Triển khai Nghị quyết 68/NQ-CP: Đừng chờ dân đến mà phải tìm đến dân
[ad_1]
Sở LĐTB&XH làm việc với các địa phương để nắm tình hình triển khai NQ68
Dễ làm trước, khó gỡ dần
Trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều địa phương, khu vực thực hiện giãn cách xã hội, phong tỏa hay đang thực hiện truy vết, cách ly phải tập trung cho công tác phòng, chống dịch, nên việc thực hiện NQ68 cho một số nhóm đối tượng còn chậm trễ, gặp khó khăn.
Tuy nhiên, sau khi tỉnh ban hành các văn bản, thủ tục, hướng dẫn thực hiện, một số đơn vị, sở, ngành, địa phương đã tổ chức hướng dẫn, triển khai rà soát, thống kê số lượng, dự ước kinh phí, tổ chức triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ thuộc lĩnh vực quản lý. Tỉnh cũng kịp thời cấp kinh phí cho các sở và UBND các huyện, thị xã, TP. Huế đảm bảo đủ để hỗ trợ cho các đối tượng.
Qua triển khai, thuận lợi nhất và nhanh nhất là Bảo hiểm Xã hội tỉnh đã giải quyết đối với 1.633 đơn vị giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (từ 1/7/2021 đến 30/6/2022) với 113.076 lao động, tổng số tiền hơn 36,2 tỷ đồng và 1 đơn vị có 23 lao động được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, với số tiền 21,758 triệu đồng.
Các địa phương như TP. Huế, Phú Lộc… đã giải quyết đơn đề nghị hỗ trợ của một số DN hưởng chính sách tạm hoãn HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương và ngừng việc; hộ kinh doanh; lập hồ sơ hỗ trợ thêm cho những trẻ em là F0, F1 (không kể các đối tượng F0, F1 vì đã được hỗ trợ tiền ăn 80 nghìn đồng/người/ngày và tiền giường 40 nghìn đồng/người/ngày).
Sở Văn hóa và Thể Thao đã thẩm định hồ sơ để hỗ trợ của 141 viên chức hoạt động nghệ thuật với số tiền 523,11 triệu đồng. Sở Du lịch đã rà soát, thẩm định hồ sơ của 270 hướng dẫn viên du lịch với số tiền hỗ trợ 3.710.000 đồng/người.
Thực tế qua nắm tình hình, chưa kể lao động tự do (nhóm 12), con số đối tượng và DN thuộc các nhóm từ 1-11 còn rất nhiều. Muốn giải ngân và đưa gói hỗ trợ đến đúng, đến nhanh với người hưởng, ông Hồ Dần, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH đề nghị các địa phương phải thay đổi phương pháp, cách làm bằng cách tìm đến dân để truyền đạt những thông tin, thủ tục mà họ đang cần và hướng dẫn người đủ điều kiện làm hồ sơ đề nghị hỗ trợ. Nhóm đối tượng chính sách nào dễ, chắc chắn đủ điều kiện thì nên làm trước. Chẳng hạn, nhóm hộ kinh doanh, trẻ em thuộc diện F0, F1 và lao động mất việc đang nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi, đang mang thai là những đối tượng chính quyền địa phương dễ nắm danh sách nên cần sớm chi trả ngay. Theo ông Hồ Dần, từ những con số đã được chi trả sẽ là kênh “mách miệng”, truyền kinh nghiệm, động lực để những người nằm trong diện học hỏi cách làm, giúp đẩy nhanh tiến độ thực hiện NQ68, tránh không để ai bị thiệt thòi, bị bỏ sót chính sách hỗ trợ của Chính phủ.
NLĐ và DN đủ điều kiện một trong các nhóm chính sách NQ68 được tạo điều kiện tiếp cận gói hỗ trợ kịp thời. Ảnh: Hoàng Phước
Đôn đốc và linh hoạt trong khâu triển khai
Mặc dù việc áp dụng thực hiện NQ68 kéo dài đến cuối năm 2021 và nhóm chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, duy trì việc làm cho NLĐ kéo dài đến tháng 6/2022, song quan điểm của tỉnh là phải làm nhanh, quyết liệt, đúng đối tượng, điều kiện quy định… để những người trong diện được hỗ trợ kịp thời hưởng gói này, sớm vượt qua khó khăn do đại dịch, ổn định cuộc sống, sản xuất.
Trong nhóm các đối tượng được nhận hỗ trợ từ nhóm chính sách hỗ trợ 1 đến 11 cơ bản dễ triển khai thực hiện, vì đây là nhóm đối tượng lao động có giao kết hợp đồng lao động và được người sử dụng lao động và NLĐ ký kết chặt chẽ theo quy định của pháp luật. Nhóm chính sách F0, F1, hướng dẫn viên du lịch, viên chức hoạt động nghệ thuật cũng đã có số liệu thống kê cụ thể từ các cơ quan quản lý khi có dịch bệnh xảy ra.
Đáng lo ngại và gây lúng túng nhất cho các địa phương khi sắp tới tiếp nhận và giải bài toán việc làm cho NLĐ hồi hương về từ các vùng dịch. Sở LĐTB&XH đề nghị các địa phương ngoài nắm danh sách 12 nhóm đối tượng trong NQ68, còn nắm thêm nhóm 13 là người từ nơi khác về để chủ động kế hoạch hỗ trợ sinh kế, đào tạo nghề, giải quyết việc làm.
Một số địa phương cũng nêu ra những trường hợp bị ảnh hưởng về đời sống, thu nhập do dịch COVID-19 nhưng lại không nằm trong nhóm chính sách được hỗ trợ. Đơn cử như vấn đề ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền nêu, có nhiều người làm hướng dẫn viên du lịch tự phát như chèo thuyền, hướng dẫn phục vụ các đoàn du khách trải nghiệm trên sông, đầm phá trên địa bàn thời gian qua bị ảnh hưởng nặng. Nếu căn cứ chính sách thuộc nhóm 8 tại NQ68 và QĐ 23 thì không được hưởng. Vì vậy, huyện đề xuất tỉnh nên xem xét vận dụng hỗ trợ cho những đối tượng này.
Ngoài ra, tình hình chung là có rất nhiều DN nhỏ sử dụng lao động gặp nhiều khó khăn do tác động của các đợt dịch kéo dài, thiên tai bão lụt. Tuy nhiên, khi làm hồ sơ thủ tục đề nghị xét hỗ trợ thì không đủ điều kiện. Vì thế, nhiều địa phương cũng kiến nghị tỉnh nghiên cứu có chính sách hỗ trợ để DN vượt khó, phục hồi sản xuất, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho NLĐ.
Để giải quyết chính sách cho nhóm lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) với số lượng dự kiến khá lớn, phân tán nhiều ngành nghề, khó xác định công việc cụ thể, rõ ràng, di chuyển nhiều địa phương…, Sở LĐTB&XH đã hoàn thành xây dựng dự thảo Đề án, Tờ trình của UBND tỉnh và dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh nhằm xác định rõ đối tượng, xây dựng tiêu chí, mức tiền hỗ trợ cụ thể đối với chính sách hỗ trợ cho nhóm này và một số đối tượng đặc thù khác trên địa bàn tỉnh. Theo Sở LĐTB&XH, dự kiến trước ngày 20/8, HĐND tỉnh thông qua Đề án Quy định chính sách hỗ trợ một số đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Lúc đó, sở và các đơn vị, địa phương sẽ tiến hành điều tra, lập danh sách và chi trả theo hình thức cuốn chiếu.
Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG