Nắm bắt xu thế, hướng đến nền nông nghiệp “thông minh”
[ad_1]
Nâng cao chất lượng giống lúa sẽ tạo ra sản phẩm cạnh tranh
Chuyển động chậm
Bắt đầu vào mùa gặt, câu chuyện đầu ra sản phẩm của nông dân còn nhiều việc phải bàn. Ngoài số ít nông dân bán sản phẩm cho HTX, nghĩa là đầu vụ HTX có liên kết tiêu thụ sản phẩm, đa số còn lại phụ thuộc vào… thị trường “trôi nổi”. Thời điểm dịch bệnh hoành hành, giá sản phẩm chắc chắn bị biến động và phụ thuộc vào thương lái. Họ có thể tạo ra vô vàn lý do để nông dân rơi vào thế bất lợi.
Sự việc hơn 2 tháng trước tại xã Hương Phong, hàng chục tấn lúa nước mặn dù được liên kết tiêu thụ nhưng vẫn chậm thu mua là minh chứng. Lý do được đơn vị tiêu thụ viện dẫn, số lượng sản phẩm nông dân thu hoạch quá nhiều, DN chưa đủ nhân lực máy móc để thu mua.
Vụ này, việc thu hoạch trong thời điểm dịch bệnh còn phức tạp hơn, không ai nói trước được các kênh tiêu thụ của nông dân có trở lực gì hay không. “Ngoài tìm hiểu thông tin ở HTX, chúng tôi không có nhiều kênh tiêu thụ. Vì thế, sản phẩm sau thu hoạch khó có thể định hình được bản chất mức giá thật”, ông Đặng Văn Hòa (xã Hương Phong) chia sẻ.
Ngoài cây lúa, hầu hết các sản phẩm trồng trọt, nông dân vẫn còn khó khăn trong việc định lượng giá trị.
Ngành nông nghiệp tỉnh vẫn còn mang tính chất manh mún, nhỏ lẻ
So với thời gian trước, không phủ nhận việc nông dân đã thay đổi phương thức sản xuất nông nghiệp theo hướng cơ giới hóa. Song khi mà xu hướng công nghệ đang từng bước làm thay đổi cuộc sống thì thói quen sản xuất của nông dân vẫn còn cũ. Câu chuyện nuôi trồng thủy sản tại phía nam ứng dụng các thiết bị hiện đại, cảm biến nhằm kiểm soát quá trình nuôi trồng là điều đáng học hỏi. Bằng các thiết bị đó, họ có thể phân tích các yếu tố như, nước, thành phần thức ăn, độ sáng… tất cả được chuyển về một ứng dụng trên điện thoại để chủ thể chủ động điều chỉnh.
Ở Thừa Thiên Huế, tiềm năng nuôi trồng thủy sản rất lớn khi chúng ta có mặt nước hệ thống sông ngòi và đầm phá rộng lớn để người dân phát triển kinh tế. Song, việc đầu tư công nghệ và hàm lượng khoa học được áp dụng vào thực tiễn không cao. Người dân nuôi trồng tự phát mà thiếu đi sự định hướng, nhận thức sản xuất cũng chỉ mang tính ngắn hạn.
“Trong quá trình nuôi tôm, qua nhiều cuộc tiếp xúc, trao đổi với các nhà chuyên môn, tôi cũng nắm được một số thiết bị, ứng dụng để kiểm soát dịch bệnh. Thế nhưng, kiến thức của chúng tôi không đủ để áp dụng, do vậy phải áp dụng cách nuôi trồng truyền thống”, ông Lễ Sĩ (chủ hộ nuôi tôm tại Phong Điền) nói.
Nông nghiệp công nghệ cao là xu hướng phát triển bền vững
Thay đổi bộ mặt cho lĩnh vực nông nghiệp nghĩa là từng bước thay đổi tư duy của nông dân và số hóa vai trò quản lý nhà nước.
Người ta đang nhắc nhiều đến các dịch vụ thông minh, làng, xã thông minh. Xã Quảng Thọ (Quảng Điền) là một trong hai địa phương được chọn xây dựng thí điểm xã thông minh. Việc xây dựng mô hình này đang mang lại diện mạo mới trong cách quản lý hành chính tại địa phương. Tuy nhiên, khi kinh tế Quảng Thọ chủ yếu dựa vào nông nghiệp thì việc số hóa, áp dụng công nghệ vào sản xuất vẫn còn hạn chế.
Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Thọ, ông Trần Kìm thông tin: “Việc số hóa nông nghiệp tại địa phương dường như chưa hình thành vì nhiều khó khăn. Bên cạnh số ít sản phẩm được lên sàn thương mại điện tử, khâu tiêu thụ sản phẩm của nông dân vẫn còn gặp khó”.
Bắt đầu từ sản phẩm chủ lực
Trong nông nghiệp, ngành chế biến đóng vai trò quan trọng để nâng cao giá trị sản phẩm. Cơ quan chức năng cho rằng, chính vùng nguyên liệu hạn chế, khâu sản xuất của nông dân vẫn còn manh mún, chất lượng sản phẩm cũng không cao tạo ra rào cản trong việc thu hút DN chế biến liên kết.
Với tình hình sản xuất nông nghiệp tại Thừa Thiên Huế, ai cũng nhận ra vấn đề về quy mô, tuy Huế có nhiều sản phẩm đặc trưng để tạo nên sản phẩm chủ lực. Trong một lần hiến kế cho tỉnh về vấn đề số hóa nông nghiệp, bà Nguyễn Thị Thành Thực, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Nông nghiệp số nói: “Số hóa nông nghiệp nghĩa là số hóa từng nông hộ, tạo ra nguồn dữ liệu từ họ. Huế có sự đa dạng về địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng nên có thể phát triển đa dạng ngành nghề như chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, thủy hải sản, trồng rừng, cây dài ngày, cây ngắn ngày, rau củ quả nhiệt đới. Tuy nhiên, hoạt động đầu tư và xây dựng thương hiệu nông nghiệp không thể đi dàn hàng ngang mà nên chọn phát triển một vài sản phẩm bản địa cụ thể. Tôi đề xuất nông nghiệp Huế nên tập trung phát triển sen”.
Phát triển các sản phẩm chủ lực nghĩa là sẽ tạo lợi thế để nâng cao năng lực cạnh tranh. Thời gian qua, các địa phương cũng chuyển động theo xu hướng này, đầu tư phát triển các sản phẩm đặc trưng. Theo đó, 25 sản phẩm của 25 chủ thể kinh tế có sản phẩm OCOP được UBND tỉnh công nhận 3-4 sao. Một số sản phẩm cũng sử dụng mã QR code trong việc truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, nông dân, DN thiếu sự liên kết theo chuỗi. Việc kết nối sản phẩm để tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử còn hạn chế.
Ngoài sàn thương mại điện tử do Liên minh HTX tỉnh phối hợp Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh triển khai, tại các kênh thương mại điện tử trong và ngoài nước, sản phẩm của Huế góp mặt rất ít. Trong đó, sản phẩm đặc trưng chỉ có mắm Cô Ri và thanh trà Thủy Biều. “Tỉnh đang có chủ trương hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao là hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, cần ứng dụng công nghệ thông tin để tạo ra nền tảng và lưu trữ “lý lịch trích ngang” của sản phẩm. Từ đó, tính minh bạch, độ tin cậy của sản phẩm sẽ được nâng cao. Để làm được điều này cần có lộ trình và kinh phí, nên chăng hãy bắt đầu từ các sản phẩm chủ lực. Và trong thời điểm dịch bệnh đang gây khó khăn cho quá trình lưu thông, phải đẩy nhanh việc tiêu thụ bằng online thông qua các sàn thương mại điện tử”, Nhà nông học, TS. Lê Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nông học, Trường đại học Nông lâm, ĐH Huế nêu quan điểm.
Theo Chánh văn phòng Sở NN&PTNT, ông Nguyễn Phước Thọ, số hóa ngành nông nghiệp đã được định hướng trong giai đoạn 2021-2025. Theo đó, chính việc ứng dụng công nghệ thông tin sẽ góp phần thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, tăng giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản. “Chắc chắn sẽ gặp khó khăn trong quá trình triển khai nhưng mục tiêu quá trình số hóa là nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Theo đó, việc quy hoạch vùng nguyên liệu phải xem xét lại bên cạnh tập trung xây dựng các hệ thống dữ liệu lớn của ngành, trong đó có cả hệ thống mạng lưới giám sát, quan sát phục vụ hoạt động nông nghiệp, hệ thống cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai cho nông dân tham khảo. Đặc biệt, quy trình sản xuất hướng tới tự động hóa, phát triển thương mại điện tử trong nông nghiệp”, ông Thọ thông tin.
Tại buổi làm việc mới đây với Sở NN&PTNT, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh: “Ngành nông nghiệp cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; chú trọng bảo vệ tài nguyên, môi trường, gìn giữ cảnh quan thiên nhiên; ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, cây con giống; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số, công nghệ thông tin trong toàn bộ các khâu của chuỗi giá trị, kết nối đồng bộ với các ngành, lĩnh vực khác để hình thành nền sản xuất nông nghiệp thông minh.
Bài, ảnh: QUỲNH VIÊN