Kinh tế Huế

Quy hoạch hai bờ sông

[ad_1]


Gần đây, hai bờ sông Hương được đầu tư, chỉnh trang tạo điểm nhấn cho đô thị Huế Ảnh: Nguyễn Phong (Ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19)

Làng tôi ở vùng đất khá cao so với những khu dân cư khác ở Phong Điền, lũ ít khi lên tới. Năm 1999, khi Thừa Thiên Huế chìm trong biển nước của cơn “Đại hồng thủy”, nhà tôi nước lũ cũng chỉ vào nhà chừng 1 mét. Đó là đỉnh lũ lớn nhất từ khi cha tôi lên vùng đất mới dựng nhà, lập nghiệp.

Sau cơn lũ 1999, làng tôi ít khi bị lũ lớn trở lại, chỉ một vài cơn nhỏ, nước vào tới sân trước nhà. Năm 2020, khi mưa lũ hoành hành ở miền Trung, nước mới lên lại tới sân nhà. Trong khi đó, báo chí trong năm 2020 đưa tin, “Mực nước sông Bồ chạm đỉnh lũ 1999”. Nghe nghiêm trọng nhưng thực ra đây là mực nước trên sông, so chung với mực nước lũ toàn địa bàn tỉnh thì còn rất xa để tiệm cận đỉnh lũ 1999.

Như ở nhà tôi, nếu để lũ đạt đỉnh như 21 năm trước thì phải còn gần hơn 1 mét nước. Nhà cậu tôi ở vùng trũng Quảng Điền, trong cơn lũ 1999, nước lên đến mái nhưng khi sông Bồ chạm đỉnh lũ của cơn “Đại hồng thủy” 21 năm trước, nước chỉ vào đến nhà chừng 50 cm. Như vậy, có thể hiểu rằng, đạt đỉnh trên sông khác với đạt đỉnh lũ toàn vùng.

Không chỉ năm trước, năm 2017, truyền thông cũng từng đưa tin lũ trên sông Bồ sắp đạt đỉnh 1999.

Đưa ra những thông tin trên để hiểu rằng, việc điều tiết và quy hoạch hai bên bờ sông cực kỳ quan trọng như thế nào trong việc thoát lũ. Hạ tầng hai bên sông Bồ của năm 2020 khác hẳn với những năm 1999 về trước, do đó việc lũ thoát chậm và dâng cao là tất yếu.

Khi mà thiên tai, mưa lũ đang ngày càng diễn biến bất thường thì việc quy hoạch hai bên bờ sông càng phải rất thận trọng. Mùa lũ, nước từ thượng nguồn đổ về các sông, chỉ cần chúng ta không tạo không gian cho lũ thoát, nước chảy sẽ gây ra cảnh ngập úng cho vùng đô thị. Nhiều thành phố, đô thị đã lâm vào cảnh này là bài học đắt giá cho các tỉnh, thành khác trong việc quy hoạch hai bên bờ sông.

Trong một buổi nói chuyện ở Huế hồi cuối năm 2020, TS. Nguyễn Ngọc Huy, Chuyên gia cảnh báo và dự đoán thời tiết cực đoan cho rằng: Phải đảm bảo nguyên tắc giữa đào và đắp. Chúng ta lấy không gian của nước bao nhiêu thì phải trả lại chừng đó không gian. Phải tôn trọng không gian cho nước chảy, lúc đó mới tránh được ngập lụt.

Việc tôn trọng dòng chảy của nước là vấn đề mà chúng ta đôi khi không để ý, cứ san lấp sông ngòi, lấn chiếm không gian của nước. Những đô thị lớn chỉ cần một trận mưa là ngập. Việc chúng ta bất chấp sự cảnh báo đã để lại những hậu quả trước mắt. Đô thị biển, gần bên biển nhưng vẫn xảy ra tình trạng ngập úng khi mưa lớn đổ về là quá vô lý.

Câu chuyện về sông Bồ đạt đỉnh lũ 1999 khi “mặt bằng” chung của mực nước chưa lớn đòi hỏi chúng ta phải có một quy hoạch cực kỳ tốt cho các vùng đất bên sông. Đô thị sẽ chìm trong biển nước mỗi mùa lũ nếu chúng ta chiếm hết không gian hai bên sông cho công trình lớn, nhà hàng, khách sạn…

Dĩ nhiên, chuyện quy hoạch phải tính đến phương án dài hơi, có sự kế thừa, điều chỉnh. Sự thông thoáng hai bên sông luôn cần được đảm bảo, bất kể đó là con sông nào.

Huế đang tiến thẳng và mở rộng thành phố theo hướng biển, và tương lai nếu để đô thị biển lâm vào cảnh ngập lụt thì chúng ta rất khó để trả lời với con cháu.

Nguyễn Đắc Thành

[ad_2] Báo Thừa Thiên Huế Online

Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button