Xác lập quyền sở hữu trí tuệ: Tăng thương hiệu và mở rộng thị trường
[ad_1]
Dệt zèng A Lưới kể từ ngày có thương hiệu đã thu hút nhiều lao động ở địa phương tham gia tạo nguồn thu nhập ổn định hơn
Hiệu quả khi có thương hiệu
Từ lâu, sản phẩm dệt zèng A Lưới có giá trị về nhiều mặt, vừa là vật dụng, bảo đảm nhu cầu sinh hoạt vừa là tác phẩm nghệ thuật, thể hiện nét đặc trưng độc đáo trong văn hóa dân tộc Tà ôi. Chị Mai Thị Hợp, chủ cơ sở dệt zèng ở A Lưới cho biết, sản phẩm dệt zèng được ví như “di sản” của người dân vùng cao. Mỗi sản phẩm làm ra, như khăn, túi, khố… đi kèm kỹ thuật gắn hạt cườm tạo nên vẻ đẹp độc đáo, nhưng chỉ phục vụ nhu cầu địa phương và giới thiệu ở các lễ hội văn hóa ở các vùng, miền.
Từ năm 2016, với sự quan tâm hỗ trợ ban ngành chức năng huyện, tỉnh, dệt zèng ở huyện A Lưới được tạo dựng quyền SHTT. Đến tháng 3/2019, sản phẩm này được Cục SHTT xác nhận cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể.
Ông Nguyễn Quốc Thạnh, Phó Trưởng phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện A Lưới cho biết, khi có chứng nhận nhãn hiệu tập thể, dệt zèng A Lưới được nhiều khách hàng trong, ngoài nước biết đến. Nhiều nhà thiết kế thời trang nổi tiếng trong nước tìm đến đặt hàng với số lượng lớn. Hiện nay ở địa phương hình thành 5 HTX sản xuất quy mô lớn ở thị trấn A Lưới và các xã Phú Vinh, Nhâm, A Roàng, A Ngo; trong đó có nhiều bản làng gần như 100% hộ dân tham gia dệt zèng. Với giá từ 600.000 đến 700.000 đồng/tấm zèng loại thường và từ 1 – 1,5 triệu đồng loại đính cườm đã giúp nhiều người sống được với nghề, nhất là lao động tận dụng thời gian nhàn rỗi, có thu nhập từ 1,5 đến 2 triệu đồng/tháng/người.
Cũng như “YesHue” sau khi xây dựng được thương hiệu đã tạo hướng đi riêng trong sản xuất kinh doanh về sản phẩm gia vị bún bò Huế. Chị Lê Thị Kim Hằng, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại YesHue cho rằng, để có sản phẩm đặc trưng được nhiều tỉnh thành đón nhận, chị đã trải một thời gian dài nghiên cứu, khảo sát, chọn lựa, chế biến, tập hợp ý kiến khách hàng để điều chỉnh… Nhờ thế, sản phẩm gia vị bún bò Huế đã đạt giải nhất về KNĐMST của tỉnh năm 2017. Sau khi đăng ký xây dựng nhãn hiệu vào năm 2017, YesHue còn phát triển thêm tương ớt, ruốc Huế… Hiện nay, những sản phẩm của YesHue không chỉ vào các nhà hàng cơ sở kinh doanh thực phẩm, siêu thị lớn trong nước mà còn xuất khẩu sang thị trường Anh, Úc, Canada và các nhà phân phối lớn tại Mỹ, như Ahna Gourmet và Amazon. Bình quân, mỗi năm YesHue xuất khẩu từ 8 -10 đơn hàng, mỗi đơn hàng từ 9 -10 tấn…
Bảo hộ xác lập SHTT để phát triển
Bình quân mỗi năm, ở Thừa Thiên Huế có gần 20 tổ chức, cá nhân được tư vấn làm thủ tục đăng ký quyền SHTT. Năm 2019, Sở KHCN chỉ đạo tổ chức hướng dẫn các ban phòng chức năng huyện, thị xã tiến hành hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh lập hồ sơ đăng ký bảo hộ quyền đối với nhãn hiệu và nhãn hiệu tập thể (NHTT) cho các sản phẩm địa phương, như: hướng dẫn, lập hồ sơ đăng ký NHTT ném Tam Giang, cam Nam Đông; hỗ trợ cho Hội Nông dân xã Quảng Thái (Quảng Điền) xây dựng NHTT mướp đắng Tây Hoàng, HTX Nông Nghiệp Kim Thành (Quảng Điền) xây dựng NHTT rau sạch Quảng Thành; Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Thủy Phương (TX. Hương Thủy) xây dựng NHTT chổi đót Thanh Lam và Hội Nông dân xã Thủy Châu (TX. Hương Thủy) xây dựng nhãn hiệu rèn truyền thống Cầu Vực…
Thực tế hiện nay, việc phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm ở địa phương còn nhiều khó khăn, như: nhận thức về tầm quan trọng trong việc xây dựng nhãn hiệu cho các sản phẩm của HTX còn hạn chế; khó khăn về kinh phí và cơ chế hỗ trợ kinh phí của Nhà nước; nhân lực trong công tác phát triển tài sản trí tuệ của HTX còn thiếu; thời gian từ khi nộp đơn đến lúc được cấp văn bằng bảo hộ kéo dài… ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh sản phẩm. Đây là rào cản khiến những sản phẩm ở địa phương khó đi vào thị trường lớn.
Ông Hồ Thắng, Phó Giám đốc Phụ trách Sở KH&CN chia sẻ, gần đây dù nhận thức của các doanh nghiệp về SHTT có sự chuyển biến, nhưng sự thực tế vẫn còn khá hạn chế. Trong đó, có các tổ chức, cá nhân, như HTX sản xuất kinh doanh các sản phẩm tại địa phương. Ông Thắng cho rằng, tư vấn và xác lập SHTT là nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Càng nhiều sản phẩm được bảo hộ thì danh tiếng, uy tín của sản phẩm vùng, địa phương trong tỉnh càng giá trị hơn. Thời gian qua, Sở KHCN tích cực tuyên truyền, tư vấn, hướng dẫn các đơn vị, tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh lập hồ sơ đăng ký quyền SHTT cũng như chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm về SHTT. Hiện nay, ngoài nhiệm vụ của Sở KHCN, mong muốn các sở, ngành chức năng liên quan tích cực hỗ trợ cho các doanh nghiệp, HTX, các tổ chức cá nhân nâng cao nhận thức, năng lực quản lý và phát triển SHTT, xây dựng các thương hiệu để các sản phẩm địa phương thuận lợi hơn khi vào các thị trường lớn.
Bài, ảnh: Minh Văn