Kinh tế Huế

Ưu tiên hỗ trợ sản xuất sản phẩm sạch

[ad_1]


Phòng sản xuất nấm và đông trùng hạ thảo của HTX Nông nghiệp sạch Narasa

Sau nhiều năm nghiên cứu và học tập kinh nghiệm sản xuất phôi và trồng các loại nấm ăn, nấm dược liệu tại nhiều địa phương trong nước, tháng 1/2020, ông Lê Ngọc Tuân đã thành lập HTX Nông nghiệp xanh Narasa tại xã Hương Bình, TX. Hương Trà để sản xuất các sản phẩm này. Từ diện tích đất trên 3.000m2, ông Tuân và các cộng sự đã sản xuất thành công các loại nấm ăn, như nấm sò, bào ngư và nấm dược liệu như linh chi, đông trùng hạ thảo… cung ứng ra thị trường các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên và 2 thành phố lớn là TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Hiện, mỗi tháng HTX tiêu thụ trên 10 tấn nấm.

Thị trường mở rộng, khách hàng sử dụng nấm linh chi, đông trùng hạ thảo ngày càng nhiều, trong khi HTX chưa đầu tư máy sấy nên gặp khá nhiều khó khăn do phải đưa sản phẩm đông trùng hạ thảo từ xã Hương Bình về TP. Huế sấy gia công với mức phí, công vận chuyển từ 1,2 – 1,5 triệu đồng/kg. Tháng 6/2021, HTX lập đề án KC xin hỗ trợ kinh phí đầu tư máy sấy để mở rộng quy mô sản xuất và được Sở Công thương phê duyệt.

Giám đốc HTX, ông Lê Ngọc Tuân cho rằng, với tổng kinh phí đầu tư 200 triệu đồng, trong đó nguồn vốn KC hỗ trợ 90 triệu đồng, sau khi đưa máy sấy thăng hoa vào hoạt động, HTX không phải vận chuyển nấm dược liệu về thành phố sấy gia công, vừa đỡ chi phí vừa tiết kiệm nhân công, đồng thời chủ động các đơn hàng.

Theo ông Tuân, các loại nấm ăn, nấm linh chi và đông trùng hạ thảo là sản phẩm đang được người tiêu dùng lựa chọn nhiều nên đơn hàng khá ổn định. Ngoài cung ứng cho thị trường bán lẻ trong cả nước, HTX chú trọng công tác quảng bá, tiếp thị và xúc tiến thương mại để đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị lớn như Big C, Co.opMart; hệ thống cửa hàng nông sản sạch khu vực miền Trung – Tây Nguyên và các nhà thuốc. Sắp tới, HTX tiếp tục mở rộng diện tích canh tác, nghiên cứu trồng thêm một số loại nấm và dược liệu để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Theo Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Thanh, dù ảnh hưởng của dịch COVID-19, song công tác KC địa phương năm 2021 vẫn triển khai đúng tiến độ, hiện các đề án hỗ trợ trong năm 2021 đã triển khai gần hết. Không chỉ hỗ trợ kinh phí đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại thay thế dần các thiết bị lạc hậu để giúp cơ sở sản xuất sản phẩm mới, nâng cao chất lượng sản phẩm để cạnh tranh, nguồn vốn KC ngày càng phát huy hiệu quả khi các cơ sở tích cực hưởng ứng và đầu tư vốn để trang bị máy móc.

Ông Thanh cho rằng, vốn KC mang tính chất dẫn lối để các cơ sở mạnh dạn đầu tư thêm kinh phí trang bị máy móc, hoàn thiện hệ thống trang thiết bị tại các cơ sở CNNT. Từ năm 2021, vốn KC sẽ ưu tiên hỗ trợ các cơ sở làng nghề, sản phẩm OCOP và các cơ sở sản xuất sản phẩm sạch đầu tư máy móc, hỗ trợ công tác xúc tiến thương mại và quảng bá thương hiệu sản phẩm để mở rộng quy mô sản xuất.

Năm 2021, nguồn vốn KC sẽ hỗ trợ trên 1 tỷ đồng cho các cơ sở CNNT, bao gồm khoảng 10 đề án đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại, bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu. Đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh để tăng cường quảng bá sản phẩm, giảm chi phí trong giao dịch, hạ giá thành sản phẩm cũng như tăng năng lực cạnh tranh.

Bài, ảnh: Khánh Thư

[ad_2] Báo Thừa Thiên Huế Online

Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button