“Nâng tầm” cây thanh trà
[ad_1]
Chăm sóc vườn cây thanh trà theo mô hình VietGap tại vườn Thủy Biều
Mở rộng diện tích
Với diện tích gần 150 ha, cây thanh trà ở Thủy Biều (TP. Huế) thực sự mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân với doanh thu đạt khoảng 3,2 tỷ đồng/năm.
Trồng thanh trà VietGAP bắt đầu hình thành ở Thủy Biều khoảng năm 2018, đến nay đã có 8,5 ha với 43 hộ tham gia mô hình. “Đối chứng” với những vườn thanh tra còn lại, từ chất lượng, sản lượng trái, giá cả, khả năng cải tạo đất, bảo tồn cây thanh trà, cho thấy đây là bước đi đúng đắn của người nông dân.
Đây là vụ mùa thứ 4 nông dân Lê Văn Nhân (TDP Lương Quán, phường Thủy Biều, TP. Huế) tham gia phát triển cây thanh trà theo mô hình VietGAP. Khi tham gia mô hình, ông Nhân được chính quyền địa phương hỗ trợ vật tư đầu vào, sử dụng các chế phẩm sinh học, phân chuồng để dần thay thế các loại thuốc bảo vệ thực vật. Đặc biệt, hệ thống tưới bằng béc phun vừa giảm được sức lao động, vừa mang lại hiệu quả tưới cao.
“Những mùa vụ qua cho thấy, trái thanh trà trồng theo mô hình VietGAP cho sản lượng (từ 150-200kg/cây), cao hơn nhiều so với cách sản xuất truyền thống. Đồng thời, giá thanh trà cũng “nhỉn” hơn từ 5-10 nghìn đồng/quả. Thị trường đầu ra cũng được mở rộng hơn”, ông Nhân cho biết.
Phường Thủy Biều đang xây dựng chỉ dẫn địa lý cho thanh trà và mở rộng diện tích phát triển trồng loài cây này theo tiêu chuẩn VietGAP. Để đạt mục tiêu phát triển và mở rộng diện tích cây thanh trà theo tiêu chuẩn VietGAP, Sở NN&PTNT cũng yêu cầu các địa phương TP. Huế, Phong Điền, Hương Trà, Hương Thủy xây dựng mô hình thâm canh, cải tạo vườn cây già cỗi, tập trung ứng dụng đồng bộ tiến bộ KHKT thâm canh và tiếp tục quảng bá thương hiệu thanh trà rộng rãi hơn thông qua việc quảng bá sản phẩm vào các lễ hội, kết hợp du lịch và xuất khẩu tại chỗ.
Sở NN&PTNT đang triển khai xây dựng Đề án Phát triển cây ăn quả tỉnh giai đoạn 2021-2025, do Học viện Nông nghiệp Việt Nam tư vấn thực hiện. Theo đó, các đơn vị tổ chức trên địa bàn tập trung nghiên cứu về cây đặc sản thanh trà như phương pháp nhân giống bưởi thanh trà; đầu tư dự án xây dựng vườn ươm nhân giống cây ăn quả… Đồng thời, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư phát triển cây thanh trà.
Vừa qua Công ty TNHH Xây dựng Thành Phát đã đề xuất đầu tư dự án bảo tồn và phát triển cây đặc sản thanh trà tại phường Thủy Biều với quy mô16 ha và kết nối các hộ nông dân thêm 140 ha để phát triển xây dựng thương hiệu “Thanh Trà Thủy Biều Huế”.
Nhiều chính sách hỗ trợ
Theo Chi cục TT&BVTV tỉnh, để phát triển vùng nguyên liệu cây thanh trà đến năm 2025, UBND tỉnh đã có Kế hoạch số 159/KH-UBND ngày 4/7/2019, với mục tiêu ứng dụng đồng bộ tiến bộ KHKT, thâm canh cây thanh trà, thay đổi nhận thức và kỹ thuật sản xuất cho người nông dân nhằm hướng đến nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, góp phần bảo vệ nguồn gen, bảo tồn văn hóa nhà vườn Huế, duy trì và phát triển ổn định vùng nguyên liệu loài cây này.
Ông Lê Văn Anh, Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV tỉnh cho rằng, thời gian tới cần tiếp tục ưu tiên hoạt động nghiên cứu khoa học đối với cây đặc sản thanh trà, đồng bộ từ chọn tạo giống đến toàn bộ quy trình sản xuất. Sử dụng giống được sản xuất từ nguồn giống cây đầu dòng đã được công nhận, khuyến khích dùng giống cây ghép đối với các vùng trồng mới.Tập huấn chuyển giao vào sản xuất các quy trình canh tác tiên tiến, quy trình quản lý dịch hại, quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), công nghệ tưới phun, tưới nhỏ giọt… công nghệ xử lý, bảo quản, chế biến sau thu hoạch; thay thế dần các vườn quả giống cũ bằng các giống mới, cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Thực hiện nhiều phương pháp chuyển giao kỹ thuật cho hộ nông dân sản xuất bưởi thanh trà an toàn, chất lượng.
Tỉnh cũng có các giải pháp về thị trường tiêu thụ như tạo điều kiện cho hộ gia đình phát triển mở rộng diện tích sản xuất theo tiêu chí cánh đồng lớn. Khuyến khích phát triển liên kết hộ nông dân với các doanh nghiệp, HTX, tổ chức khoa học, hiệp hội ngành hàng trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thanh trà.
Phát triển hệ thống phân phối tại các thị trường, đặc biệt là kết nối hệ thống các siêu thị làm khâu cầu nối để tiêu thụ sản phẩm. Mở rộng thị trường ngoại tỉnh theo hướng đa dạng hoá thị trường và triển khai thường xuyên, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thông qua các chương trình, lễ hội, hội thi đối với cây bưởi thanh trà, hỗ trợ xây dựng thương hiệu; xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý Huế cho sản phẩm bưởi thanh trà.
Những năm qua, để bảo tồn và phát triển cây bưởi thanh trà, Sở NN&PTNT đã công nhận 10 cây đầu dòng (trong đó, Hương Vân 4 cây, Thủy Biều 6 cây) và 1 vườn cây đầu dòng (tại Công ty TNHH NN MTV Lâm nghiệp Tiền Phong với số lượng 84 cây). Sự “góp mặt” của những cây đầu dòng này đã cho khai thác mắt ghép, góp phần bảo tồn nguồn gen quý cây thanh trà.
Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN