Đầu tư kè chống sạt lở biển
[ad_1]
Kè Phú Thuận được triển khai thi công kết nối toàn tuyến phòng, chống sạt lở
Nỗi lo của làng chài
Khu vực thôn Cự Lại Đông, Cự Lại Bắc (Phú Hải, Phú Vang) có khoảng 20 hộ dân sống dọc tuyến biển, cách điểm sạt lở từ 30-50m. Nơi đây, nhiều dấu tích cho thấy trước đó các hộ dân đã phải bỏ nhà cửa, di dời tái định cư (TĐC) vào bên trong để tránh cơn sóng dữ. Sát ngoài biển vẫn còn những cây dương cỡ lớn nhưng đã bị sóng đánh trơ cả gốc rễ. Trận lũ cuối năm 2020 vừa qua sóng biển đã “ăn” vào thấu rừng dương, khiến nhiều cây bật gốc.
Anh Lê Văn Huế, một cư dân Cự Lại Đông cho biết, biển hồi xưa cách bờ còn xa lắm. Mấy năm nay xâm thực dữ dội, bình quân mỗi năm vào vài mét. Ở những điểm khi mùa mưa bão có nước chảy mạnh từ trong dân cư ra, sóng cộng triều cường đánh từ ngoài vào thì sạt lở ăn sâu. Nếu không được sớm đầu tư tuyến kè thì cụm dân cư bên trong lâu ngày khó giữ được.
Ông Phan Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Hải thông tin, trên địa bàn xã có khoảng 2km tuyến biển, xuất hiện nhiều điểm xâm thực do triều cường, trong đó nghiêm trọng nhất là ở 2 thôn Cự Lại Bắc và Cự Lại Đông. Nơi đây, mấy chục hộ dân năm nào địa phương cũng lên phương án di dời trong mùa mưa lũ. Biển khu vực này những năm gần đây xâm thực từ 7-10m, nơi sâu lên đến 20m.
Nhiều dự án mới
Các năm gần đây tình trạng xâm thực bờ biển trên địa bàn tỉnh diễn ra rất mạnh với chiều dài hơn 30km, trong đó có các đoạn qua xã Phú Hải, Phú Thuận và Phú Diên, huyện Phú Vang. UBND tỉnh chỉ đạo Sở NN&PTNT phối hợp Sở KH&ĐT, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh và chính quyền các địa phương kiểm tra, khảo sát đề xuất phương án xử lý chống sạt lở.
Theo đó, tuyến kè chống sạt lở bờ biển đoạn qua thôn An Dương, xã Phú Thuận đang được tiếp tục triển khai thi công kéo dài về phía bắc với chiều dài 320m, kinh phí bổ sung là 17,5 tỷ đồng. UBND tỉnh đã bố trí 20 tỷ đồng từ nguồn vốn khắc phục hậu quả thiên tai để thi công kéo dài về phía nam tuyến kè với chiều dài còn lại 230m, triển khai từ quý II năm 2021.
Các đoạn sạt lở từ thôn Hòa Duân, Tân An, Trung An đến An Dương xã Phú Thuận, UBND tỉnh đã bố trí 4 tỷ đồng từ nguồn vốn khắc phục hậu quả thiên tai để xử lý bằng giải pháp mềm với chiều dài khoảng 1,2km, triển khai trong quý II năm 2021.
HĐND tỉnh cũng đã thông qua chủ trương đầu tư các DA chống sạt lở bờ biển tại các xã Phú Thuận, Phú Hải, Phú Diên; UBND tỉnh đã cân đối nguồn vốn để triển khai thực hiện bao gồm các DA kè chống sạt lở bờ biển khẩn cấp đoạn Phú Hải – Phú Diên. Theo đó, UBND tỉnh đã có quyết định đầu tư với tổng mức đầu tư 190 tỷ đồng trên chiều dài 1,9km đoạn qua xã Phú Hải, Phú Diên. DA do Ban Quản lý DA đầu tư xây dựng giao thông tỉnh làm chủ đầu tư. Hiện đang tiến hành lập DA và thực hiện các thủ tục đầu tư.
DA Kè chống sạt lở bờ biển các đoạn xung yếu với chiều dài hơn 2,8km, kinh phí 250 tỷ đồng, trong đó xử lý sạt lở bờ biển đoạn qua xã Phú Thuận dài 0,65km, đoạn qua xã Phú Diên dài 2,2km. DA do Ban Quản lý DA đầu tư xây dựng NN&PTNT làm chủ đầu tư. Hiện đang tiến hành lập DA và thực hiện các thủ tục đầu tư.
Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh, từ năm 2008 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã đầu tư các DA chống sạt lở bờ biển, ổn định cửa biển, với chiều dài khoảng 5,26 km, kinh phí xây dựng khoảng hơn 560 tỷ đồng. Ngoài các đoạn đã được đầu tư, hiện trên địa bàn tỉnh còn khoảng 20km bờ biển (trên tổng chiều dài 127km) đang bị xâm thực, sạt lở, đi qua các địa phương với tổng mức đầu tư khoảng hơn 2.400 tỷ đồng.
Bài, ảnh: Hà Nguyên