Biến tướng trang trại điện mặt trời – bài 2: Cần sự rõ ràng, minh bạch trong đầu tư
[ad_1]
Cần có những giải pháp quản lý TTĐMT đồng bộ hơn
Một dự án trang trại nông nghiệp khi triển khai tùy thuộc vào dự án đã có trong quy hoạch hay không, đất thuộc loại gì,… Nếu chưa có trong quy hoạch phải đợi bổ sung quy hoạch. Nếu xin dự án làm ĐMT cần chuyển mục đích sử dụng đất sang đất sản xuất kinh doanh và tùy thuộc vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở từng địa phương. Song, câu chuyện các chủ đầu tư thuê đất làm trang trại triển khai hệ thống ĐMT không hề đúng nghĩa, dẫn đến chính sách khuyến khích, phát triển ĐMT có dấu hiệu biến tướng.
Quản lý lúng túng vì quy định chưa rõ
Theo Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Phong Điền, tổng số TTĐMT trên địa bàn huyện là 4 trang trại, với diện tích sử dụng đất gần 10 ha, diện tích lắp đặt ĐMT áp mái khoảng 4,43 ha, công suất lắp đặt dưới 1MWp, loại hình trang trại chủ yếu trồng trọt.
Ông Hoàng Bá Nghiễm, Trưởng phòng Kinh tế -Hạ tầng huyện Phong Điền thông tin, qua kiểm tra, đối với trang trại nông nghiệp của ông Nguyễn Chánh Phúc (Bắc Triều Vịnh, Phong Hiền) đã tiến hành xây dựng nhà phục vụ mục đích trồng trọt, chăn nuôi và tận dụng hệ thống mái nhà để lắp đặt ĐMT khi chưa có chủ trương đầu tư của cơ quan có thẩm quyền.
Đồng thời, theo quyết định cho thuê đất và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho ông Nguyễn Chánh Phúc không có mục đích đất nông nghiệp khác, nhưng ông Phúc tiến hành xây dựng nhà phục vụ mục đích trồng trọt, chăn nuôi và tận dụng hệ thống mái nhà để lắp đặt ĐMT là chưa phù hợp với mục đích sử dụng đất.
Tương tự, trang trại của ông Nguyễn Đăng Hòa khi được cấp đất phát triển trang trại, thể hiện rõ mô hình trồng cây đinh lăng, kết hợp lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời. Theo tìm hiểu PV, khi tiến hành xây dựng, ông Hòa chuyển nhượng lại cho một chủ khác thuê phần mái và tiến hành lắp đặt pin năng lượng mặt trời. Trang trại này cũng đã xây dựng nhà phục vụ mục đích trồng trọt và tận dụng hệ thống mái nhà lắp đặt ĐMT khi chưa có chủ trương đầu tư của cơ quan có thẩm quyền.
Tại huyện Quảng Điền, hiện có 2 cá nhân là ông Phạm Hồng Phú và Bùi Trí Dũng đầu tư xây dựng TTĐMT ở 4 vị trí. Theo phương án được phê duyệt, các trang trại này trồng cây nha đam, đinh lăng, nuôi giun quế, sản xuất phân trùn và nuôi gà thả vườn. Đến nay, các trang trại dù đã triển khai trồng trọt nhưng cây phát triển chậm.
“Thu nhập của các trang trại chủ yếu bán điện. Trong quá trình giám sát, mặc dù biết mục đích sử dụng đất là nông nghiệp nhưng chúng tôi vẫn lúng túng bởi Bộ Công thương có văn bản không cấm việc tận dụng phần mái sản xuất điện”, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền – Lê Ngọc Bảo nói.
Cần có những giải pháp quản lý TTĐMT đồng bộ hơn
Theo Sở Tài nguyên & Môi trường, đơn vị này đã tiến hành kiểm tra 9 dự án TTĐMT với tổng diện tích đất gần 33ha. Qua kiểm tra, việc cho thuê sử dụng vào mục đích trang trại là đúng quy hoạch, đúng thủ tục, song tại các điểm có đầu tư ĐMT thì đất hầu như chưa sử dụng vào mục đích chính là sản xuất nông nghiệp.
“Ngoại trừ TTĐMT ở Hương Trà, các TTĐMT ở Quảng Điền và Phong Điền thu nhập chính chủ yếu từ bán điện. Hiện, các văn bản quy phạm pháp luật chưa quy định, điều tiết quản lý các vấn đề này”, ông Hồ Đắc Trường, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường cho hay.
Cảnh giác với hệ lụy
Tại cuộc họp bàn giải pháp xử lý các TTĐMT trên địa bàn tỉnh, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư nhận định, việc kiểm tra, giám sát TTĐMT ở các địa phương vẫn chưa chặt chẽ về vấn đề tác động đến môi trường hay những quy định về phòng cháy chữa cháy. Một dự án này có thể tồn tại hàng chục năm, do vậy cần phải tính đến những tấm pin hết niên hạn sử dụng sẽ xử lý như thế nào.
Thực tế, nhiều chuyên gia năng lượng đã cảnh báo về mức độ ô nhiễm mà tấm pin năng lượng mặt trời gây ra. Chất thải từ việc sản xuất và sau khi hết hạn sử dụng đều ở mức báo động. Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA) dự đoán rằng số lượng này có thể lên tới 78 triệu tấn vào năm 2050.
Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Thanh cho rằng, các TTĐMT trên địa bàn tỉnh mục đích ban đầu không phải sản xuất điện. Song, khi các dự án đã triển khai cần có sự giám sát chặt chẽ hơn, nếu không chúng ta sẽ tạo ra tiền lệ không tốt.
“Các đơn vị phải phối hợp tốt, có thể không dừng hoạt động nhưng phải quản lý chặt, kể cả quản lý chất lượng công trình trụ điện vào mùa mưa bão có an toàn hay không để tránh xảy ra những sự cố đáng tiếc trong tương lai”, ông Thanh nhấn mạnh.
Duy trì đúng quy định
ĐMT đang là xu thế của tương lai. Nguồn năng lượng sạch này sẽ đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương. Thông tin từ Công ty Điện lực tỉnh, việc đấu nối, hợp đồng mua bán điện của các TTĐMT là đúng pháp luật. Song, khi mà các DN tìm cách lách luật để “né” các quy định của Nhà nước thì cơ chế quản lý cần đồng bộ hơn.
Theo ông Nguyễn Thanh, một TTĐMT sẽ tồn tại từ 20-30 năm, vai trò quản lý nhà nước cần hướng đến mục tiêu tương lai. Với bản chất của các TTĐMT hiện nay, ông Thanh cho rằng, cần yêu cầu các DN hoàn thiện các thủ tục lại từ đầu, DN phải thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình đầu tư ĐMT.
“Mục đích ban đầu là không phải sản xuất điện, chủ trương lập trang trại làm gì thì thực hiện đúng theo như vậy. Nếu sản xuất nông nghiệp không hiệu quả chuyển sang dự án ĐMT thì đưa vào quy hoạch ĐMT để dễ dàng quản lý. Vấn đề này cần sự giám sát chặt chẽ từ phía địa phương và tỉnh cần ban hành một quy định cụ thể để theo sát thực trạng này”, ông Thanh nói.
Theo tìm hiểu, những khu vực phát triển TTĐMT dù quy hoạch sản xuất nông nghiệp nhưng giá trị thực tế các sản phẩm nông nghiệp không cao. Vì lẽ đó, người dân nhượng lại phần đất trong quy hoạch sản xuất nông nghiệp cho các chủ đầu tư dự án ĐMT và câu chuyện phát triển TTĐMT nếu tuân thủ chặt chẽ những quy định của Nhà nước sẽ tạo ra hướng phát triển hợp lý.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho hay, việc phát triển ĐMT trên địa bàn tỉnh là thiết thực và tất yếu. Lợi ích của các dự án ĐMT mang lại công ăn việc làm và tạo thu nhập cho người dân, đóng góp ngân sách cho địa phương; qua đó, góp phần giải quyết các vấn đề an sinh xã hội. Quan trọng hơn nữa là giải quyết vấn đề an ninh năng lượng quốc gia và góp phần giảm phát thải khí nhà kính… Song, riêng các TTĐMT trên địa bàn tỉnh đang có sự biến tướng. Cho đến nay, thu nhập từ nông nghiệp là thứ yếu. Do vậy, tỉnh đã có chủ trương tạm dừng phát triển TTĐMT.
“Riêng TTĐMT tại Hương Trà không đáng lo ngại bởi mục đích phát triển chăn nuôi lợn, gà, bò thấy rất rõ và mang lại thu nhập cao. Đối với các TTĐMT còn lại việc phát triển nông nghiệp đang là thứ yếu, có giá trị kinh tế không cao, song cũng cần thời gian để kiểm chứng. Chúng tôi sẽ giám sát, đánh giá về thu nhập đối với các TTĐMT; nếu vi phạm sẽ xử lý theo quy định của Nhà nước. Qua đây phải rút kinh nghiệm về công tác quản lý, nếu chúng ta xử lý kịp thời thì số TTĐMT không đúng bản chất sẽ ít hơn. Đến thời điểm này, các TTĐMT này chưa xảy ra hệ lụy gì về môi trường, xã hội và quy hoạch. Sắp tới, tỉnh sẽ có những quy định cụ thể về quản lý TTĐMT, trong đó, có giải pháp chuẩn hóa vấn đề kỹ thuật, quy mô và sự an toàn. Ngành tài nguyên cũng sẽ đánh giá lại tính chất sử dụng đất ở các khu vực này”, ông Phương cho biết.
Tại các TTĐMT, mục đích chính chủ yếu là trồng trọt và chăn nuôi. Theo Thông tư 02/2020/TT-BNNPTNT tiêu chí kinh tế trang trại quy định, đối với trang trại chuyên ngành, giá trị sản xuất trồng trọt bình quân phải đạt từ 1 tỷ đồng/năm trở lên và tổng diện tích đất sản xuất từ 1 ha trở lên; giá trị sản xuất chăn nuôi bình quân phải đạt từ 2 tỷ đồng/năm trở lên và đạt quy mô chăn nuôi trang trại theo quy định tại Điều 52 Luật Chăn nuôi và văn bản hướng dẫn.
Bài, ảnh: Thọ Khánh – Thành Triều