Kinh tế Huế

Yêu cầu lao động có kỹ năng nghề vào các khu công nghiệp

[ad_1]


Ở lĩnh vực công nghệ thông tin, nhu cầu lao động chuyên ngành đến năm 2025 cần khoảng 10.000 người

Tăng về lượng và chất

Gần đây, hạ tầng kỹ thuật tại các KKT, KCN từng bước được đầu tư hoàn thiện, đồng bộ, hiện đại, môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện, thông thoáng. Cùng với đó, xu thế dịch chuyển ngày càng rõ ràng của các tập đoàn lớn, nhất là sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Nên thời gian tới, địa bàn tỉnh hứa hẹn sẽ thu hút được nhiều DN đến đầu tư sản xuất kinh doanh. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nhu cầu về LĐ sẽ tăng lên.

Theo tổng hợp nhu cầu LĐ của các DN, dự báo giai đoạn 2020 – 2025, các KKT, KCN cần tuyển dụng khoảng hơn 15.000 – 20.000 LĐ thuộc các lĩnh vực thế mạnh của tỉnh như: may mặc, sợi, cơ khí, điện tử, du lịch dịch vụ… Trong đó, tập trung phần lớn tại địa bàn KKT Chân Mây – Lăng Cô với khoảng 12.000 LĐ. Đơn cử, Công ty TNHH Chế xuất Billion Max cần 2.500 LĐ; 2 dự án sản xuất, lắp ráp ô tô cần khoảng 6.000 LĐ; dự án của Công ty Laguna Việt Nam, Công ty CP Quốc tế Minh Viễn và một số dự án trong lĩnh vực du lịch dịch vụ cần khoảng 2.500 – 3.000 LĐ… Còn tại các KCN đã được đầu tư hạ tầng, như Phong Điền, Phú Bài cần khoảng 8.000 LĐ.

Phó Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế, công nghiệp (KKT-CN) tỉnh Nguyễn Văn Sơn thông tin, những năm qua, công tác thu hút, tuyển dụng LĐ vào KKT-CN tỉnh đã có những bước phát triển mạnh. Số lượng và quy mô các DN trong KKT, KCN ngày càng tăng theo từng năm. BQL đã từng bước chủ động trong việc xây dựng kế hoạch tạo việc làm hàng năm và 5 năm; đồng thời nắm bắt nhu cầu của DN kết hợp với công tác dự báo để chủ động kết nối với các đơn vị tuyển dụng, đào tạo nghề nghiệp chuẩn bị sẵn nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đề ra. Vì vậy, LĐ trong các KKT, KCN cũng tăng mạnh về số lượng và chất lượng. So với cuối năm 2015, số LĐ hiện đang làm việc tại các KKT, KCN tăng thêm 13.450 người. Tại 6 KCN và 2 KKT là Chân Mây– Lăng Cô và Cửa khẩu A Đớt do BQL KKT-CN quản lý, có 197 DN hoạt động đang giải quyết việc làm cho khoảng 32.240 người LĐ. Trình độ chuyên môn kỹ thuật và chất lượng của nguồn nhân lực cũng đã được nâng cao, với hơn 78,3% LĐ đã qua đào tạo và 21,7% LĐ không có trình độ chuyên môn. Trong khi, năm 2015, các tỷ lệ này tương đương 70,2% và 29,8%.

Cung ứng nhân lực thực chất

Một trong những thách thức lớn hiện nay là nguồn nhân lực có kỹ năng tay nghề như kỹ sư công nghệ, kỹ sư thực hành, LĐ kỹ thuật chuyên ngành đáp ứng các ngành, lĩnh vực thế mạnh phát triển của tỉnh còn thiếu. Chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của DN tại một số ngành như: may công nghiệp, may thời trang, cơ khí, điện tử, chế biến thực phẩm… Nên hầu hết các DN phải tốn một khoản chi phí để đào tạo lại người LĐ trước khi tuyển dụng vào làm việc.

Trước thực tế đó, ngay trong Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng nhấn mạnh việc tập trung phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, cũng như ban hành chính sách đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực có trọng tâm, trọng điểm, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành lĩnh vực có lợi thế, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh trong bối cảnh mới.

Đào tạo, bồi dưỡng lực lượng LĐ có chất lượng để cung ứng cho các DN hoạt động trong các lĩnh vực có lợi thế của tỉnh như: ngành kinh tế mũi nhọn là du lịch, ngành công nghệ thông tin và truyền thông có tính đột phá, ngành công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao là nền tảng. Ngoài ra, nhiều DN có đóng góp lớn và đang cần nguồn cung ứng LĐ với số lượng lớn như các DN ngành dệt may, ngành công nghiệp sản xuất bia và đồ uống, sản xuất vật liệu xây dựng…

Cũng theo điều tra, khảo sát định hướng phát triển và nhu cầu LĐ của các DN trên địa bàn tỉnh nói chung, các KKT, KCN nói riêng đến năm 2025, định hướng xây dựng lực lượng LĐ của tỉnh trong thời gian tới tập trung ưu tiên đào tạo các ngành, lĩnh vực chính: Dệt may, da giày và công nghiệp hỗ trợ dệt may, da giày; công nghiệp cơ khí chính xác, chế tạo máy, lắp ráp ô tô; chế biến nông, lâm, thủy sản, thực phẩm, đồ uống; công nghệ thông tin, điện, điện tử, sản phẩm gia dụng điện; dược phẩm, thiết bị và sản phẩm y tế; sản xuất vật liệu xây dựng, vật liệu mới, khai thác và chế biến khoáng sản; in ấn, bao bì; quản lý khách sạn, dịch vụ phòng, buồng, vật lý trị liệu…

 Nói về giải pháp cung ứng nguồn nhân lực để đáp ứng định hướng trên, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội ông Đặng Hữu Phúc cho rằng, ngoài khảo sát, đánh giá nguồn nhân lực hiện có và dự báo trên địa bàn, cần mở rộng vùng lân cận, bao gồm nguồn LĐ của địa phương đi làm ăn xa có khả năng trở về. Bên cạnh đó cần đẩy mạnh hợp tác giữa các bên là DN, cơ sở đào tạo, chính quyền địa phương và người LĐ để xây dựng các chính sách hỗ trợ, đa dạng hóa hình thức tuyển dụng nhân lực. Bên cạnh đó, cần quan tâm chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao, cả về chuyên môn, ngoại ngữ, tin học, kỹ năng giao tiếp… đáp ứng làn sóng đầu tư và chuyển dịch đầu tư mới từ các DN FDI.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG

[ad_2] Báo Thừa Thiên Huế Online

Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button