Kinh tế Huế

Biến tướng trang trại điện mặt trời – kỳ 1: Sản xuất nông nghiệp đối phó, chủ yếu bán điện

[ad_1]


Qua tìm hiểu, hầu hết các trang trại điện mặt trời (TTĐMT) trên địa bàn tỉnh đang “núp bóng” trên đất nông nghiệp. Từ một chủ trương đúng đắn của Nhà nước, các chủ đầu tư lách luật, sử dụng đất sai mục đích. Trong khi đó, công tác quản lý nhà nước vẫn chưa thấu đáo.

TTĐMT hiện tập trung chủ yếu ở Phong Điền, Quảng Điền và TX. Hương Trà. Hầu hết các TTĐMT xem việc sản xuất nông nghiệp chỉ là thứ yếu, để che đậy các dự án sản xuất điện với doanh thu lớn – trồng trọt cây cối là “vỏ bọc” cho sản xuất ĐMT.

Nha đam được trồng “đối phó” dưới hàng nghìn tấm pin năng lượng mặt trời

“Chuyển hóa” đất nông nghiệp

Vùng trang trại rú cát xã Quảng Vinh từ lâu được quy hoạch để chăn nuôi và trồng trọt. Song, thời gian gần đây, hàng nghìn tấm pin năng lượng mặt trời được áp mái khiến nhiều người liên tưởng đến việc công nghiệp hóa vùng đất nông nghiệp. Tuy nhiên, thực tế, đất nông nghiệp được tận dụng vào mục đích khác. Có trang trại công suất lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời lên đến 4 MWp.

Anh T.V.C (thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền) ban đầu là chủ trang trại chăn nuôi rộng 3,6 ha tại rú cát xã Quảng Vinh, bây giờ anh trở thành người quản lý TTĐMT. Anh đã bán 3,6 ha đất trang trại của mình cho một người tên P. với giá 2 tỉ đồng. Từ đó, trên vùng đất này mọc lên 34 khu nhà với gần 1.000 tấm pin năng lượng mặt trời. Theo tính toán của anh C., công suất lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời trên diện tích đất trang trại này khoảng 4 MWp, mỗi ngày chủ trang trại này thu về hàng chục triệu đồng từ việc bán điện, dù mục đích sử dụng đất là sản xuất nông nghiệp.

Hơn 10 năm trước, ngay trên vùng đất này, anh C. là chủ trang trại chăn nuôi với hơn 100 con lợn nái và hàng trăm con lợn thịt. Những biến cố về thị trường khiến anh C. đứt vốn làm ăn. Giá lợn xuống dốc, dịch bệnh triền miên, anh C. cầm cố nhà cửa, bán xe nhưng vẫn không thể duy trì, tái đầu tư.

Bây giờ, anh đã bán đất, có một số tiền lớn và dự định tiếp tục cho người tên P. thuê thêm diện tích chừng 2ha nữa để mở tiếp TTĐMT.

Vì lợi ích trước mắt, không chỉ anh C, nhiều hộ dân ban đầu xin đất để làm trang trại nông nghiệp bây giờ “chuyển giao” cho các “ông trùm” để sản xuất điện ngay trên vùng đất ngày trước họ từng đổ mồ hôi để dựng xây.

Sản xuất nông nghiệp đang là thứ yếu tại các TTĐMT

Chia nhỏ dự án để bán điện

Phát triển TTĐMT không mới, Nhà nước cũng có chính sách ưu đãi. Song, với quy định dự án ĐMT có công suất từ 3 MWp phải xin phép để Bộ Công thương đưa vào quy hoạch điện lực quốc gia. Vậy, bằng cách nào các chủ trang trại này không thực hiện những thủ tục này?!

Một chủ trang trại lách luật bằng cách mua đất nông nghiệp anh C., sau đó dùng “cái mác” dự án nông nghiệp, tận dụng mái nhà lắp pin năng lượng, chia nhỏ dự án, hợp đồng với nhiều doanh nghiệp có tư cách pháp nhân. Mỗi dự án (hợp đồng) chỉ có công suất dưới 1MWp. Đó là điều kiện để đấu nối với Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế mà không cần xin phép Bộ Công thương.

“Hệ thống điện năng lượng này được xây dựng với chi phí khoảng 80 tỉ đồng. Chủ dự án xây dựng các trạm biến áp trước khi hòa vào lưới điện cao thế. Mỗi tháng tôi và 3 nhân công khác phải vệ sinh pin 1 lần để ổn định công suất. Theo tính toán, chỉ 8 năm sau có thể thu hồi vốn”, anh C. tiết lộ.

Không chỉ tại vùng rú cát Quảng Vinh, thực trạng lách luật “núp bóng” đất nông nghiệp để sản xuất điện là chiêu thức được các chủ dự án sử dụng tại các địa phương khác.

Tại xã Phong Hiền (Phong Điền), có 3 TTĐMT đã được các chủ đầu tư xây dựng xong, chiếm cả chục ha đất ven tuyến Tỉnh lộ 11C và Tỉnh lộ 8A. Các trang trại đã đấu nối hệ thống để bán điện từ nhiều tháng trước.

TTĐMT của ông Phạm Hồng Phú tại thôn Bắc Triều Vịnh với diện tích sử dụng đất trang trại nông nghiệp là 3,48 ha, diện tích lắp đặt ĐMT áp mái khoảng 2,0 ha, loại hình trang trại trồng cây nha đam. Chủ trang trại đã ký hợp đồng cho 4 công ty thuê mái lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời trên mái nhà và đã được Công ty Điện lực tỉnh nghiệm thu đóng điện, ký kết hợp đồng mua bán điện.

Tương tự, TTĐMT của ông Nguyễn Đăng Hòa tại thôn Bắc Triều Vịnh, xã Phong Hiền cũng đã hoàn thiện lắp đặt hệ thống ĐMT mái nhà và tiến hành đấu nối vào lưới điện để bán.

TTĐMT mang lại doanh thu lớn cho chủ đầu tư

Cây gì có thể sống dưới hàng nghìn tấm pin?

Tất cả các TTĐMT đều mang cái “mác” tận dụng mái nhà sản xuất điện. Để “qua mặt” cơ quan chức năng, dưới hàng nghìn tấm pin năng lượng mặt trời, chủ trang trại trồng cây nha đam, đinh lăng và thả lèo tèo vài chục con gà. “Nha đam chỉ cần trồng xanh tốt là được, do vậy chủ trang trại đã đầu tư hệ thống quạt gió và nước làm mát, còn việc bán được hay không không quan trọng. Nguồn thu từ trang trại này chủ yếu đến từ việc bán điện”, một nhân viên trang trại tiết lộ.

Nói về việc sản xuất nông nghiệp tại TTĐMT tại thôn Bắc Triều Vịnh, ông Phạm Hồng Phú – chủ trang trại này cho biết, chủ đầu tư đã liên kết sản xuất, ký kết hợp đồng đầu ra với với các Công ty GC Food, Tập đoàn JapFa, Tập đoàn Masan nhằm thu mua nha đam và gà thịt với quy mô giai đoạn 1 khoảng 100.000 con!

“Riêng nha đam ở Huế chúng tôi trồng ở các trang trại diện tích khoảng 10 ha, không có mà bán vì Công ty GC Food thu mua toàn quốc. Đối với gà thịt chúng tôi đang đàm phán với Tập đoàn Masan tìm đầu ra cho sản phẩm khoảng 300- 400 nghìn con gà/năm”, ông Phú nói.

Tuy nhiên, thực tế, tại khu vực trang trại trồng đại trà cây nha đam khoảng hơn nửa năm nay. Nằm giữa khu vực trảng cát nóng ran cộng với nguồn đất cằn cỗi khiến cây nha đam còi cọc, nhiều cây quặt quẹo không sống nổi sau một thời gian trồng.

Ông Nguyễn Đình Hợp, cán bộ Địa chính – Nông nghiệp xã Phong Hiền (Phong Điền) có góc nhìn khác, bởi theo kinh nghiệm của một người nhiều năm gắn bó với sản xuất nông nghiệp thì vùng rú cát rất khó trồng trọt nếu không có giải pháp kỹ thuật hiệu quả. Việc trồng trọt, chăn nuôi tại các TTĐMT cũng rất khó, bởi trồng cây trong khu vực không thể quang hợp. Chủ đầu tư chưa tiến hành cải tạo đất.

Tại TTĐMT của ông Nguyễn Đăng Hòa, chủ đầu tư đã trồng cây đinh lăng trên hầu hết diện tích. Một vài người dân gần đó cho hay, cây đinh lăng được trồng hơn nửa năm nhưng hiện trạng nhiều cây quặt quẹo, chậm phát triển.

Ông K., bảo vệ tại trang trại cho biết: “Trang trại đã lắp xong hệ thống áp mái ĐMT từ hơn nửa năm trước. Cây đinh lăng được trồng nhưng không có hệ thống tưới tự động. Chủ trang trại thuê người tưới nước hàng ngày. 6 tháng trồng nhưng cây chậm phát triển, do chưa cải tạo đất, môi trường đất cát rất nóng, nếu thu hoạch chắc cũng chỉ đủ tiền thuê bảo vệ mà thôi”.

Ông Lê Qúy Thảo, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho rằng: “SXNN chỉ mang tính đối phó, các trang trại này chủ yếu bán điện. Nguồn năng lượng quan trọng nhất để cây phát triển là ánh sáng, song tại những TTĐMT, ánh sáng bị che hết, cây có thể không chết nhưng khả năng phát triển kém. Qua khảo sát của chúng tôi, tại các vùng đất TTĐMT, việc trồng trọt rất khó. Về mặt khoa học, không thể đánh giá là hiệu quả!”.

Theo các cơ quan chức năng, khi Thông tư 02/2020/TT-BNNPTNT có hiệu lực, quy định tiêu chí trang trại thay thế cho Thông tư số 27/2011/TT-BNNPTNT thì giấy chứng nhận kinh tế trang trại được cấp theo Thông tư số 27 hết hiệu lực. Do vậy, việc quản lý nhà nước còn nhiều bất cập. Dù vậy, việc các TTĐMT có thực hiện đúng theo các tiêu chí của Thông tư 02 hay không đang là câu chuyện của… thời tương lai.

Thọ Khánh – Thành Triều

Kỳ 2: Cần sự rõ ràng, minh bạch trong đầu tư

 

[ad_2] Báo Thừa Thiên Huế Online

Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button