“Dân biết, dân làm, dân kiểm tra, giám sát” về môi trường
[ad_1]
Ngoài nhiệm vụ chung tay BVMT, cộng đồng dân cư còn có vai trò trong giám sát và được chủ dự án tham vấn ý kiến trong báo cáo đánh giá tác động môi trường
Thời gian qua, cộng đồng dân cư đã thể hiện vai trò ngày càng quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường (BVMT). Tiêu biểu nhất là thông qua việc hình thành các mô hình cộng đồng tham gia BVMT hiệu quả. Ở phạm vi địa bàn tỉnh có cộng đồng Đông Phước 2 (Thủy Biều, TP. Huế), Vạn Hạ Lang (Quảng Phú, Quảng Điền), Phú Hải (Phú Vang), Bến Củi (Phong Xuân, Phong Điền)… đã làm thay đổi diện mạo, nhận thức trong giữ gìn vệ sinh môi trường. Sự tham gia của cộng đồng dân cư trong phản biện, tư vấn chính sách, giám sát về BVMT cũng ngày càng cao và thiết thực hơn, góp phần ngăn ngừa, phát hiện nguy cơ ô nhiễm.
Để phát huy vai trò cộng đồng và xem họ là một chủ thể trong công tác BVMT, Luật BVMT năm 2020 đã bổ sung “cộng đồng dân cư” là đối tượng áp dụng nhằm khẳng định vị trí, vai trò của nhóm đối tượng quan trọng này trong công tác BVMT cũng như thực hiện một trong những mục tiêu xuyên suốt của Luật là bảo vệ sức khỏe người dân, đảm bảo người dân được sống trong môi trường trong lành.
Lần đầu tiên Luật BVMT năm 2020 dành một Điều quy định công khai thông tin và sự tham gia của cộng đồng trong phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường. Việc công bố, công khai quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (TĐMT) của cơ quan thẩm định, công khai báo cáo TĐMT sau khi được phê duyệt kết quả thẩm định của chủ dự án, công khai hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường để lấy ý kiến của các bên liên quan cũng đã được quy định cụ thể trong Luật.
Để phát huy vai trò giám sát, phản biện của cộng đồng dân cư, Luật BVMT năm 2020 đã luật hóa chính sách “Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cộng đồng dân cư, cá nhân tham gia thực hiện, kiểm tra, giám sát hoạt động BVMT”. Lần đầu tiên, trách nhiệm của chủ dự án trong việc tham vấn cộng đồng dân cư, được quy định ngay từ khi lập báo cáo TĐMT. Trách nhiệm tham vấn của cơ quan thẩm định trong quá trình thẩm định báo cáo TĐMT thông qua nhiều hình thức bao gồm đăng tải trên cổng thông tin điện tử các nội dung tham vấn trong quá trình thực hiện báo cáo TĐMT. Trong đó, đã quy định rõ trách nhiệm thực hiện tham vấn, đối tượng tham vấn, nội dung tham vấn chủ yếu, hình thức tham vấn trong quá trình thực hiện TĐMT; kết quả tham vấn cộng đồng dân cư, cơ quan, tổ chức liên quan là thông tin quan trọng để chủ dự án nghiên cứu đưa ra giải pháp giảm thiểu tác động của dự án đối với môi trường và hoàn thiện báo cáo TĐMT của dự án. Trong quá trình lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường, Luật cũng quy định trách nhiệm của các chủ thể trong việc tham vấn ý kiến các bên có liên quan.
Nhằm tạo thuận lợi cho cộng đồng dân cư phát huy được vai trò của mình trong công tác BVMT, Luật đã xác lập, thể hiện rõ quyền, trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong BVMT; quy định rõ các hoạt động hỗ trợ của Nhà nước đối với cộng đồng dân cư tham gia BVMT. Nhất là bổ sung quy định thiết lập hệ thống trực tuyến tiếp nhận, xử lý, trả lời phản ánh, kiến nghị, tham vấn của tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư về BVMT, đồng thời người dân có thể tham gia giám sát thông qua công nghệ thông tin, thông qua tương tác qua các ứng dụng thông minh trên điện thoại di động.
Để ghi nhận, tôn vinh cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân có đóng góp tích cực trong hoạt động BVMT, Luật đã bổ sung chính sách về “Bảo đảm quyền lợi của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đóng góp cho hoạt động BVMT”.
Bài, ảnh: HOÀI NGUYÊN