Không ảnh hưởng đến hoạt động tín dụng chính sách
[ad_1]
Hoạt động tín dụng vẫn đảm bảo khi sáp nhập
Hội sở tỉnh thực hiện thay vì các phòng giao dịch
Từ 1/7, Thừa Thiên Huế thực hiện điều chỉnh toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của 2 xã Thủy Vân, Thủy Bằng thuộc TX. Hương Thủy; 2 phường Hương Hồ, Hương An và 4 xã Hương Thọ, Hương Phong, Hương Vinh, Hải Dương thuộc TX. Hương Trà; 4 xã Phú Thượng, Phú Dương, Phú Mậu, Phú Thanh và thị trấn Thuận An thuộc huyện Phú Vang về TP. Huế quản lý.
Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính và sắp xếp, thành lập các phường, TP. Huế có 36 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 29 phường và 7 xã. Điều này cũng đồng nghĩa Phòng Kế hoạch nghiệp vụ tín dụng (hội sở tỉnh) Chi nhánh NHCSXH tỉnh tiếp nhận quản lý thêm 13 xã, phường và các điểm giao dịch các địa phương này do Chi nhánh NHCSXH tỉnh thực hiện thay vì các phòng giao dịch cấp huyện, thị xã như trước đây.
Theo bà Nguyễn Thị Yến, Phó Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ tín dụng, Chi nhánh NHCSXH tỉnh, việc tăng số xã, phường đồng nghĩa với quy mô tín dụng thuộc bộ phận tín dụng hội sở tỉnh quản lý tăng lên, địa bàn rộng hơn và có một số xã nằm khá xa trung tâm thành phố.
Tuy nhiên, việc sáp nhập này không hề ảnh hưởng đến chất lượng cũng như hoạt động tín dụng bởi công tác tiếp nhận bàn giao đã được chuẩn bị và tổ chức thực hiện chu đáo, đúng quy định, đúng thời gian. Trong thời gian trước, trong và sau thời gian bàn giao, tiếp nhận, chính quyền các địa phương, các tổ chức hội đoàn thể nhận ủy thác, tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) đều phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tiếp nhận, bàn giao của cán bộ tín dụng được phân công theo dõi địa bàn.
Giảm các chương trình tín dụng nhưng không giảm quy mô
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Thuận An – Ngô Văn Đủ chia sẻ, hoạt động tín dụng chính sách là “bà đỡ” cho kinh tế địa phương. Dù có thuộc sự theo dõi, chỉ đạo của Ban đại diện NHCSXH huyện Phú Vang hay TP. Huế thì lãnh đạo phường, các tổ chức hội đoàn thể và tổ TK&VV vẫn làm tốt các nhiệm vụ của mình. Chính quyền sẽ tạo điều kiện và phối hợp với cán bộ tín dụng để tiếp tục kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ TK&VV nhằm đảm bảo hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn phát huy hiệu quả nhất.
Trước lo lắng của các đơn vị nhận ủy thác, về sự thay đổi đơn vị trực tiếp quản lý, chuyển từ huyện lên TP. Huế sẽ có các chương trình tín dụng thay đổi, người dân không còn được tiếp cận với nhiều chương trình vì thế quy mô tín dụng trên địa bàn sẽ có những thay đổi.
Ông Văn Đức Thọ, Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh chia sẻ, về cơ bản việc sáp nhập sẽ không ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động cũng như quy mô tín dụng chính sách của các xã, phường nhập vào thành phố. Có một số ít đơn vị sau khi sáp nhập được chuyển từ xã lên phường sẽ có chương trình tín dụng chính sách không được thực hiện nữa mà chỉ theo dõi thu hồi nợ khi đến hạn, như chương trình cho vay nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn. Sau khi nhận bàn giao, TP. Huế là đơn vị cấp huyện có quy mô tín dụng lớn nhất tỉnh, với tổng dư nợ trên 610 tỷ đồng, với 21.437 hộ vay vốn và 610 tổ TK&VV.
Đại diện Chi nhánh NHCSXH tỉnh khẳng định, sẽ tạo điều kiện cho các hộ đúng đối tượng thụ hưởng theo quy định, đủ điều kiện, có nhu cầu vay vốn tín dụng chính sách xã hội được tiếp cận kịp thời nguồn vốn để sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, tạo việc mà không hề bị ảnh hưởng bởi việc bàn giao sáp nhập địa bàn hành chính.
Bài, ảnh: Hoàng Loan