Đất - Người Huế

Vợ chồng U70 tốt nghiệp Đại Học

Đất – Người Huế – Ở cái tuổi gần “thất thập cổ lai hy” nhưng đôi vợ chồng nhà giáo vừa viết nên một câu chuyện lạ khiến nhiều người vô cùng kính phục “U70 tốt nghiệp Đại học Huế”. Cuộc đời của họ đi theo một vòng tròn: học rồi đi dạy, về hưu lại tiếp tục học cho đến nay.
Câu chuyện đặc biệt về vợ chồng thầy Trần Hữu Tài (69 tuổi) và cô Lê Thị Bạch Vân (66 tuổi, ngụ ở P.3, Q.6, TP.HCM) vừa tốt nghiệp Đại học Huế khiến nhiều người trầm trồ, ngưỡng mộ. Không ít người thắc mắc, tuổi già sao không yên phận, tích lũy thêm kiến thức để làm gì? Sao không ở nhà hưởng thụ niềm vui an nhàn mà phải mài đũng quần ở ghế giảng đường nữa? Nếu mọi thứ chỉ dừng lại ở việc “yên phận” thì chẳng có gì đáng để tò mò về cặp vợ chồng U70 này. Nhưng chính những việc làm ngược đời của họ đã thôi thúc người viết phải tìm gặp để tận tai nghe chia sẻ từ thầy cô…
Chọn hướng đi không giống những U70 khác

Ở cái tuổi xưa nay hiếm, các cụ thường chọn những việc nhà nhẹ nhàng, thích sum vầy gia đình, đi du lịch đó đây, nhưng vợ chồng thầy Tài lại không như vậy. “Ngồi ở nhà không có việc gì làm buồn lắm”, cô Vân tâm sự thân tình. Và thế là thầy cô nảy ra ý định đến với lớp Dược sĩ. Sau khi học xong khóa đào tạo Dược sĩ tại Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (1997-2001), họ tiếp tục học thêm lớp đào tạo Đông y ở Đại học Y dược TP.HCM (2001-2006). Với kiến thức đã học và cũng muốn có thêm thu nhập, có việc làm cho khuây khỏa, thầy cô mở hiệu thuốc kinh doanh. “Trước đây hiệu thuốc đặt ngoài đường lớn, mặt bằng thuê. Nhưng sau đó, phần vì thầy cô thường xuyên về quê, phần dành thời gian cho việc học nên cô dời hiệu thuốc về nhà để giảm bớt chi phí. Mặt bằng trong hẻm, buôn bán khó khăn hơn nhưng cô chi tiêu tiết kiệm nên cũng tạm ổn”, cô Vân cười nói.
Cuộc sống như thế có vẻ yên ổn với hai vợ chồng già, nhưng thầy cô vẫn chưa chịu dừng lại đó, mà còn tham vọng học thêm ngành luật. “Tuổi cao, người ta thường trở nên kém trí nhớ và mất dần sự linh hoạt. Muốn hạn chế tình trạng này thì phải tập thể dục cho bộ não nhiều hơn. Và tôi cho rằng, bài tập thể dục trí não tốt nhất chỉ có thể là đi học. Nhận thấy mình còn chưa hiểu nhiều về kiến thức pháp luật, trong những cuộc trò chuyện với bạn về vấn đề này, tôi toàn im lặng lắng nghe. Nhiều khi về nhà có những vấn đề cần tranh luận, tôi với bà nhà cũng chẳng biết đâu là đúng, đâu là sai. Nên chúng tôi quyết định đăng ký ngành Luật học của Đại học Huế liên kết với Trung tâm Cemet thuộc Cao đẳng Giao thông Vận tải III (năm 2008 – 2012)”.
Ban đầu, khi biết thầy cô đăng ký đi học, nhiều người cảm thấy ái ngại vì cho rằng tuổi già làm sao có thể tiếp thu kiến thức được. Nhưng thầy cô vẫn mặc kệ, bảo lưu quan điểm. “Kết quả học tập sẽ chứng minh được khả năng của mình. Thành công sẽ đến với những ai có ý chí và niềm đam mê thật sự”, thầy Tài khẳng định.
Kiến thức thì vô tận, ham muốn học hỏi của thầy Tài và cô Vân cũng vô biên. Mới đây, họ lại đăng ký khóa Luật sư và công chứng ở Học viện Tư pháp. Đôi mắt cô Vân ánh lên niềm vui khó tả khi chia sẻ: “Cô từ nhỏ đã thích được trở thành luật sư. Nhưng vì gia cảnh nghèo, cô chọn làm giáo viên để đảm bảo cuộc sống và gác lại nguyện vọng nghề nghiệp, ai ngờ lúc về già lại có cơ hội đeo đuổi ước mơ. Tháng 5 tới đây, lớp Luật sư và công chứng mà cô với ông xã đăng ký sẽ khai giảng. Cô lại được đến trường thực hiện ước mơ ngày trước. Cô vui lắm!”. Dường như với cặp vợ chồng già này chẳng có niềm vui thú nào bằng việc được đi học, được tích lũy thêm kiến thức: “Đi học là niềm vui, làm cho chúng tôi thấy khỏe khoắn. Từ dạo tốt nghiệp Đại học Huế, chỉ ở nhà, cảm giác nhớ trường, nhớ lớp khiến vợ chồng tôi thấy sức khỏe sa sút hẳn. Vợ chồng tôi mong ngày khai giảng đến nhanh để được tiếp tục với đam mê”.
hue24hThu nhập của vợ chồng già rất ít ỏi, nhưng hai người đều là nhà giáo, quen tiêu xài tiết kiệm nên vẫn đủ trang trải cuộc sống. Với khóa học sắp tới, thầy cô đã nộp trước học phí 20 triệu đồng/người trong 6 tháng. Mức học phí 40 triệu đồng cho hai người là khá lớn. Với một người bình thường vào lứa tuổi gần 70 như thế, không ai chọn hướng đi này. Nhưng thầy Tài, cô Vân lại làm khác. Có lẽ vì điều này, thầy cô đã được mọi người biết đến như một hiện tượng lạ, một tấm gương sáng chói về tinh thần làm giàu tri thức.
hue24hĐiều đáng nói, với bất cứ ngành nghề nào, thầy Tài – cô Vân luôn đặt chữ “tâm” lên hàng đầu. Thời gian dạy học, thầy cô không mở lớp tại nhà để kiếm thêm thu nhập vì sợ phụ huynh đánh giá nghề giáo thực dụng. Họ chỉ dạy phụ đạo không nhận thù lao cho học trò yếu kém. Khi mở hiệu thuốc, hai vợ chồng già làm đúng chữ tâm của một lương y. Người bệnh cho biết triệu chứng, nếu có dấu hiệu thông thường, thầy Tài sẽ kê đơn thuốc phù hợp. Nếu nghi bệnh nặng, thầy thẳng thắn từ chối bán thuốc, rồi khuyên đi khám ở bệnh viện uy tín.
Với ngành học hiện tại, hai cựu nhà giáo một lần nữa chứng minh chữ “tâm” luôn hiện hữu trong tim mình. Hơn nữa, họ muốn trở thành nơi tư vấn cho những người nghèo khổ tiếp cận để hiểu biết và sống tuân thủ pháp luật. Người ta thường nói: Sống có tâm thì trời không phụ. Rõ ràng, công sức thầy Tài – cô Vân bỏ ra đã không hề uổng phí. Hai người được hàng xóm láng giềng kính phục bởi tinh thần hiếu học, sự hòa đồng, thân thiện và luôn sống lạc quan. Cô Vân hào hứng khoe: “Ngày 15.5, vào lúc 6h30, trên kênh VTV3 có thực hiện bài phóng sự về chuyện học của thầy cô, con cũng đón xem luôn nhé!”.
Vợ chồng cô biết cách dung hòa cuộc sống. Không để mình vui quá nhiều hoặc buồn quá lâu. Giận nhau không có lợi ích gì.
Chăm chỉ học tập, thầy cô còn rất “nâng niu” sức khỏe bản thân vì cho rằng có sức khỏe mới làm được mọi thứ. Hàng ngày, nếu thấy cặp vợ chồng đi bộ ở Đại lộ Đông Tây thì chính là họ đấy. Những lúc rảnh rỗi thầy cô lại hát karaoke cùng với những người bạn, đó là cách để vừa thư giãn, vừa luyện hơi hiệu quả như thầy Tài chia sẻ: “Các cháu nghe nói vậy chắc nghĩ tôi già rồi mà còn học đòi nhí nhảnh như lớp trẻ phải không. Thật ra, tôi thích karaoke vì nó giúp rèn luyện hơi thở để giọng nói tốt hơn, chứ không yếu ớt như một số bạn cùng lứa. Nếu không tin, các cháu về hát karaoke thật nhiều sẽ thấy giọng mình ngày càng khỏe hơn. Karaoke cũng là bài thuốc giải tỏa căng thẳng rất tốt”.
Suốt buổi trò chuyện, thầy Tài khiến cho bầu không khí luôn sôi nổi bằng những câu chuyện dí dỏm. Hồi trước đi dạy, thấy các trò học hành căng thẳng, thầy thường bày trò để các em thư giãn. Lần đó, thầy giảng môn Sinh học, bài về con lãi và yêu cầu học trò nộp mẫu vật để được cộng điểm. Học trò thắc mắc nên tìm vật mẫu ở đâu, thầy bảo: “Các con có thể ra mấy chỗ giết mổ heo mà xin. Nhưng vật mẫu xin được thầy chỉ chấm 9 điểm thôi, còn vật mẫu tự… sản xuất thầy sẽ chấm điểm tuyệt đối”. Câu nói đùa của thầy giúp các học trò được một trận cười sảng khoái… Hoặc khi ám chỉ về bản thân với đam mê cắp sách đến trường, thầy Tài lại ví von: “Người ta thường nghe từ đôi bạn học tốt, còn chúng tôi thì lại là đôi bạn học… dốt”.
Riêng cô Vân có vẻ ít nói hơn, thường nhường lời cho người bạn đời. Khi được nghe ông xã khen tặng, cô cười rất tươi. “Bà nhà rất hiểu tâm ý của tôi, chỉ cần một cái nháy mắt thôi là đã biết tôi muốn gì rồi. Tôi rất vui vì có được một người vợ tâm đầu ý hợp như vậy”.
Vợ chồng thầy Tài có một người con chưa kịp lập gia đình thì đã mất cách đây hai năm. Hiện tại chỉ có hai ông bà già thủ thỉ với nhau, lúc có điều kiện thầy cô cũng tranh thủ đi làm từ thiện. “Buổi sáng, cô thức dậy sớm khoảng 7h, đi chợ, nấu ăn trong vòng hai tiếng đồng hồ, rồi cùng ông xã dọn dẹp nhà cửa. Mọi việc hoàn tất thì vợ chồng cùng trông coi quầy thuốc. Sau này, khi đi học lại thì giờ giấc của vợ chồng cô cũng sẽ thay đổi. Nhưng dù ở nhà hay đi học, thầy cô luôn bên nhau, việc chăm sóc cho nhau không gặp khó khăn lắm”.
hue24hThầy cô nói quyết định học luật là để hiểu biết luật và lúc tranh luận thì biết thông tin chính xác mà nói chuyện. Vậy trong cuộc sống, trong công việc, đã bao giờ giữa thầy và cô bất đồng quan điểm không?
Thầy Tài: Chúng tôi cùng trình độ, sau đó, cùng đi học những khóa học, là đôi bạn cùng tiến trong học tập cũng như cuộc sống. Nhận thức giống nhau nên người này quá hiểu ý nghĩ của người kia, không bao giờ bất đồng ý kiến. Hơn nữa, chúng tôi ngăn chặn tranh cãi có thể xảy ra ngay từ đầu khi quyết định tham gia ngành luật học rồi mà (cười).
Cô Vân: Đúng đó, vợ chồng cô biết cách dung hòa cuộc sống. Không để mình vui quá nhiều hoặc buồn quá lâu. Giận nhau, cãi vã nhau không có lợi ích gì. Cô nghĩ cứ sống bình thường thôi, trái tim của mình sẽ ổn định, không lo những cơn tai biến.
Có những ai đã động viên tinh thần để thầy cô hoàn tất tốt việc học, cụ thể là tấm bằng tốt nghiệp ngành Luật học của Đại học Huế vừa rồi?
Cô Vân: Nhà cô neo người, chỉ có hai ông bà già này thủ thỉ cùng nhau, chia sẻ với nhau những niềm vui trong cuộc sống. Riêng học tập là niềm đam mê, thầy cô luôn tự nhắc nhở mình phải cố gắng hoàn tất. Cô nghĩ, chỉ có cố gắng học tập mình mới có khả năng giúp đỡ những người nghèo khó tiếp cận pháp luật.
Thầy cô có thể chia sẻ những vui buồn quanh chuyện học, chuyện đời của mình được không?
Thầy Tài: Bạn đời đi học cùng nhau thì dễ dàng chăm sóc nhau, cùng chia sẻ bài tập với nhau để hoàn thành bài thu hoạch sớm. Có những kiến thức mà người này không hiểu thì người kia sẽ giải thích lại. Giảng đường đại học đã mang đến cho thầy cô rất nhiều niềm vui, xóa tan những nhàm chán của tuổi già. Thành quả đạt được là nhờ những chân trời kiến thức, thầy cô có thể giúp ích cho rất nhiều người. Giúp về kiến thức y học để mọi người gìn giữ sức khỏe, giúp về kiến thức luật pháp để mọi người tuân thủ, tiếp cận với pháp luật để bảo vệ chính mình.
Nhưng cuộc đời con người không chỉ trải đầy hoa hồng mà luôn đan xen cả những trúc trắc. Thầy cô cũng thế, cũng có nỗi buồn riêng. Thầy vượt qua nỗi buồn bằng cách nghĩ về những luận điểm của y học như cô đã chia sẻ: Người già nếu buồn quá lâu thì sẽ hại tim, gây nguy hại cho sức khỏe. Ý nghĩ coi trọng sức khỏe giúp thầy nhanh chóng lấy lại sự cân bằng trong cuộc sống.
Cô Vân: Riêng cô, được đi học là một niềm vui, vì cô thấy mình trẻ lại rất nhiều. Ngồi nghe giáo viên giảng bài, cô cảm thấy sống lại cảm xúc của thời sinh viên xa xưa ấy. Cô còn thấy mình không bị lạc hậu với xã hội, được cập nhật nhiều tin tức, xu hướng của giới trẻ hiện nay.
Bạn học của thầy cô là những người còn rất trẻ. Vậy thầy cô có gặp khó khăn nào lúc tiếp xúc với họ khi tư tưởng hai thế hệ có phần khác biệt nhau?
Thầy Tài: Tư tưởng hai thế hệ khác nhau, nhưng thầy nghĩ mình dung hòa được. Quan trọng là cách sống của mình làm cho người khác phải noi theo. Thầy thấy các bạn trong lớp nói chuyện với nhau nghe hay hay. Dần dần, cách nói chuyện của thầy với bạn học cũng có phần “trẻ”. Nhưng hòa hợp điều gì cũng cần phải chọn lọc. Nếu không có sự chọn lọc, ta sẽ trở nên tiêu cực ngay.
Cô Vân: Thời gian đi học, cô toàn tâm toàn ý cho việc học. Những cuộc trao đổi của cô với các bạn chủ yếu là về kiến thức ở lớp, không trao đổi về chuyện ngoài lề cuộc sống vì cô ngại bị cho rằng “lên mặt dạy đời”. Nếu tư tưởng sống không đem ra bàn luận và tư tưởng học tập của mọi người chung một lớp thì gần giống nhau, cô nghĩ mình không gặp trở ngại nào về khác biệt tư tưởng cả.
Ở tuổi hơn 70, nhiều người bắt đầu quên trước quên sau. Nhưng thầy cô lại có thể rèn luyện cho trí óc minh mẫn, hoàn thành các bài tập của trường. Thầy cô có bí quyết gì không?
Thầy Tài: Chẳng có bí quyết gì cả. Nếu tập thể dục thường xuyên cho bộ não bằng việc học hành nghiêm túc, trí óc sẽ đi theo một quỹ đạo, trở nên minh mẫn hơn.Vì vậy, trước vấn đề nào đó, thầy có thể suy luận rất nhanh, không mất nhiều thời gian như những người bạn cùng trang lứa.

Nguồn: thebox.vn

Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button