Nhu cầu thở sạch là quyền lợi cấp thiết
[ad_1]
Khói, bụi tại một số khu vực, thời điểm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt, sức khỏe cộng đồng
Ngoài nhu cầu ăn sạch, uống sạch thì nhu cầu thở sạch đang là một trong những nhu cầu cấp thiết. Việc hít thở không khí sạch sẽ giúp cho sức khỏe của mỗi người, nhất là người bệnh, người lớn tuổi, phụ nữ và trẻ em được cải thiện cả về thể chất lẫn tinh thần.
Phải thừa nhận rằng, môi trường không khí của cách đây nhiều năm về trước trong lành hơn nay gấp nhiều lần. Giờ chỉ cần bước chân ra đường là ngửi thấy khói, bụi vì phương tiện cơ giới hoạt động ngày càng tăng, nhiều cơ sở sản xuất thải nhiệt, cùng với đó là mật độ bê tông, đường nhựa tăng, mặt nước ao hồ bị thu hẹp.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, không khí ở khu vực thành phố thường có nhiều vi khuẩn, vi trùng gây bệnh do mật độ dân số cao, trao đổi hàng hoá nhiều, sản xuất và xây dựng phát triển, tạo ra lượng rác lớn, phân tán, khó thu gom kịp thời, gây ô nhiễm môi trường. Người từ các vùng khác nhau qua lại nhiều, mang mầm bệnh từ nhiều nơi đến. Không khí lưu thông kém vì vướng nhà cao tầng, tạo cơ hội cho vi trùng gây bệnh tập trung và tồn tại lâu hơn.
Do không khí ngày càng ô nhiễm nặng, nên ảnh hưởng xấu đến tâm lý và sức khoẻ con người. Trong 10 bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất tại Việt Nam, có 6 bệnh liên quan đến đường hô hấp có nguyên nhân từ ô nhiễm không khí và chất lượng không khí. Trong cơ cấu bệnh tật, các bệnh về đường hô hấp cũng là 1 trong 5 nhóm bệnh bị mắc phải cao nhất.
Với tầm quan trọng và tính cấp thiết phải đảm bảo mỗi người dân được sống trong môi trường trong lành, Tổng cục Môi trường – Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định, năm 2021, báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia (thực hiện 5 năm một lần) sẽ tập trung vào thực trạng và giải pháp về chất lượng môi trường không khí.
Đánh giá của Vụ Quản lý chất lượng môi trường (Tổng cục Môi trường) cho thấy giai đoạn 2016-2020, ô nhiễm môi trường không khí tại một số thành phố lớn vẫn tiếp tục diễn ra, tại một số thời điểm, một số khu vực ở mức xấu. Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sức khỏe của người dân mà còn tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, du lịch, dịch vụ.
Mỗi địa phương sẽ phải báo cáo thông tin, số liệu về diễn biến các thông số quan trắc về ô nhiễm không khí ở đô thị, nông thôn, làng nghề, khu cụm công nghiệp…; đồng thời đề ra các giải pháp quản lý chất lượng môi trường không khí.
Đối với Thừa Thiên Huế, chỉ số quan trắc môi trường không khí theo từng tháng, từng quý thường đạt chất lượng tốt. Chính quyền cũng đã có những giải pháp bảo vệ môi trường, trong đó trồng cây xanh là giải pháp tối ưu vì tính hiệu quả và tốn ít chi phí nhất. Chỉ cần 50% tòa nhà trong thành phố được phủ xanh, mức độ ô nhiễm không khí sẽ giảm rõ rệt. Hay giảm bớt những mặt tường tòa nhà cao tầng bằng kính, bằng bê tông để thay bằng những vật liệu thân thiện môi trường, hình thành nhiều “Rain garden” dù lớn hay nhỏ ở mọi không gian sống.
Dù chưa tạo được một làn sóng mạnh, nhưng những công trình kiến trúc xanh đã và đang hình thành sẽ thích ứng, khắc phục những nhược điểm của ô nhiễm môi trường. Ngoài ra còn có nhiều biện pháp hạn chế ô nhiễm không khí như hình thành nhiều tuyến phố đi bộ, phát triển xu hướng sử dụng xe công cộng hoặc xe đạp để đi lại; siết chặt đăng kiểm về tiêu chuẩn khí thải đối với ô tô theo quy định mới…
Bài, ảnh: HOÀI NGUYÊN