A Sho sẽ không còn người không biết chữ
Giáo dục Huế – Hai tháng nay, đều đặn tuần ba buổi tối, nhà sinh hoạt cộng đồng thôn Chi Hòa, xã A Đớt, huyện A Lưới (Thừa Thiên-Huế) vang lên tiếng học bài ê a của những học sinh là bà con đồng bào dân tộc thiểu số Tà Ôi, Kơ Tu. Lớp học xóa mù chữ, tái mù chữ do các trí thức trẻ tình nguyện Đoàn Kinh tế-Quốc phòng (KT-QP) 92 (Quân khu 4) đứng lớp đã thu hút đông đảo bà con trong khu vực theo học, thêm lần nữa khẳng định những việc làm vì dân, gắn chặt với dân của Đoàn KT-QP 92 với bà con vùng căn cứ cách mạng A Sho…
Rời rẫy là đến lớp
Lớp học xóa mù chữ, tái mù chữ cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số Tà Ôi, Kơ Tu do trí thức trẻ tình nguyện Đoàn KT-QP 92 đảm nhiệm kể ra cũng lắm điều đặc biệt. Học sinh ở nhiều độ tuổi khác nhau, thấp nhất cũng 15 tuổi còn cao cũng chuẩn bị bước vào tuổi ngũ tuần. Có người đã từng tiếp xúc với con chữ, phép tính; rồi lâu không sử dụng thành quên; nhưng cũng có người chưa từng được học. Đại tá Nguyễn Hữu Thanh, Chính ủy Đoàn KT-QP 92 cho biết:
– Khó khăn lớn nhất khi đơn vị khảo sát để mở lớp là bà con có tâm lý rất ngại học. Họ vốn quen với nương rẫy, với ngôn ngữ dân tộc mình, phần đa đều lớn tuổi. Chúng tôi đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương rà soát, đến từng nhà tuyên truyền, giải thích. Bà con nghe ra, thuận lòng đến lớp.
Lớp học buổi đầu chẳng khác nhiều so với những lần đơn vị tập trung bà con phát cây, con giống để triển khai các mô hình xóa đói giảm nghèo. Ồn ào bởi bà con nói chuyện riêng trong lớp; rồi một mẹ địu hai con cùng đến lớp học. Tiếng người lớn, trẻ con tạo nên âm thanh hỗn độn. Cô giáo Phạm Thị Mỹ Lệ nhớ lại:
– Giáo viên nhắc lớp trật tự, cứ được một lúc lại như ong vỡ tổ; rồi tình trạng thầy giáo đến lớp chờ học sinh. Có trường hợp khi lớp gần tan học mới đến lớp trong trạng thái nồng nặc mùi rượu. Chúng tôi đã kiên trì, nhắc nhở bà con tập trung nghiêm túc vào học tập, dần dà lớp học đi vào nền nếp, quy củ, học sinh đến lớp đúng giờ.
Câu chuyện của chị Căn Am là minh chứng tiêu biểu cho việc học sinh chấp hành nghiêm túc học tập. Hôm ấy chị đến lớp trong tâm trạng thiếu tập trung, ngồi trong lớp khóc thút thít. Khi giáo viên hỏi mới biết chồng chị đi rừng bị ngã đang phải nhập viện điều trị nhưng vì chưa xin phép được thầy cô giáo nghỉ nên vẫn phải đến lớp. Biết chuyện, cán bộ Đoàn KT-QP 92 đã trực tiếp chở chị ra bệnh viện để chăm sóc chồng. Ban cán sự, giáo viên cùng thủ trưởng đơn vị đã đến thăm, tặng quà, động viên chồng chị Am.
Những vất vả, lo toan của cán bộ, trí thức trẻ tình nguyện của Đoàn KT-QP 92 đã duy trì lớp học chuyên cần với 52 học sinh đều đặn đến lớp. Sau giờ lên nương, rẫy, bà con tranh thủ bữa cơm chiều và đến lớp đúng giờ, khắc phục được tình trạng nghỉ học tự do và thái độ học tập chưa nghiêm túc.
Giáo án đặc biệt
Lớp học xóa mù chữ và tái mù chữ do Đoàn KT-QP 92 mở tại thôn Chi Hòa được Đảng ủy, chỉ huy đơn vị xác định là nhiệm vụ quan trọng nên đã bố trí 6 giáo viên có trình độ cao đẳng, đại học được đào tạo chuyên ngành sư phạm bám lớp. Với hai môn học: Toán và Tiếng Việt, thế mà con số 6 giáo viên dường như quá ít so với 52 học sinh. Cô giáo Văn Thị Mỹ Lộc nhớ lại:
– Khi chúng tôi giảng theo phương pháp giáo án chuẩn bị sẵn thấy học sinh cứ ngơ ngác nhìn, không hiểu. Mặc dù đội ngũ giáo viên trợ giảng đến từng bàn để hướng dẫn nhưng hiệu quả lên lớp những ngày đầu rất thấp.
Trăn trở, suy nghĩ, tìm tòi phương pháp dạy cho phù hợp với trình độ và khả năng nhận thức của học sinh, các bạn trí thức trẻ tình nguyện đã tìm ra phương thức dạy sáng tạo, gần gũi với đời sống của đồng bào. Trực tiếp chứng kiến buổi dạy môn Toán của cô giáo Văn Thị Mỹ Lộc mới thấy hiệu quả của việc tìm ra “giáo án đặc biệt” đối với lớp xóa mù chữ, tái mù chữ. Thay vì lên lớp ghi trên bảng phép tính 2 + 1 = ? thì cô Lộc đã đưa ra bài toán: Nhà bác A có hai con trâu được Đoàn KT-QP 92 tặng một con trâu, hỏi nhà bác A có mấy con trâu? Nhiều cánh tay trong lớp giơ lên và trả lời rất chính xác.
Hay như dạy hình học, các cô đều phải dùng phương pháp tượng hình. Đơn cử như hình vuông, hình tròn, hình tam giác đều được các cô cắt, kẻ, vẽ sinh động, bắt mắt; làm cho học sinh tiếp cận bài học dễ hiểu, dễ nhớ hơn. Chính vì thế, dụng cụ bổ trợ cho mỗi môn học của giáo viên trong từng buổi học rất nhiều.
Chia tay lớp học, chia tay vùng đất A Sho một thời khói lửa với những người con kiên trung, một lòng theo cách mạng, trong tôi trào dâng niềm kính phục về tính cần cù, vươn lên trong công cuộc chống “giặc đói”, “giặc dốt” của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Đại tá Nguyễn Hữu Thanh, Chính ủy Đoàn KT-QP 92 khẳng định: “Lớp học ở thôn Chi Hòa sẽ kết thúc khi bà con biết chữ, biết làm các phép toán. Sau đó, chúng tôi sẽ tiếp tục mở những lớp khác để Khu KT-QP A Sho không còn ai mù chữ”.
Nguồn: qdnd.vn