Kinh tế Huế

Khai thác thế mạnh kinh tế vườn

[ad_1]


Khách du lịch tham quan nhà vườn Thuỷ Biều (Ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19)

Nhà vườn ông Hồ Xuân Đài, kiệt 22/12 Thanh Nghị, phường Thuỷ Biều có tuổi đời trên 100 năm, diện tích hơn 1.200m2. Trước đây, mỗi ngày gia đình đón vài đoàn khách với trên 100 lượt người đến tham quan, trải nghiệm chế biến đặc sản Huế, thưởng thức ẩm thực tại vườn, trong đó 70% là du khách quốc tế. Từ đầu năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các tour tuyến du lịch tạm dừng hoạt động nên không có khách đến tham quan, gia đình chuyển hướng đầu tư cải tạo và phát triển kinh tế vườn.

Theo ông Hồ Xuân Đài, với diện tích rộng, ngoài các loại cây lâu năm như măng cụt, dâu, thanh trà, cam, quýt, mít, cau, thời gian gần đây, gia đình đầu tư công, phân bón trồng thêm các loại rau củ quả ngắn ngày để tăng thu nhập, đồng thời có thể đón khách tham quan và mua sắm đặc sản vườn.

“Dù nguồn thu từ kinh tế vườn không cao, trên dưới 40 triệu đồng/năm, không bằng với doanh thu từ dịch vụ du lịch, song cũng giúp gia đình duy trì và bảo tồn nhà vườn. Hiện, gia đình đang đề xuất với UBND TP. Huế xin kinh phí cải tạo vườn tạp để trồng thêm một số cây ăn trái nhằm tăng thu nhập”, ông Đài chia sẻ.

Năm 2017, nhà vườn ông Đoàn Kim Khánh ở 145 Vạn Xuân, phường Kim Long được đề án “Chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng” hỗ trợ 500 triệu đồng trùng tu, nâng cấp, đồng thời hỗ trợ tôn tạo khuôn viên nhà vườn và cây giống. Qua 4 năm triển khai, hiện nhà rường đã được trùng tu, khu vườn được chỉnh trang, tôn tạo để đón khách tham quan và tăng giá trị kinh tế.

Bà Trần Thị Bê, chủ nhà vườn cho biết, với khuôn viên vườn rộng hơn 5.000m2, sau khi được TP. Huế hỗ trợ kinh phí trùng tu và tôn tạo vườn, hiện kinh tế vườn của gia đình khá ổn định, một số cây ăn trái như xoài, mít, hồng, nhãn cho thu hoạch quanh năm.

Chủ tịch UBND phường Kim Long Phan Vĩnh Duy Mãn thông tin, toàn phường hiện có 13 nhà vườn được công nhận là nhà vườn Huế đặc trưng. Với lợi thế diện tích lớn, từ 2.000 – 5.000m2/nhà nên hiện một số nhà vườn rất cần hỗ trợ kinh phí tôn tạo vườn, hỗ trợ cây giống và tập huấn kỹ thuật trồng trọt để phát triển kinh tế vườn, nâng cao giá trị kinh tế, nhằm giảm áp lực vắng khách do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Theo ông Mãn, hiện UBND phường đang làm việc với các chủ nhà vườn để vận động các gia đình tham gia vào đề án, đồng thời thống kê các nhà vườn đảm bảo các tiêu chí để hướng dẫn đăng ký nhận hỗ trợ tiếp tục được trùng tu và cải tạo vườn.

Theo lãnh đạo UBND TP. Huế, đề án “Chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng” ngoài việc hỗ trợ kinh phí trùng tu, còn hỗ trợ tôn tạo khuôn viên vườn cho các chủ nhà vườn. Theo đó, hỗ trợ một lần 100% tiền mua cây giống, tối đa không quá 30 triệu đồng/vườn, hỗ trợ 70% kinh phí cải tạo khuôn viên vườn (gồm cả cổng, hàng rào, bình phong, non bộ…), tối đa không quá 100 triệu đồng/nhà vườn.

Cùng với hỗ trợ cây giống, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện tư vấn kinh nghiệm, hỗ trợ tạo lập vườn và phục hồi vườn thông qua chương trình khuyến nông và các dự án liên quan; Sở Du lịch vận động các doanh nghiệp xây dựng các tour, tuyến tham quan nhà vườn Huế nhằm khai thác tiềm năng, phát huy thế mạnh tại các khu nhà vườn.

Bài, ảnh: Liên Minh

[ad_2] Báo Thừa Thiên Huế Online

Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button