Kinh tế Huế

Hàng trăm ha lúa chờ dự án thủy lợi

[ad_1]


Gói thầu số 3 đang triển khai thi công nhưng vẫn còn vướng công tác GPMB

Ruộng đồng khô khát

Theo Sở NN&PTNT, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, những năm qua, trên địa bàn tỉnh, nhiều khu vực xảy ra hạn hán kéo dài, việc thiếu nước sản xuất nông nghiệp ngày càng nghiêm trọng. Riêng vụ đông xuân 2019-2020, toàn tỉnh có gần 100 ha diện tích lúa bị chết do thiếu nước và xâm nhập mặn, tập trung chủ yếu  ở thị trấn Phú Đa và một số địa phương khác của khác của huyện Phú Vang.

Vụ đông xuân 2020-2021, gia đình ông Phan Phước (TDP Lương Viện, thị trấn Phú Đa) tiếp tục bỏ hoang gần 3 sào ruộng lúa ở thôn Lương Viện. Theo ông Phước, nguyên nhân bỏ hoang đất ruộng là do sản xuất không hiệu quả, nguồn nước tưới chủ yếu “nhờ trời” vì khu vực sản xuất nằm xa sông Đại Giang, không chủ động được nguồn nước.

Ông Đặng Văn Sỹ, Chủ tịch UBND thị trấn Phú Đa thông tin, nhiều năm nay, diện tích hơn 150 ha trồng lúa của người dân ở 2 thôn Lương Viện, Viễn Trình vẫn thiếu nước tưới tiêu, sản xuất phải nhờ vào nguồn nước tự  nhiên. Với diện tích ruộng chỉ sản xuất được 1 vụ, vụ hè thu thường phải bỏ hoang đất, đang gây nhiều khó khăn cho nông dân.

DA hệ thống tưới Thanh Lam- Phú Đa sau khi hoàn thành sẽ lấy nước từ sông Đại Giang giải quyết tình trạng khô hạn và bỏ hoang nhiều diện tích đất ở địa phương đang chậm tiến độ thi công do vướng công tác giải phóng mặt bằng (GPMB).

“Chính quyền đang tích cực phối hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện hoàn thành kiểm kê, đo đếm và vận động những hộ dân còn lại nhanh chóng giao mặt bằng cho chủ đầu tư thi công nhằm đảm bảo DA đúng tiến độ và phát huy công năng của công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp ở địa phương”, ông Sỹ khẳng định.

Mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đã có buổi kiểm tra tại công trình hệ thống tưới Thanh Lam- Phú Đa. Qua kiểm tra thực tế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị đẩy nhanh công tác GPMB, tăng cường vận động người dân, bàn giao đến đâu thi công đến đó; sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng hệ thống tưới Thanh Lam – Phú Đa gắn với đảm bảo chất lượng công trình.

Chậm tiến độ

DA hệ thống tưới Thanh Lam- Phú Đa do Ban Quản lý DA Đầu tư Xây dựng công trình NN&PTNT làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 32,67 tỷ đồng. Công trình khởi công từ năm 2016, dự kiến hoàn thành năm 2019, với mục tiêu dẫn nguồn nước ngọt từ sông Đại Giang vào cấp nước tưới chủ động bằng động lực cho khoảng 216 ha đất sản xuất nông nghiệp. Trong đó, có 116 ha lúa 2 vụ và 100 ha đất trồng hoa màu thuộc thị trấn Phú Đa. Dù đã được UBND tỉnh gia hạn tiến độ đến ngày 31/12/2021 nhưng công trình vẫn còn nhiều vướng mắc trong công tác GPMB dẫn đến thi công ì ạch.

Nhiều diện tích lúa ở Phú Đa chỉ sản xuất được một vụ hoặc bỏ hoang do thiếu hệ thống thủy lợi

Theo Ban Quản lý DA Đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT, hệ thống tưới tiêu Thanh Lam-Phú Đa gồm có 3 gói thầu xây lắp: Gói thầu 1 gồm tuyến dẫn đoạn dài 2.111m và kênh dẫn đoạn 2 dài 1.480 và trạm bơm; đã thi công hoàn thành ngày 31/8/2019. Gói thầu số 2 gồm tuyến kênh chính dài 1.257m và các công trình trên tuyến; đã thi công hoàn thành 24/12/2020. Gói thầu số 3 (gói thầu cuối cùng của DA) gồm tuyến kênh nhánh N1 dài 2.969m, kênh nhánh N2 dài 920m và các công trình trên tuyến. Hiện đang triển khai thi công xây dựng, theo kế hoạch hoàn thành năm 2021.

Ông Đặng Ngọc Quốc An, Trưởng phòng Kỹ thuật (Ban Đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT) thông tin, nguồn vốn bố trí cho công trình năm 2021 được 4,6 tỷ đồng, lũy kế vốn đến nay 28,9 tỷ đồng/32,67 tỷ đồng (thiếu khoảng 3,77 tỷ đồng). Hiện nay, công trình đạt khoảng 80% khối lượng công việc. Trong đó, vướng mắc GPMB trong gói thầu số 3 (mới thi công được 25% khối lượng) đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ chung của công trình. Ở đoạn tuyến này mặt bằng nhiều chỗ chưa thông suốt trên tuyến dẫn đến gây khó khăn cho đơn vị thi công.

Theo ông Đặng Ngọc Quốc An, từ năm 2020, thời gian thực hiện GPMB kênh nhánh N1 và N2 chậm, kéo dài do ảnh hưởng của dịch COVID-19 làm công tác họp dân, kiểm kê rất khó khăn và mưa bão làm đoạn tuyến công trình bị ngập úng dẫn đến không có mặt bằng sạch cho nhà thầu thi công. Đến nay, việc chi trả đền bù GPMB đạt khoảng 95%, phần còn lại dự kiến chi trả trước ngày 15/5/2021. Chủ đầu tư đang triển khai tập trung nhân lực, máy móc để thi công, dự kiến hoàn thành DA vào tháng 9/2021.

Ông Lê Văn Tưởng, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Phú Vang khẳng định, thời điểm hiện tại UBND huyện đã phê duyệt phương án bồi thường GPMB cho 117 hộ dân với tổng số tiền hơn 958 triệu đồng. Đến nay đã chi trả 92 hộ, còn 15 hộ đã mời chi trả nhưng chưa đến nhận. Dự kiến trong thời gian đến sẽ phối hợp với chính quyền địa phương vận động các hộ dân còn lại để tiếp tục chi trả. Công tác GPMB, chi trả đền bù đã cơ bản xong, việc còn lại của đơn vị thi công, chủ đầu tư đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ công trình.

Ông Đặng Văn Sỹ, Chủ tịch UBND thị trấn Phú Đa cho biết, khảo sát của địa phương cho thấy, nhiều đoạn tuyến kênh nổi (chiều sâu hơn 1m) đi qua khu dân cư trong thiết kế không có các tấm đan đậy. Chính quyền đã kiến nghị Ban Quản lý DA Đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT sử dụng nguồn vốn dự phòng thi công bổ sung các tấm đan đậy kênh mương trong khu dân cư nhằm đảm bảo an toàn cho người và gia súc.

Bài, ảnh: Hà Nguyên

[ad_2] Báo Thừa Thiên Huế Online

Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button