Kinh tế Huế

Ngư dân tiến ra Hoàng Sa

Kinh tế Huế – Hai năm trở lại đây, từ tập quán đánh bắt gần bờ, nhiều ngư dân ở Thừa Thiên – Huế đã tiến ra vùng biển Hoàng Sa để làm giàu và bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Sức hút từ Hoàng Sa
Từ tháng 6.2011, UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế đã phê duyệt danh sách những tàu cá của ngư dân trên địa bàn tham gia đánh bắt hải sản trên các vùng biển xa. Theo danh sách này, toàn tỉnh có 65 tàu cá tham gia. Ngoài tổ chức đánh bắt hải sản trên các vùng biển xa an toàn, hiệu quả, những tàu cá này còn có nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền vùng biển nước ta.

Ngư dân Trần Thoạn (xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc) cho biết, nhờ đánh bắt hải sản trên các vùng biển xa mà gia đình ông nhanh chóng đổi đời. Một trong những vùng biển xa mà tàu cá của ông Thoạn hiện diện nhiều nhất là vùng biển Hoàng Sa của nước ta. “Vùng biển Hoàng Sa hải sản rất phong phú, nên chuyến ra khơi nào cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao”- ông Thoạn phấn khởi kể.
Cùng với tàu cá của ông Thoạn, ở xã Lộc Trì, tàu cá của các ngư dân Văn Thanh, Lê Thương, Trần Vẹn và Trần Hòa cũng tham gia đánh bắt hải sản trên các vùng biển xa, nhất là vùng biển Hoàng Sa. “Trong số những vùng biển xa mà chúng tôi tham gia đánh bắt hải sản, vùng biển Hoàng Sa có sức hút mãnh liệt. Vùng biển ấy không chỉ có nguồn lợi hải sản phong phú mà còn hết sức thiêng liêng trong tâm thức chúng tôi”- ngư dân Văn Thanh chia sẻ.
Trong số các địa phương có tàu cá đăng ký tham gia đánh bắt hải sản trên các vùng biển xa ở Thừa Thiên- Huế, các xã Phú Thuận và Phú Hải của huyện Phú Vang có số tàu tham gia lớn nhất. Trong đó, xã Phú Thuận có 23 tàu cá tham gia, xã Phú Hải 20 tàu. Theo Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Thừa Thiên- Huế, năm 2012, trong số những tàu cá ở tỉnh đăng ký tham gia đánh bắt tại các vùng biển xa, nhiều tàu cá đã tiến ra vùng biển Hoàng Sa.
Không sợ tàu Trung Quốc
Trước đây, ngư dân Thừa Thiên- Huế chủ yếu đánh bắt hải sản tại các vùng biển cách đất liền dưới 200 hải lý. Tình trạng này xuất phát từ tập quán đánh bắt của ngư dân địa phương. Từ khi có chủ trương khuyến khích ngư dân tham gia đánh bắt hải sản trên các vùng biển xa, tập quán đánh bắt của ngư dân ở tỉnh có những thay đổi lớn. Lượng lớn tàu cá của ngư dân nơi đây đã vươn đến các vùng biển xa, nhất là vùng biển Hoàng Sa, để làm giàu là kết quả của chủ trương trên.
Theo ngư dân Trần Vẹn (xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc), trước đây, ngư dân địa phương ít đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa ngoài vì tập quán còn do tâm lý sợ rủi ro khi gặp tàu Trung Quốc. “Tàu Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền còn ngang ngược gây thiệt hại cho tàu cá Việt Nam nên ngư dân chúng tôi rất lo. Nhưng đó là chuyện trước đây. Giờ chúng tôi thường xuyên đoàn kết và có cách ứng phó với những tàu Trung Quốc coi thường pháp luật”- ông Vẹn nói.
Ông Trần Xuân Diệu- Chủ tịch UBND xã Lộc Trì cho biết, việc tiến ra các vùng biển xa, nhất là vùng biển Hoàng Sa đánh bắt hải sản đã giúp rất nhiều ngư dân trên địa bàn vươn lên trở thành tỷ phú. “Chủ trương khuyến khích ngư dân tiến ra các vùng biển xa không chỉ đã giúp ngư dân thay đổi tập quán để vươn lên làm giàu mà còn góp phần bảo vệ hiệu quả chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”- ông Diệu cho biết.
Theo ông Nguyễn Quang Vinh Bình – Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Thừa Thiên- Huế, chủ trương khuyến khích ngư dân đánh bắt hải sản trên các vùng biển xa là nhằm phát triển kinh tế gắn với quốc phòng. Theo ông Bình, những tàu cá trên địa bàn tham gia hoạt động này sẽ được hỗ trợ theo quy định. Cụ thể, tàu cá nào đến vùng biển xa đánh bắt, có sự xác nhận của Hải đội 2 (Bộ đội Biên phòng tỉnh), thì sẽ nhận được hỗ trợ.

Nguồn: danviet.vn

Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button