Kinh tế Huế

Nhiều bất cập & chậm xử lý

[ad_1]


Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương kiểm tra các diện tích sắn bị nhiễm bệnh khảm lá ở Phong Điền vào tháng 4/2021 và yêu cầu tiêu hủy các diện tích bị nhiễm bệnh

422 ha sắn giống bị nhiễm bệnh

Kế hoạch ban đầu của ngành nông nghiệp huyện Phong Điền trong vụ sắn năm nay là tận dụng các nguồn giống sạch còn lại tại địa phương (năm 2020 nhiều diện tích bị bệnh khảm lá) và các vùng lân cận để gieo trồng. Những diện tích không đủ giống sẽ chuyển đổi sang cây trồng khác, hoặc để trống, có thời gian mầm bệnh khảm lá trong đất bị tiêu diệt. Tuy nhiên, ngày 26/11/2020, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) tỉnh có văn bản gửi huyện Phong Điền giới thiệu đến mua sắn giống KM95 sạch bệnh tại Chi nhánh Nhà máy tinh bột sắn Thừa Thiên Huế – Công ty TNHH MTV Nông sản xuất nhập khẩu Hoàng Huy (gọi tắt Công ty Hoàng Huy). Nên sau đó, kế hoạch thay đổi, huyện Phong Điền chỉ đạo các địa phương liên hệ nhà máy để mua giống về trồng.

Tuy nhiên, sắn giống do Công ty Hoàng Huy bán cho người dân lại bị nhiễm bệnh khảm lá. Theo Phòng NN&PTNT huyện Phong Điền, tổng diện tích trồng sắn của huyện năm 2021 là 1.015 ha; trong đó, 617 ha bị bệnh khảm lá; riêng sắn giống do Công ty Hoàng Huy bán cho người dân bị bệnh lên đến 422 ha, 195 ha nhiễm bệnh còn lại là nguồn sắn giống có sẵn ở địa phương. Phong Hiền, Phong Sơn, Phong An là những địa phương có diện tích nhiễm bệnh lớn nhất ở Phong Điền.

Ông Trần Quốc Bình, Phó Giám đốc Công ty Hoàng Huy giải thích, khi lấy giống và vận chuyển sắn từ Tây Ninh ra Huế, đơn vị không hề hay biết sắn đã bị nhiễm bệnh trước đó, đây là sự cố ngoài mong muốn.

 Người dân Phong Điền nhổ sắn bị bệnh 

Lời giải thích này có vẻ không hợp lý bởi trong tháng 2/2021, trong quá trình kiểm tra dịch khảm lá sắn tại xã Phong Hiền, các cơ quan chức năng phát hiện một xe tải giống của nhà máy này đang giao cho người dân, chỉ bằng mắt thường đã phát hiện những cây sắn còn sót lại lá trên thân có biểu hiện bị bệnh khảm lá. Sau đó, cơ quan chức năng niêm phong số sắn giống trên, tiến hành kiểm định thì xác định dương tính với virus gây bệnh khảm lá. Cũng phải nhấn mạnh là sắn giống trên được thu gom tại Tây Ninh, vùng đã công bố dịch khảm lá. Số giống trên hoàn toàn không có các giấy tờ liên quan. Do đó, chẳng khác gì người dân bị lừa mua giống bị bệnh từ nhà máy.

Công ty Hoàng Huy cho rằng, sắn giống mà nhà máy bán cho người dân có giá chỉ 18 nghìn đồng/bó (bó 20 cây), rẻ hơn trên thị trường rất nhiều. Trong khi đó, ông Hoàng Lớn, người dân thôn Bắc Triều Vịnh, xã Phong Hiền cho biết, trước khi mua sắn giống tại nhà máy, người dân có ra Quảng Bình và Quảng Trị mua giống thì chỉ với giá 14 nghìn đồng/bó. Mặt khác, so sánh chất lượng giống giữa hai bên thì sắn giống của nhà máy thua xa. Giống nhà máy cung cấp cây ngắn, cây dài, không đồng đều, mắt sắn bị gãy, khô héo hai đầu. Mỗi cây giống của nhà máy chỉ phân được 6 – 8 khúc giống (mỗi khúc 0,1m), trong khi giống nơi khác luôn được 10 khúc. Quá trình mua giống tại nhà máy, người dân chỉ được đếm bó chở về, không được lựa loại tốt nhất. Do đó, giống nơi khác mỗi sào đất (500m2) chỉ cần 10 bó sắn giống là trồng đủ, còn với sắn giống từ nhà máy phải 15 bó.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Việc lựa chọn công ty cung cấp giống sắn cho người dân không qua hình thức chào mời, đấu thầu công khai; công ty được lựa chọn không đảm bảo chức năng cung cấp giống; giá sắn giống không có sự tham khảo, cơ quan chức năng không nắm rõ cao, hay thấp hơn so với thị trường thời điểm đó; khi giống sắn về bán cho người dân không được kiểm tra, thẩm định chất lượng; quá trình mua bán không có hợp đồng giao dịch; sau khi phát hiện sắn bị bệnh, phía các cơ quan chức năng cũng không có những giải quyết kịp thời, cụ thể để bảo vệ quyền lợi cho người dân; phía nhà máy cũng không có cam kết bồi thường cụ thể… Đó là những bất cập, sai sót được chỉ ra.

Điều khiến chúng tôi bất ngờ hơn là các cơ quan chuyên môn liên quan trực tiếp về vấn đề này là Chi cục TT&BVTV tỉnh và Phòng NN&PTNT huyện Phong Điền có những thông tin mâu thuẫn, đẩy trách nhiệm cho nhau.

Ông Nguyễn Văn Phước, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phong Điền thừa nhận là có những bất cập trong việc mua bán và chậm xử lý vụ việc Công ty Hoàng Huy bán sắn giống nhiễm bệnh cho người dân. Trách nhiệm một phần là của huyện, nhưng trách nhiệm chính thuộc về Chi cục TT&BVTT tỉnh, vì đây là cơ quan chuyên môn có chức năng kiểm định chất lượng giống. Ngoài ra, chi cục đã có văn bản giới thiệu nơi mua giống. Theo nguyên tắc, một loại giống từ ngoại tỉnh về thì phải kiểm định, kiểm tra chất lượng sau đó mới giao cho địa phương, người dân. Nếu đầu vào được kiểm định đúng quy trình thì sẽ không có việc người dân trồng rồi mới biết sắn giống bị bệnh.

Trong khi đó, ông Lê Văn Anh, Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV tỉnh thừa nhận là có sự quản lý chưa tốt về nguồn giống, nhưng nói trách nhiệm chính thuộc về chi cục là không đúng. Trách nhiệm đầu tiên thuộc về Công ty Hoàng Huy vì không tuân thủ các quy định về mua bán sắn giống, sau đó là từng địa phương và các ngành chức năng chuyên môn của huyện Phong Điền.

“Chi cục đã có nhiều chỉ đạo, văn bản hướng dẫn địa phương quản lý chặt chẽ giống sắn khi đưa về địa bàn, kịp thời báo cáo với cơ quan chức năng xử lý, nhưng đến khi sắn đã trồng mới phát hiện và đơn vị phát hiện ra sự việc đầu tiên cũng là chi cục. Nói về chức năng kiểm định giống, không thuộc về chi cục mà phải gửi mẫu đi các cơ quan chức năng cao hơn. Nếu các cơ quan quản lý địa phương giám sát tốt, quản lý chặt chẽ, phối hợp nhanh thì không thể xảy ra sự việc như hiện tại”, ông Lê Văn Anh phân trần.

Người dân đề nghị phía Công ty Hoàng Huy hoàn lại một phần tiền mua giống nào đó, nhưng đến nay vẫn chưa có cuộc làm việc đầy đủ giữa các bên để giải quyết. Ông Lê Văn Anh giải thích, việc giải quyết quyền lợi cho người dân, cụ thể là hoàn lại tiền giống không hề dễ dàng, bởi khi mua bán giống hai bên không có biên bản, hợp đồng kinh tế nào cả, nên không có căn cứ xử lý bồi thường. Nếu xử lý không đúng, nguy cơ bị nhà máy này kiện ngược lại là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Đừng để người dân mất niềm tin

Câu hỏi trách nhiệm thuộc về ai, những giải pháp nào để đảm bảo quyền lợi cho người dân vẫn đang còn bỏ dở, chưa có câu trả lời thích đáng. Càng buồn hơn khi trong quá trình chúng tôi trao đổi với người dân, người dân cho rằng đang có cảm giác bị “bỏ rơi”, mất niềm tin vào cách xử lý của các cơ quan chức năng. Người dân thắc mắc liệu chăng có những vấn đề “nhạy cảm” giữa các cơ quan chức năng và Công ty Hoàng Huy.

Theo Chi cục TT&BVTV tỉnh, phía nhà máy cam kết sẽ thu mua giá sắn với mức 1,6 nghìn đồng/kg để bù lại tiền giống và năng suất cây bị bệnh (chỉ đạt khoảng 50 – 70% so với sắn không bị bệnh). 1,6 nghìn đồng/kg là giá cam kết thấp nhất, sẽ có biến động tăng thêm tùy theo giá thị trường. Đây là mức thu mua cao, so với mọi năm chỉ khoảng 800 đồng đến 1,2 nghìn đồng/kg.

Tuy nhiên, theo người dân, đó chỉ là cam kết “miệng”, hoàn toàn không có một biên bản, hay thông báo nào cho người dân yên tâm. Người dân mong muốn, thiệt hại đã xảy ra, giờ chỉ đề nghị nhà máy có cam kết không ép giá, thu mua nhanh khi người dân thu hoạch, không để mưa lũ ảnh hưởng đến số lượng, chất lượng sắn (thời điểm thu hoạch sắn vào mùa mua lũ hàng năm).

Ông Hồ Đôn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền khẳng định, sự việc trên là một bài học cần được rút ra trong công tác quản lý, điều hành, phối hợp. Về phía lãnh đạo địa phương, huyện cam kết với người dân rằng là sẽ xử lý vụ việc này một cách hợp tình, hợp lý nhất, không bỏ qua, trên nguyên tắc bảo vệ quyền lợi cao nhất cho người dân.

Bài, ảnh: Đức Quang

[ad_2] Báo Thừa Thiên Huế Online

Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button