Kinh tế Huế

“Xã thông minh” từ mô hình đến thực tế

[ad_1]


Cùng với Vinh Hưng, Quảng Thọ là một trong hai xã được tỉnh chọn triển khai xây dựng XTM – mô hình ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) để quảng bá, thúc đẩy kinh tế – xã hội.

Đại diện HueCIT và các đơn vị liên quan bàn giao sản phẩm cho xã Quảng Thọ

Nông thôn thông minh

Bắt tay xây dựng từ tháng 1 đến cuối tháng 3/2021, Trung tâm CNTT tỉnh (HueCIT), Trung tâm Giám sát và Điều hành đô thị thông minh (HueIOC) cùng các đơn vị liên quan đã tổ chức ra mắt và bàn giao các sản phẩm ứng dụng CNTT – một phần của mô hình XTM cho UBND xã Quảng Thọ.

Giám đốc HueCIT Hoàng Bảo Hùng cho biết, cùng với cả nước, việc xây dựng và thí điểm mô hình XTM góp phần thiết thực hoá kế hoạch triển khai Chương trình Chuyển đổi số (CĐS) quốc gia, tỉnh đến 2025.

Theo đó, dựa vào định hướng phát triển cũng như những lợi thế, mức độ sẵn sàng về ứng dụng CNTT của địa phương, mô hình xây dựng XTM với các mục tiêu chính: hoàn thiện Chính quyền điện tử, hướng đến xây dựng Chính quyền số, Xã hội số và Kinh tế số.

“Điểm khác biệt, chúng ta thực hiện mô hình XTM do Thừa Thiên Huế đề xuất, chứ không theo hình mẫu sẵn có của Cục Tin học hóa – Bộ Thông tin & Truyền thông. Mô hình của tỉnh xây dựng trên nền tảng “xã nông thôn mới kiểu mới”: Đi từ mô hình, đến hệ thống CĐS chính quyền rồi mới xây dựng nông nghiệp thông minh với các ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất”, ông Hùng cho hay.

Hiện, HueCIT đã bàn giao Trang thông tin tổng hợp XTM (http://quangtho.huecit.com/) và chuyên trang HTX số (http://htxquangtho1.huecit.com), chuyên trang này sẽ được tích hợp thêm chức năng thương mại điện tử. Đây là bước tạo đà cho việc triển khai giải pháp quản trị HTX thông minh, quản lý sản xuất và hỗ trợ ra quyết định; ứng dụng hệ thống quan trắc môi trường thời gian thực và hỗ trợ điều hành, quản lý sản xuất nông nghiệp.

Ngoài ra, XTM Quảng Thọ còn có hệ thống giám sát môi trường để phục vụ nuôi trồng thuỷ hải sản, hệ thống du lịch “ảo” (quảng bá du lịch bằng công nghệ thực tế ảo) cho xã và mở rộng cho huyện Quảng Điền; hệ thống phản ánh hiện trường – Lắng nghe đời sống nông thôn với đặc thù riêng cho Quảng Thọ (người dân địa phương phản ánh, chính quyền xã tiếp nhận, xử lý chứ không đưa lên hệ thống phản ánh hiện trường của Đô thị thông minh HueS).

Người dân hưởng lợi

Tại phòng quản lý điều hành thông minh của xã, Chủ tịch UBND xã Quảng Thọ- Hoàng Công Phong hồ hởi, 4 năm liền (từ 2017-2020) xã đi đầu trong ứng dụng CNTT khối xã, thị trấn của huyện Quảng Điền. Đây là nền tảng quan trọng để Quảng Thọ được lựa chọn thí điểm xây dựng XTM của tỉnh.

Để hỗ trợ người dân trong quá trình CĐS, huyện đầu tư cho xã phòng quản lý điều hành thông minh, 7 điểm phát wifi miễn phí ở 8 thôn (có 2 thôn dùng chung); xã lắp đặt 14 camera an ninh (trong đó có 3 camera thông minh) để giám sát trên các trục chính tỉnh lộ, huyện lộ, liên thôn và các cơ quan, trường học; phối hợp với Viettel Pay làm thẻ thanh toán không tiền mặt cho đội ngũ cán bộ chủ chốt xã, thôn và sắp tới người dân có thể sử dụng smartphone thanh toán hoá đơn điện, nước, nhận lương, phụ cấp qua tài khoản.

Ông Nguyễn Thanh Hoà, người dân xã Quảng Thọ vui mừng: Với gần 50% người dân địa phương sử dụng smartphone, chúng tôi hưởng lợi nhiều từ mô hình XTM. “Vui nhất là có sóng wifi, lướt internet công cộng miễn phí nên bà con có thể cập nhật thông tin nhanh chóng”, ông Hoà nói.

Theo lãnh đạo địa phương, CĐS cấp xã là làm những việc cụ thể cho người dân. Thực hiện đổi mới toàn diện từ tư duy, nhận thức tới cách làm của cán bộ, công chức cũng như đổi mới nhận thức, thay đổi thói quen, cách làm cũ lâu nay của mỗi người dân, DN, HTX thành cách làm việc hoàn toàn mới, thuận tiện.

Chủ tịch xã Quảng Thọ cho rằng, các nội dung triển khai bước đầu đã cho thấy hiệu quả nhất định. Như thông qua phản ảnh hiện trường, nhiều vấn đề được giải quyết nhanh, hiệu quả bằng phương tiện số từ tiếp nhận, phân phối, xử lý, tương tác. “Song xã vẫn còn nhiều việc phải làm”, ông Phong nói.

“Bây giờ cần nhất là tuyên truyền để người dân biết, hiểu, thay đổi nhận thức về CĐS, XTM. Vì sao phải xây dựng XTM và người dân hưởng lợi gì từ đó, vận động người dân tham gia thanh toán không tiền mặt… Chúng tôi cũng đang đề xuất tỉnh hỗ trợ hệ thống truyền thanh thông minh và lắp đặt 5 hệ thống quan trắc (4 môi trường nước, 1 không khí) theo kế hoạch”, ông Phong bày tỏ.

Hiện, truyền thanh xã vẫn đang dùng hữu tuyến. Sở Kế hoạch và Đầu tư đã khảo sát, thẩm định, dự kiến hỗ trợ cho Quảng Thọ xây dựng phần mềm thông minh trên hệ thống truyền thanh, sử dụng smartphone để điều hành. Trước đó, đã thử nghiệm hệ thống quan trắc môi trường nước cho kết quả khả thi nhưng chưa triển khai. Xã cũng gặp khó vì thiếu cán bộ chuyên trách phòng điều hành thông minh để điều hành, xử lý.

Bài, ảnh: Liên Minh

[ad_2] Báo Thừa Thiên Huế Online

Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button