Đất - Người Huế

Gốm cổ đáy sông

Đất – Người Huế – Sắp đến tuổi “gần đất xa trời” nhưng ông vẫn hồn nhiên, thích nói chuyện tiếu lâm. Chưa bao giờ ông tự nhận là nhà sưu tầm, nghiên cứu cổ vật, ông chỉ ví mình như “người thư ký trung thành của những dòng sông”, chuyên lục lọi, tìm kiếm và làm bộc lộ những nét đẹp, ý nghĩa lịch sử, văn hóa của những cổ vật từ lâu đã mất dạng. Ông là Hồ Tấn Phan – một “ông già lẩm cẩm không biết xài tiền”, như dân Huế thường nói.

Ông Hồ Tấn Phan và những bộ sưu tập của mình

Đọc sử qua gốm sứ
Mấy năm “cố gắng làm thân”, tôi biết được đức tính cẩn trọng của ông. Tôi cũng biết được ông sung sướng thế nào mỗi khi tìm thấy một cổ vật thuộc loại “hàng độc”.
Vì niềm đam mê, yêu thích gốm cổ, gần 30 năm nay ông lặn lội đến bao vùng miền của đất nước để sưu tầm, tìm kiếm hoàn thiện các bộ sưu tập của mình.
Nhiều thợ làm nghề khai thác cát sạn ở sông Hương cho rằng ông là người khó chịu, thấy cái chi cũng thích mua, nhưng tiền thì không phải lúc nào cũng có, lại quá kén chọn.
Chính ông cũng thừa nhận: “Nhiều lúc có những cổ vật hay lắm, mà tau lại thiếu tiền, phải ngậm đắng nuốt cay nhìn những đứa con tinh thần ấy, lẽ ra đã là của mình, nhưng bị thằng khác ôm mất, bởi nó chịu chi nhiều hơn”.
Vốn là một ông giáo về hưu đồng lương ba cọc được mấy tờ, nhưng hễ còn tờ nào trong túi là ông trút hết vào gốm cổ. Đối với ông, nghề nào cũng đòi hỏi chữ “nhẫn”.

hue24h

Gốm cổ của ông Phan tại vuờn nhà

Ông nói, viết báo phải có cái mới, sự kiện nóng thì độc giả mới đọc, muốn vậy thì phải nhẫn nại, miệt mài đi tìm đề tài. Người chơi đồ cổ cũng vậy, nhiều lúc mất cả tháng trời tìm kiếm nhưng không thể mua được một món đồ mình yêu thích.
Có người không ưa gì ông đã khích kháy: “Cái thằng cha Phan già rồi mà còn dại, không biết xài tiền hay răng? Ham chi ba cái đồ gốm đó, nó có ăn được đâu. Nghèo mà bày đặt học làm sang”.
Nhưng ông đều bỏ ngoài tai mọi lời đàm tiếu, bởi sưu tập gốm cổ đã trở thành niềm đam mê không thể từ bỏ. Ông tâm sự, nhờ sưu tập gốm cổ mà ông hiểu sâu hơn những vùng văn hóa của đất nước.
Với những đồ gốm hiện có, ông đã “đọc thấy” phong tục tập quán của người Chămpa xưa, từ cách họ ăn uống đến giao tiếp.
Cũng từ các hiện vật gốm, ông đọc được những trang sử đầu tiên, lúc người Việt tiến vào vùng Thuận Hóa. Từ các hiện vật gốm, ông đã đưa ra nhận định: Cho đến nay, chưa thấy dưới những con sông ở Quảng Nam, Quảng Trị, Quảng Bình có các loại đồ gốm như các con sông ở Huế.
Từ đó có thể thấy, vùng Thuận Hóa luôn là một trung tâm kinh tế – văn hóa. Bởi chỉ có trung tâm kinh tế – văn hóa mới tập trung đông người, giao thương phát triển, trong đó có buôn bán đồ gốm bằng đường thủy.
Còn vì sao nhiều đồ gốm thời xưa lại nằm dưới đáy sông, nhất là sông Hương?
Có thể lý giải là do thuyền bè chở đồ gốm đến Thuận Hóa chìm trên sông, do lụt lội ngập làng ngập xóm mà nhiều đồ gốm trôi theo dòng nước ra sông. Và tập quán của dân Huế xưa nay, hễ cái gì bể vỡ đều quăng ra sông, nên sông Hương và các chi lưu, sông đào nối với nó mới có nhiều mảnh gốm cổ đến vậy – ông Phan lý giải.
Gốm cổ và những cổ vật được ông Phan tìm kiếm từ dưới lòng các con sông Huế
Đến nay ông Phan đã có trên 10.000 hiện vật bằng gốm, còn nguyên vẹn có, sứt mẻ có, có cái nhiều người đã biết, có cái chưa ai biết. Từ vườn đến nhà ông tràn ngập những lọ, bình, chậu… gốm cổ. Theo ông, gốm Việt trong các sông Huế có cả gốm thời Đông Sơn cho đến Lý ,Trần, Lê.
Trong thời kỳ theo Huyền Trân Công chúa đi mở đất phương Nam, người Việt đem theo những vật dụng hằng ngày bằng gốm vốn mang đậm nét văn hóa truyền thống của mình. Và cũng dưới đáy các sông Huế, có rất nhiều di chỉ văn hóa Sa Huỳnh, Chămpa thể hiện qua đồ gốm.
Chúng đa chủng loại, có niên đại rất cao, có cái hàng ngàn năm tuổi. Sinh thời, giáo sư khảo cổ học Trần Quốc Vượng đã nhiều lần ghé thăm và đánh giá rất cao bộ sưu tập này của ông.
Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn đã phải thốt lên ngạc nhiên khi được ông Phan cho xem các loại đồ gốm Chu Đậu nổi tiếng của Việt Nam được vớt lên từ đáy sông Hương. Theo ông Sơn, đồ gốm Chu Đậu trong sông Huế có tính liên tục.

hue24h

Bộ sưu tập gốm Việt cổ của ông Phan là vô giá

Bởi vì, nếu so sánh với các hiện vật khai quật trong nước, ngay cả ở Cù Lao Chàm, thì gốm Chu Đậu chỉ gói gọn trong vài mẻ sản xuất, trong một thời gian nhất định, còn đồ gốm Chu Đậu ở dưới các sông Huế có tính liên tục trong một thời gian dài với rất nhiều diện mạo và giá trị khoa học lớn hơn, do chúng từng góp mặt vào cuộc sống dân gian liên tục hàng trăm năm.
Trong bộ sưu tập của ông Hồ Tấn Phan có nhiều thứ quý hiếm, có thứ độc nhất vô nhị. Ông cho tôi xem một bình gốm cổ có hai cái lỗ nhỏ. Ông kể, ban đầu ông nghĩ mãi không biết nó là cái gì.
Sau đọc bài “Di tích Kim Lan làng gốm Bát Tràng xưa” của Nguyễn Văn Đoàn đăng trên Tạp chí Xưa Nay số 211 phát hành tháng 5/2004, có in hình chiếc ống nhổ thời Trần, khai quật từ di tích Kim Lan (Gia Lâm, Hà Nội), ông mới biết cái bình hai lỗ mà ông có chính là cái ống nhổ. Điều thú vị là cái ống nhổ của ông còn nguyên vẹn hơn cái đã được khai quật tại Kim Lan.
Có nhiều bộ sưu tập quý như vậy trong kho tàng của ông. Chẳng hạn bộ bình vôi có hàng trăm loại, bộ nồi tiêu biểu cho thời kỳ Sa Huỳnh, tiền Chămpa, sơ sử Huế; bộ ấm đất chưa xác định được là của người Chăm hay người Việt…
Đã già nhưng ông Hồ Tấn Phan vẫn cần mẫn và lặng lẽ với công việc sưu tầm cổ vật. Chưa hề bán đi một cổ vật, cũng như chưa từng nhận sự trợ giúp của bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào, ông chỉ mong ước trời cho mình sức khỏe để tiếp tục công việc, để một ngày nào đó, những cổ vật ấy được ra mắt công chúng.

Nguồn: doanhnhansaigon.vn

Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button