Những thí sinh dễ thương ở trường thi Quốc học
Giáo dục Huế – Dù đã ở độ tuổi trạc ngoại tứ tuần nhưng những thí sinh đặc biệt này vẫn rất tự tin và quyết tâm thi đỗ tốt nghiệp cấp 3. Họ là những người chân chất, thật thà và cởi mở.
Chủ tịch xã đi thi tốt nghiệp
Trong ngày thi đầu tiên, tại Hội đồng thi Trường THPT Hai Bà Trưng (Thừa Thiên-Huế), thí sinh (TS) Hồ Xuân Vinh nổi bật giữa nhiều TS khác bởi vẻ chững chạc của mình.
Ông Vinh năm nay 45 tuổi. Đặc biệt hơn, ông hiện là Chủ tịch xã Hồng Vân (H.A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế).
“Mình đã làm cán bộ nhiều năm. Lần này, mình về đây, quyết tâm thi cho có cái bằng cấp 3. Hai môn thi đầu tiên mình làm bài cũng tạm tạm”, ông Vinh cho biết.
Hiện tại, 3 đứa con ông đã lớn, trong đó người con thứ 2 đang là sinh viên khoa Giáo dục thể chất (Đại học Huế).
Chủ tịch phụ nữ xã: Bà cháu cùng đi thi
Chị Trần Thị Lụt (42 tuổi) là người dân tộc Cơ-tu, hiện chịđang là Chủ tịch Hội phụ nữ xã Thương Long, huyện Nam Đông (Thừa Thiên – Huế).
Chị chia sẻ: “Thi xong môn văn cảm giác rất thoải mái và vui vẻ. Đề thi lần ni dễ hơn 2 lần trước. Nếu mà không qua nữa thì mình vẫn thi tiếp lần thứ 4, thứ 5. Được chồng con ủng hộ nên mình phấn khởi lắm”.
Sinh ra trong gia đình đông anh chị em, chị chỉ được học hết lớp 9. Đến năm 18 tuổi thì lấy chồng, sinh con và lập nghiệp.
Năm 35 tuổi, được sự giới thiệu của các chị em phụ nữ cùng cán bộ xã, chị Lụt làm chủ tịch xã mà không có bằng cấp gì, với niềm tin và sự tận tụy trong công việc, chị nhận được rất nhiều bằng khen của cán bộ xã và được giữ lại ghế Chủ tịch.
Sau một thời gian, nhận thấy chị Lụt làm việc rất tốt và do điều kiện dân trí trong xã chưa cao, không có người để thay vị trí nên chính quyền xã Thương Long đã quyết định tạo điều kiện cho chị đi học lấy bằng cấp 3 về tiếp tục công việc của mình.
38 tuổi, chị Lụt bắt đầu vào học lớp 10. Việc học của chị được rất nhiều người đồng tình ủng hộ, đứa con trai đầu lòng đã lấy vợ và sinh con cũng rất ủng hộ mẹ, tạo điều kiện hết sức để việc thi cử của chị được suôn sẻ.
Thế nhưng, việc ôn bài thi có lẽ không còn dễ với những người đã ở độ tuổi tứ tuần. Thi đến lần thứ 3 rồi mà chị vẫn không lấy được tấm bằng tốt nghiệp phổ thông.
“Năm đầu, mình cũng nản chí lắm, nhưng được sự động viên của cán bộ xã, của gia đình, mình thi tiếp lần 2, rồi lần 3. Tuy mới thi môn đầu tiên nhưng lần ni mình tự tin và quyết tâm lắm. Những câu hỏi trong đề thi đều đã được học trên lớp nên không căng thẳng lắm”, chị Lụt chia sẻ.
Theo chân chị về kí túc xá của trường Quốc học. Cảnh chồng và đứa cháu nội ríu rít hỏi thăm kết quả thi của chị khiến ai cũng cầm lòng cảm động. Là đồng bào miền núi xa xôi nên chị được ở lại trường trong 4 ngày thi và ăn cơm miễn phí do Hội chữ thập đỏ xung kích Tỉnh hội TT-Huế cung cấp.
Một điều đặc biệt là ở kí túc xá hầu hết là người miền núi, dân tộc thiểu số lớn tuổi, ai cũng có vợ (chồng),người thân đi thi cùng. Nhiều người đã có con, cháu, thậm chí có những gia đình cả hai Bố con cùng đi thi tốt nghiệp cùng nhau. Họ cho biết, những năm gần đây biết có chính sách không phân biệt độ tuổi đi thi tốt nghiệp nên mọi người động viên nhau đi thi lấy bằng cấp 3.
Đi thi lấy bằng để khoe với bạn
Anh Adeng Luông(35 tuổi) quê ở A Lưới chia sẻ: Thấy bạn bè có bằng cấp 3 Luông thích lắm nên cũng xin ba mẹ đi thi cho có không khí, mà thi 4 lần rồi vẫn không qua. Năm ni mà không qua nữa thì năm sau Luông lại xin ba mẹ thi tiếp, có mất chi mô (đâu) mà không đi. Lấy được bằng bạn bè sẽ nể mình lắm.
Với tâm lý đó, nên nhiều người dù không học hoặc học không được cũng vẫn đi thi. Đó cũng là tâm lý của nhiều người dân tộc thiểu số ở A Lưới.
Chủ tịch Hội nông dân xã: Thi tốt nghiệp để làm giàu cho quê hương
Anh Lê Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hồng Vân, H. A Lưới, TT-Huế cho biết. Anh nghỉ học và làm công tác đoàn từ năm 1990. Đến năm 2007 anh được cử làm Chủ tịch Hội Nông dân xã, lúc đó chưa yêu cầu năng lực, bằng cấp gì nên anh vẫn lên làm việc bình thường.
Mãi đến 3 năm sau, do điều kiện xã hội và trình độ dân trí trong vùng phát triển nên UBND
xã phải quyết định cho anh vừa học vừa làm nâng cao trình độ tại trường cấp 3 Bổ túc văn hóa. Chỉ có thế anh mới đủ điều kiện để làm lãnh đạo.
Anh chia sẻ: “Dù đã 41 tuổi nhưng mình vẫn rất vui khi được xã cho đi học, sau khi lấy được bằng tốt nghiệp ,mình quyết tâm sẽ làm giàu cho quê hương, cho đồng bào. Góp phần xây dựng đất nước xã hội phát triển”.
Nguồn: vietnamnet.vn