Từ ủy thác các nguồn tín dụng chính sách ở Phú Vang
[ad_1]
Cán bộ ngân hàng làm việc với các tổ và hội cấp xã
Theo NHCSXH huyện Phú Vang, kết quả phối hợp thực hiện các chỉ tiêu tín dụng ủy thác qua các tổ chức CT-XH trên địa bàn huyện Phú Vang đến ngày 30/7/2021: Tổng dư nợ ủy thác đạt 271.331 triệu đồng, chiếm 99,7% tổng dư nợ toàn huyện. Nợ quá hạn (NQH) ủy thác là 75,5 triệu đồng, chiếm tỷ lệ chỉ 0,028% trên tổng dư nợ ủy thác. Có 40/47 hội cấp xã nhận ủy thác không có NQH và nợ khoanh,10/14 xã không còn NQH.
Các chương trình tín dụng chính sách đã phát huy hiệu quả. Kết thúc chu kỳ sản xuất kinh doanh (SXKD), hộ vay vừa có thu nhập để trả nợ, vừa tiếp tục đầu tư mở rộng SXKD. Một bộ phận lớn hộ nghèo, cận nghèo sau khi thoát nghèo, thoát cận nghèo, đã kịp thời được hỗ trợ nguồn vốn mới để SXKD, tạo việc làm, tăng thu nhập. Một số làng nghề như nước mắm Làng Trài, xã Phú Hải; nước mắm An Dương, xã Phú Thuận; nuôi ba ba ở Vinh An; trồng lúa hữu cơ ở Phú Lương… được khôi phục.
Ông Trần Quyết Thắng, Phó Giám đốc NHCSXH huyện Phú Vang cho biết: Để đạt được kết quả nêu trên, ủy thác là “khâu” quan trọng, đã được NHCSXH huyện Phú Vang và các tổ chức CT-XH trên địa bàn thực hiện tốt. Những nội dung NHCSXH huyện ủy thác như tuyên truyền vận động, kiểm tra giám sát hoạt động của ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) và tổ viên, các hoạt động phối hợp thực hiện cùng NHCSXH…, được bên nhận ủy thác là các tổ chức CT-XH như Hội LHPN, Nông dân, Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên các xã, thị trấn… tổ chức thực hiện bài bản theo quy định.
Bà Nguyễn Thị Hoa, Chủ tịch Hội LHPN xã Phú Thuận cho biết, một trong những nội dung tuyên truyền mấu chốt mà Hội LHPN xã đã rất chú trọng thực hiện, đó là tuyên truyền để ban quản lý tổ TK&VV, các thôn trưởng, người dân trên địa bàn hiểu rõ về chính sách tín dụng ưu đãi và các chương trình tín dụng đối với hộ nghèo, các đối tượng chính sách khác. Trên cơ sở đó, người dân mạnh dạn, tự tin đề xuất, đồng thời tổ bình xét thực hiện bình xét chính xác, đảm bảo vốn tín dụng đến đúng đối tượng thụ hưởng, phát huy được hiệu quả.
“Với vai trò, trách nhiệm của bên nhận ủy thác, chúng tôi thực hiện giám sát chặt chẽ, kiểm tra việc sử dụng vốn vay của 100% các món vay mới trong vòng 30 ngày kể từ ngày NHCSXH giải ngân cho hộ vay. Đồng thời, đôn đốc ban quản lý tổ TK&VV của 12 tổ TK&VV tiếp tục giám sát trong cả quá trình, để đảm bảo người vay sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, trả nợ, trả lãi, thực hành tiết kiệm”, bà Hoa nói.
Xã Phú Thuận là một trong những đơn vị trên địa bàn huyện không có NQH. Người vay sử dụng vốn vay mua sắm ngư lưới cụ phục vụ đánh bắt thủy sản, sản xuất nước mắm…, phát triển kinh tế. Tương tự, với những cách thức và nỗ lực như nêu trên, các xã: Phú Hải, Vinh Hà, Phú Gia và nhiều xã, thị trấn trên địa bàn huyện cũng không có người vay NQH, “đưa” Phú Vang trở thành địa phương đứng nhóm đầu trên toàn tỉnh trong việc sử dụng vốn vay chính sách đúng mục đích.
Theo ông Trần Quyết Thắng, 6 tháng đầu năm, các hội, đoàn thể cấp huyện thực hiện kiểm tra 114 lượt xã, hơn 359 lượt tổ TK&VV. Qua công tác kiểm tra, các đoàn kiểm tra đã kiến nghị với Đảng ủy, UBND, ban giảm nghèo các xã, thị trấn và các tổ chức, hội nhận ủy thác, từ đó kịp thời khắc phục, chấn chỉnh những thiếu sót, hạn chế, để việc sử dụng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả nhất.
Bài, ảnh: Quỳnh Anh