Kinh tế Huế

Nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Huế hư hỏng: Chờ kinh phí duy tu, sửa chữa

[ad_1]


Đoạn đường Lê Đại Hành, phường Tây Lộc, TP. Huế hư hỏng nặng

Ông Trần Văn Đức, hội viên Hội Cựu chiến binh phường Tây Lộc cho biết, đường Lê Đại Hành (đoạn từ UBND phường Tây Lộc đến đường Trần Văn Kỷ) mặt đường nhựa bị hư hỏng nặng. Trên đoạn này, có nhiều “ổ gà”, “ổ trâu”, người qua lại bị ngã xe, trầy xước mặt mày, tay chân rất nhiều.

Để hạn chế tai nạn, người dân sống trong khu vực phải lấy đất, cát, đá chèn vào những chỗ hư hỏng. Tuy nhiên, được vài ngày thì đâu lại vào đó, do không có chất kết dính. Vấn đề này, người dân đã nhiều lần kiến nghị trong các cuộc tiếp xúc cử tri, nhưng chưa được quan tâm giải quyết.

Cũng tại phường Tây Lộc, kiệt 2/51 Thái Phiên (đoạn phía sau Trường mầm non Tây Lộc) có chiều dài 40m, rộng 3m được bê tông, lâu nay đã xuống cấp trầm trọng. Mặt đường hư hỏng và thấp trũng so với khu vực xung quanh. Bà H, một người dân sống trong khu vực này cho biết, trong các đợt lũ lụt năm 2020, đường kiệt này luôn trong tình trạng ngập nước, dù các khu vực xung quanh nước đã rút, ảnh hưởng đến sinh hoạt, đi lại của các hộ gia đình…

Ông Lê Quý Phương, Chủ tịch UBND phường Tây Lộc khẳng định: Những vấn đề người dân phản ánh về đường xuống cấp là chính xác. UBND phường đã có nhiều văn bản trình UBND TP. Huế về việc xem xét hỗ trợ đầu tư nâng cấp đường kiệt 2/51 Thái Phiên và thảm nhựa đường Lê Đại Hành. Ngày 23/4/2021, Phòng Tài chính Kế hoạch chủ trì đã tổ chức cuộc họp để xem xét theo ý kiến của phường và của người dân. Tuy nhiên, hiện nay, các tuyến đường trên vẫn chưa được triển khai sửa chữa, khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn.

Theo Phòng Quản lý đô thị TP. Huế, hiện nay, thành phố quản lý 489 tuyến đường đô thị với chiều dài 240km và 333 tuyến đường kiệt với chiều dài 168km. Hàng năm, tỉnh cấp kinh phí bảo trì đường bộ là 19,5 tỷ đồng. Trong đó, nguồn dành cho sửa chữa, bảo trì đường đô thị là 14,5 tỷ đồng (6,5 tỷ đồng duy tu thường xuyên, 8 tỷ đồng sửa chữa vừa và nhỏ), 5 tỷ đồng còn lại dành cho đường kiệt (3 tỷ đồng duy tu thường xuyên, 2 tỷ đồng sửa chữa vừa và nhỏ). Tuy nhiên, do lượng xe cộ đi lại nhiều, đường xuống cấp nhanh trong khi nguồn kinh phí hạn hẹp nên nhiều đường chưa được sửa chữa, duy tu, bảo trì kịp thời, khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông.

Ông Lê Tuấn Vĩnh, Phó Trưởng phòng Quản lý Đô thị TP. Huế cho biết, hàng năm Phòng Đô thị phối hợp với các ngành chức năng của thành phố đi kiểm tra các tuyến đường trên địa bàn để đưa vào danh mục duy tu, sửa chữa. Trong đó, ưu tiên những tuyến đường hư hỏng nặng. Đối với kiến nghị của người dân và phường Tây Lộc về đường kiệt 2/51 Thái Phiên và đường Lê Đại Hành, UBND TP. Huế đã có kế hoạch đưa vào sửa chữa trong quý 2 và quý 3/2021, trước khi mùa mưa bão đến.

Theo ông Vĩnh, năm 2021, từ nguồn ngân sách của thành phố đã thảm lại một số tuyến đường trung tâm như: Trần Hưng Đạo, Đinh Tiên Hoàng, Nguyễn Trãi, Đoàn Thị Điểm, Huỳnh Thúc Kháng, Lê Huân với kinh phí 7 tỷ đồng. Ngoài ra, có kế hoạch đưa vào khắc phục một số điểm đen với kinh phí khoảng 4 tỷ đồng; có kế hoạch sửa chữa một số tuyến đường kiệt với kinh phí khoảng 6 tỷ đồng. Riêng 4 tuyến đường quanh nội thành như: Ông Ích Khiêm, Tôn Thất Thiệp, Lương Ngọc Quyến, Xuân 68 thuộc Dự án chương trình phát triển các đô thị xanh và một số tuyến đường thuộc dự án khác, nên Phòng Quản lý Đô thị chỉ duy tu, bảo dưỡng.

Bài, ảnh: Hải Huế

[ad_2] Báo Thừa Thiên Huế Online

Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button