Đất - Người Huế

Chuyện về lão ngư mù “sát cá” trên phá Tam Giang

Đất – Người Huế – Bị mù cả hai mắt từ nhỏ, nhưng ông Nguyễn Dê (67 tuổi, ở thôn Trung Hưng, xã Vinh Hưng, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế) nổi tiếng là người “sát cá” nhất vùng. Chỉ cần đôi tai thính nghe hướng gió, nghe cá táp nước là ông biết nơi nào có nhiều cá, tôm ngon và đoán trước thời tiết để ra khơi.

 Mù hai mắt nhưng sáng tấm lòng
Ở vùng đầm phá Cầu Hai – Tam Giang không ai không biết lão ngư mù Nguyễn Dê bởi cái tài đánh cá bằng…tai của ông. Người ta nói về ông là trường hợp hiếm có ở Việt Nam. Mặc dù bị mù cả hai mắt nhưng ông là tay “sát cá” nhất vùng và là thợ lặn giỏi.
Sinh ra trong một gia đình đông anh em, năm lên 8, Nguyễn Dê bị bệnh đậu mùa. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên không có điều kiện chữa trị, chỉ uống vài thang thuốc lá cỏ tự kiếm quanh nhà nên dần dần cậu bé Dê bị mù cả hai mắt. Cuộc đời tưởng chừng như đóng sập lại đối với Dê. Nhìn đâu cũng thấy toàn bóng tối, từ một cậu bé tinh nghịch, chạy nhảy, bấy giờ phải ngồi một chỗ vì không thấy gì Nguyễn Dê chán nản và có ý định chết đi cho xong. Nhưng được sự động viên của gia đình và bạn bè, Nguyễn Dê đã tự lần mò trong bóng tối để tìm đường đi cho cuộc đời mình.
“Trời không lấy đi của ai tất cả”, câu này đúng đối với ông Nguyễn Dê. Gia đình ông làm nghề chài lưới trên đầm phá Tam Giang lâu đời nên ông cũng xin bố mẹ đi theo để học tập cách đánh bắt cá. Mới nghe qua, bố mẹ của ông phản đối vì thấy con mù nên khuyên ở nhà. Nhưng ông nằng nặc đòi đi theo, từ đó ông học được cách nghe gió, nghe cá tớp nước, nghe tiếng nước…bằng tai để mưu sinh trên đầm phá. Mỗi lần mò mẫm tập đi một mình, tập đánh cá bằng…tai thì ông lại bị ngã bầm dập mặt mũi, sưng vù. Nhưng ý chí của người dân miền biển đã giúp ông vượt qua bóng tối. “Lúc đầu tôi tập nghe ngóng bước chân nặng, nhẹ hay nhanh chậm là biết của bố mẹ hay bạn bè, hàng xóm. Khi nghe quen rồi thì tự mình đi, trèo lên thuyền cùng bố mẹ ra phá Tam Giang đánh cá. Cứ thế lâu quen dần và tự mình nhận biết mọi ngõ ngách của phá. Sau đó chỉ cần một người sáng mắt lái thuyền đi với tôi là tôi có thể đi đánh cá bình thường”, ông kể.
hue24hNăm lên 18 tuổi, vùng quê Vinh Hưng của ông Dê là điểm căn cứ cách mạng. Quân địch ngày đêm bắn phá ác liệt. Mặc dù bị mù từ nhỏ, nhưng khi nghe tiếng đạn nổ, tiếng máy bay của địch trên bầu trời, lòng căm thù của chàng thanh niên mù trỗi dậy. Tuy mắt không thấy bầu trời nhưng dưới nước ông lại “thuộc lòng” nên ông quyết định góp sức giúp bộ đội chèo thuyền vận chuyển tiếp tế lương thực. Ông cùng 3 anh em ruột là Nguyễn Điền, Nguyễn Thị Gái và Nguyễn Sỹ cùng tham gia cách mạng chèo thuyền đưa du kích, vận chuyển lương thực, súng đạn vượt phá Tam Giang về căn cứ cách mạng Lộc Bình để đánh địch.
“Hồi đó khoảng năm 1968, khi tôi cùng mấy anh em đang chèo thuyền chở súng đạn và lương thực đến giữa sông thì bị địch tập kích, bắn phá. Con thuyền cháy trụi, chìm nghỉm mang theo nhiều súng đạn và lương thực của bộ đội. Khi đó tôi nhảy xuống sông “ngửi” hướng gió và bơi khoảng 2 tiếng đồng hồ vào được bờ, thoát nạn. Còn lại 3 anh em của tôi không thoát kịp hy sinh luôn trên phá Tam Giang…”, ông Dê nghẹn ngào kể.
Mưu sinh trong bóng tối
Cảm động trước tấm lòng dũng cảm và gan dạ của ông, người con gái tên Nguyễn Thị Dưỡng cùng ở trong xã đem lòng yêu mến và muốn về làm vợ, chung tay ấp gối, “dẫn đường” cho ông. Tuy nhiên, khi biết chuyện, gia đình bà Dưỡng hết sức ngăn cấm và khuyên con gái không nên đặt cuộc đời của mình vào một chàng mù. Bằng tình yêu, lòng chia sẻ, năm 20 tuổi, Nguyễn Thị Dưỡng lấy Nguyễn Dê làm chồng. Đám cưới to nhất làng diễn ra. Ai cũng khâm phục tính cách và nghị lực vươn lên của ông Dê và tấm lòng nhân ái, yêu thương của bà Dưỡng.
“Thấy ổng mù thế nhưng việc gì cũng biết vanh vách. Sau khi lấy nhau, hai vợ chồng ngày đêm ra phá Tam Giang đánh bắt cá, tôm. Tất cả mọi hoạt động đánh bắt đều do ổng đạo diễn. Tôi chỉ lái thuyền và làm theo lời ổng thôi. Kể cũng lạ lắm, không nhìn thấy nhưng ổng biết vùng nào có cá, có tôm cua. Nhờ có bí quyết thế mà hai vợ chồng cùng 7 đứa con ăn học đàng hoàng cho đến bây giờ. Theo ổng mấy chục năm đánh bắt rồi mà chưa lần nào về tay không”, bà Dưỡng kể.
hue24hHơn 15 năm nay, hàng ngày, khoảng 16 giờ, khi mặt trời dần lặn xuống hai vợ chồng lại dong thuyền ra phá Tam Giang – Cầu Hai bắt đầu cuộc mưu sinh cho đến đêm khuya. Bà thì lái thuyền định hướng, ông thì “ngửi” và “nghe” vùng nào có cá, tôm nhiều để dừng lại đánh bắt. Cứ thế, từ chiều tối hôm trước đến rạng sáng hôm sau, hai vợ chồng lão mù quăng quật trên phá Tam Giang đánh bắt. Biết tài “sát cá” của ông Dê, nhiều thuyền của người dân trong vùng cũng đi theo để “ké” đánh bắt.
“Có hôm đang chèo thuyền đi ổng bất ngờ nói dừng lại. Rồi nhanh tay thả lưới. Thả xong ổng nói tôi và bà cứ ngồi chơi một lát sẽ có đầy ắp cá về. Thật bất ngờ, một lúc sau kéo lưới lên cá đối, cá dìa…mắc lưới nhiều vô kể. Ổng không nhìn thấy nhưng tay chân thì cứ thoăn thoắt. Từng con cá được ổng gỡ khỏi mắc lưới thành thục. Khi chờ cá mắc lưới, ổng còn lặn bắt sò, dìa…Có hôm bắt được vài chục kilogam”, bà Dưỡng cho biết.
Nói về tài lặn của ông Dê thì bao nhiêu thợ lặn sáng mắt trong vùng cũng phả nể phục. Có lần người ta nháo nhào về việc bà Thơm ở trên xóm đang trên đường chèo thuyền đi chợ Cầu Hai thì bị mất một túi tiền xuống đầm. Bà Thơm cầu cứu các thợ lặn trong vùng. Tuy nhiên, thời điểm mất túi tiền lúc sáng sớm nên các thợ lặn hì hục mãi vẫn không tìm ra. Khi hai vợ chồng ông Dê đánh bắt cá, tôm về đưa lên chợ bán nghe được câu chuyện. Ông Dê nói với vợ chờ một lát rồi hỏi mấy người mất ở đoạn nào. Nghe xong, ông Dê nhảy tủm xuống nước lặn một hơi thật lâu. Ai cũng ngại vì ông Dê mù thì biết làm sao tìm được túi tiền. Nhưng khi thấy ông Dê nổi lên thở phì phò trên mặt nước, tay cầm túi tiền của bà Thơm thì ai cũng nể phục tài lặn của ông.
hue24h
Đối với ông Dê, hai mắt không nhìn thấy nhưng “ánh sáng” mưu sinh trên đầm phá đã thay đổi cuộc đời của ông. Ảnh Đức Hoàng
“Ổng là người hiếm có ở cái làng này. Mắt bị mù nhưng tấm lòng trong sáng, thật thà và có sức khỏe tốt nên ông được mọi người quý mến. Chúng tôi nể phục với tài “sát cá” của ông Dê”, bà Nguyễn Thị Tin, hàng xóm ông Dê nhận xét.
 Không những “sát cá”, hơn một năm trở lại đây ông Dê còn đầu tư khoanh vùng khoảng 1 ha đầm phá để nuôi tôm, cá, cua và làm một chòi để ở trên đầm. Tất cả luồng lạch, ngõ ngách trên đầm phá Cầu Hai – Tam Giang ông Dê đều thuộc trong lòng bàn tay. Một số người cho biết, ông Dê còn nhận biết tất cả các loại tiền từ tờ 10 ngàn đồng cho tới 500 ngàn đồng một cách vanh vách, không sai…

Nguồn: giadinh.net.vn

Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button