Vượt qua tật nguyền, thắp sáng ước mơ
Đất – Người Huế – Bị bại liệt từ năm lên bốn, vượt qua bao đoạn trường gian nan học tập nhưng khi đạt được kết quả rồi, cô gái khuyết tật Trần Phương Liên (ở số 75 Bến Nghé, TP Huế) vẫn không có được nơi nào tiếp nhận vào làm việc. Không hề nản chí, Liên theo đuổi ước mơ thành giáo viên dạy Nhật ngữ. Và, trong 16 năm qua, hàng ngàn học sinh đã được cô giáo Liên truyền thụ kiến thức ngay tại ngôi nhà nhỏ của mình…
Nằm sâu trong một hẻm nhỏ trên đường Bến Nghé, phía sau những cửa hàng khang trang, nhộn nhịp, có một căn phòng nhỏ chừng 10m2, song ngày nào cũng có học viên đến học. Họ đều chăm chú nghe cô giáo Liên giảng bài, tập phát âm, cẩn thận ghi chép từng câu tiếng Nhật… Còn “cô giáo đứng lớp” trên chiếc xe lăn, nhích tới, nhích lui khi viết bảng; thỉnh thoảng phải oằn mình một cách vất vả để với lấy quyển sách trên giá. Thế nhưng, cô giáo Liên vẫn miệt mài giảng dạy như một con ong cần mẫn…
Cô giáo Liên tâm sự rằng, trong suốt 16 năm mở lớp dạy, học trò của cô hiện đã lên tới hàng ngàn người. Có không ít người bây giờ là doanh nhân, học giả thành đạt trong và ngoài nước. Sự nhiệt tình, kiến thức Nhật ngữ sâu rộng, phương pháp truyền đạt phóng khoáng… là những phẩm chất khiến các học viên xa gần tìm tới với cô gái khuyết tật yêu nghề dạy học. Hiện nay, cô giáo Liên đang đào tạo Nhật ngữ cho khoảng 200 người…
Bạn Lê Minh Trang, sinh viên Đại học Khoa học Huế đang theo học Nhật ngữ lớp của cô giáo Liên tâm sự: “Cùng với sự nhiệt huyết, tận tình, em còn kính phục cô Liên bởi nghị lực, kiên trì vượt qua số phận. Đấy cũng là lý do mà mọi người tìm đến cô Liên, chứ không đi học tại các trung tâm”…
Đến bây giờ, nhiều người đã biết đến một cô giáo Liên dạy tiếng Nhật giỏi, một ủy viên Ban chấp hành Hội Hữu nghị Việt – Nhật tỉnh Thừa Thiên – Huế… Thế nhưng, không mấy ai biết rằng, để có được ngày hôm nay, người phụ nữ khuyết tật này đã phải nỗ lực, cố gắng thế nào để vượt qua mặc cảm bản thân, thậm chí có lúc khiến cô tuyệt vọng. Năm nay, “cô giáo” Liên đã bước sang tuổi 55.
Cô kể rằng, năm lên 4 tuổi, cô bị bại liệt sau một cơn sốt. Gia đình đã tốn rất nhiều tiền chạy chữa, nhưng cuối cùng cũng không có kết quả gì. Lớn lên, dù tật nguyền, nhưng cô vẫn được bố mẹ cõng đi học và ấp ủ giấc mơ đến trường. Suốt 12 năm học, cô luôn là học sinh giỏi và năm 1977, đã thi đỗ vào khóa đầu tiên của khoa Văn – Sử, Đại học Tổng hợp Huế (nay là trường Đại học Khoa học Huế). Tốt nghiệp đại học, đến đâu cô cũng nhận được câu trả lời: “Không đảm bảo sức khỏe để làm việc”. Năm tháng trôi dần theo nỗi ngậm ngùi, nhưng ước mơ “làm một việc gì đó có ích cho đời” vẫn nung nấu trong trái tim của cô gái Huế thông minh, đôn hậu.
Mãi đến năm 1993, một lớp Nhật ngữ đầu tiên được mở tại Huế do chính các thầy giáo đến từ Nhật. Cô tìm tòi sách vở ôn luyện và đăng kí dự thi. Sau đó, cô tìm đến lớp học này thì mới hay, các học viên đã vào học được hơn một tháng rồi. Cô buồn bã ra về và tiếp nối những tháng ngày quạnh quẽ với cái tủ thuốc lá bên vệ đường Bến Nghé…
Nhưng, thật bất ngờ. Một hôm, có hai người đàn ông lạ đến nhà cô và bảo đã tìm thấy tên cô và địa chỉ sau khi xem lại hồ sơ và kết quả dự thi lớp Nhật ngữ, cô thi điểm đỗ cao nhất mà sao không thấy đi học. Hai người đàn ông lạ đó, về sau trở thành hai người thầy rất đỗi kính trọng của cô. Đó là thầy Shine Toshiko và thầy Tsu Noda. Thấy cô không có điều kiện đến lớp, hai người đã đến nhà cô dạy Nhật ngữ cho cô.
Được 2 năm, kết thúc công việc tại Việt Nam, các giáo viên dạy Nhật ngữ trở về nước. Chia tay những người thầy, cô tiếp tục tìm kiếm tư liệu, sách vở về Nhật ngữ để học, nâng cao kiến thức. Và, năm 1996, cô quyết định mở lớp dạy tiếng Nhật đầu tiên ngay tại nhà. Cũng từ ngày ấy, cô bắt đầu cầm viên phấn viết lên bảng để truyền thụ kiến thức cho học trò như cô hằng mong ước và đón nhận danh xưng “cô giáo” đầy kính trọng từ các học viên…
Nguồn: cand.com.vn