòn Chén, ghe thuyền trên sông Hương tấp nập. Đây là khu vực ở thượng nguồn nên mực nước khá sâu, nhiều vực đá nhọn nguy hiểm. Thợ lặn tìm xác đoạn sông này phải có kinh nghiệm. Tui cùng anh em nắm bắt thông tin, quần thảo rồi thu hẹp đoạn sông tìm kiếm lại chừng 150m2. Khi phát hiện được thi thể các nạn nhân thì một điều khó khăn, nguy hiểm đã xảy ra, các thi thể bị mắc kẹt lại trong các vực đá, rễ cây, cát quấn chằng chịt. Đội thợ lặn phải cẩn thận “tháo gỡ” từng thi thể mang lên bờ. Đến chiều tối thì cả 4 thi thể đều được tìm thấy”.

Có lẽ, ký ức kinh hoàng, đáng nhớ nhất của người thợ lặn xác, cứu người không phải là lần đầu tiên đến với nghề mà chính là những cái chết đau thương của hàng chục người trong vụ tai nạn trên sông nước mà không ai khác, họ – những người thợ lặn là người chứng kiến, xả thân mò mẫm giữa dòng nước để cứu hộ, cứu nạn.

Năm 1988, cầu Kho Rèn bị sập, làm mấy chục mạng người phải nằm lại ở khúc sông. Từ sáng sớm cho đến chiều tối, anh em ông Nết phải quần quật trên khúc sông An Cựu và đã tìm thấy 17 thi thể người xấu số. Giọng ông Nết chùng xuống: “Tui làm nghề lặn cả đời, chưa năm mô mình thấy đau thương như năm 1988. Người chết nhiều quá, như mình vớt xác cũng thấy đau thương huống chi là người thân của mấy chục thi thể đó. Đợt đó, đứa con trai tui định bỏ nghề vì nó bị ám ảnh bởi nhiều người chết quá. Tui phải thuyết phục mãi, nó mới chịu theo nghề”.

Ông Nết tâm sự: “Người chết nước thật đáng thương, nhưng có những cái chết không đáng có, bởi cuộc sống không phải của riêng mình mà cả cha mẹ mình nữa. Có người vì nợ nần do cờ bạc, đề đóm nên túng quẫn. Có người trắc trở trong chuyện tình duyên cũng chối bỏ cuộc đời, tìm đến cái chết”.

Mấy chục năm trước, khi lần đầu tiên thấy chồng kéo một xác người chết vào bờ, bà Lê sợ đến xanh cả mặt, không nuốt nổi cơm bởi cứ bị ám ảnh thi thể trương phình, mùi tử khí u ám. Nhưng dần dần rồi cũng quen. Nhiều khi đang ngủ, nghe tiếng hô hoán cứu người, bà cũng bật dậy với chồng như một cái lò xo rồi cả 2 cùng lên đò, nổ máy đi cứu người.

Bà Lê kể, bà không nhớ rõ mình đã cùng chồng cứu bao nhiêu mạng người trên dòng sông Hương, mỗi người một số phận, hoàn cảnh: “Chú biết đó, có nhiều người đã ngã xuống dòng sông Hương mà đến 2 ngày sau vẫn chưa tìm ra thân nhân, tui phải chạy vạy đi mua giấy tiền, vàng bạc, áo binh, hương chuối lo cho họ. Rồi sau đó ai cho lại lại cho. Khi đó mình không nghĩ là ai, chỉ biết việc cần làm cho một người trước cửa sinh ly tử biệt”.

Bà Lê tâm sự: “Lặn xác cũng là một nghề, một nghề mưu sinh nhưng không tính toán thiệt hơn, lời lãi được”. Không phải nói suông, mấy chục năm qua, sau mỗi lần cứu người vớt xác, vợ chồng bà chưa hề đòi hỏi, “ra giá” một ai, tùy theo tấm lòng của gia chủ. Có người vì quá nghèo, vợ chồng bà bỏ tiền túi mình, mua đồ cúng, lễ vật dâng hương hay phụ giúp gia đình nạn nhân an táng, cầu cho người xấu số được siêu thoát. Bởi thế, mấy chục năm qua, ông đã trở thành ân nhân không biết bao nhiêu người. Có người cũng lãng quên, nhưng cũng có người nhớ, khi quá giang, họ ngồi lại trò chuyện, hỏi thăm ông.

Đêm xuống, bà vẫn cùng ông nằm gọn trên con thuyền bé nhỏ của mình, mùi tử khí đâu đó vẫn còn vọng lại, nhưng bất chấp tất cả, bà vẫn say giấc ngủ cùng ông. Không chỉ là người sát cánh cùng chồng trong việc vớt xác dưới dòng sông, bà Lê còn động viên, an ủi chồng cố gắng làm thật nhiều việc thiện để cứu người. Bà kể: “Tui vẫn khuyên ông ấy mãi, người ta trồng cây hạnh người ta chơi, còn mình trồng cây đức để đời cho con. Công việc, mưu sinh, và cái nghiệp sông nước bắt mình phải làm thế. Mình cứ cứu người mãi rồi cũng thành quen, nên chừ chộ (thấy – PV), xác chết là không còn sợ hãi nữa”.

Mấy chục năm lăn lộn trong nghề, “nghiệp” cứu người, vớt xác vẫn theo ông bà lặng thầm như mái chèo, tay lưới buông trên dòng Hương giang vẫn gõ nhịp từng ngày. Sắp bước sang tuổi lục tuần, vẫn chọn cho mình nghề sông nước, ông bà để lại cuộc đời mình bằng nghề đánh cá, chuyên vớt xác cứu người trên sông Hương. Bởi ông đã yên tâm, suốt một đời trai trẻ lao lực, giờ đây, thế hệ con trai ông là Nguyễn Văn Phước (29 tuổi), Nguyễn Văn Thiện (15 tuổi), rồi cháu ông vẫn theo đuổi với nghề, làm việc nghĩa hiệp trên sông.

Trung tá Trần Ngọc Thành, Tổ trưởng tổ đường thủy, Đội CSGT Công an TP.Huế cho biết: “Hơn 30 năm qua, vợ chồng ông Nết bà Hà đã cứu không biết bao nhiêu người trên sông nước, họ thầm lặng cống hiến những việc làm nghĩa hiệp bằng cái tâm của mình mà không đời hỏi thù lao. Thấy xác chết là sẵn sàng lao vào cứu. Gia đình ông Nết là cộng sự tích cực cho lực lượng CSGT đường thủy. Kinh nghiệm, nhiệt huyết của họ đã góp phần thu thập tang vật, vớt những thi thể phục vụ cho quá trình điều tra, phá án”.

Cũng theo ông Thành, trong khi phương tiện thiết bị cứu hộ, cứu nạn của TP.Huế vừa thiếu vừa yếu, sự giúp sức của mạng lưới cộng sự này là rất quan trọng. Vì thế, những việc làm nghĩa hiệp của đôi vợ chồng ông Nết, cần được các cơ quan chức năng khen thưởng, động viên kịp thời cho việc làm của họ.

Chia tay ông, tôi vẫn còn nhớ mãi câu ông nói “người chết trên sông nước tội lắm. Cái chết đã bi thảm lắm rồi, nếu không tìm thấy hay không nguyên vẹn thi thể thì càng đau đớn hơn. Mình thấy mà không giúp, không cứu là có tội với lương tâm, với người ta”.

Theo: Ngọc Trân – petrotimes.vn

Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button