Chuyện “cổ tích” của người con gái Cơ Tu tìm về nguồn cội
Đất – Người Huế – Sống sót sau một trận càn khiến hàng trăm người chết ở làng T’râu (nay thuộc xã Thượng Quảng, huyện Nam Đông, Thừa Thiên-Huế), A Chước Đen là một trong 13 đứa trẻ tuổi từ 1-3 được đưa lên trực thăng chở vào Đà Nẵng.
Sau hơn bốn mươi năm, với những ký ức lờ mờ của đứa trẻ lên ba thủa nào đã thôi thúc người con gái Cơ Tu giờ mang tên Đinh Thị Hải Đăng tìm về nguồn cội. Gần mười năm với hàng trăm chuyến trèo đèo lội suối về với làng T’râu, chị đã làm được nhiều điều kỳ diệu như câu chuyện cổ tích.
Gặp chị khi vừa đáp xe xuống Bến xe Đà Nẵng, sau chuyến trở về làng T’râu nhân dịp 27-7 (Ngày Thương binh- Liệt sĩ) thắp hương cho cha mẹ, anh chị và hàng chục liệt sĩ mà chị góp công đưa về nghĩa trang. Người phụ nữ tuổi ngoài 50, mỗi khi nhắc đến ký ức làng T’râu và những chuyến đi mắt chị đều ngấn lệ. Đã mười năm nay, cứ đến dịp này, chị lại xách ba lô lên đường trở về làng T’râu của mình…
Theo những bậc cao niên trong làng kể lại, năm 1960, lúc đó A Chước Đen vừa sinh vài tháng, làng T’râu của chị bị một trận càn khiến gần hai trăm người chết, làng tan hoang. Làng T’râu phải lùi xa vào núi rừng sát gần biên giới Lào, nhưng với quyết tâm “một tấc không đi một li không rời” họ quay về thung lũng khe Ma Sua (hay còn gọi là khe Tam Go – khe chặt đầu) bởi đây là điểm huyết mạch trong cuộc chiến tranh trên tuyến đường Hồ Chí Minh, nơi tiếp giáp giữa Bình Trị Thiên và Quảng Nam – Đà Nẵng.
Là làng cách mạng, thường xuyên hứng chịu những làn “mưa bom bão đạn”, nên ba năm sau, năm 1963, địch lại thực hiện một trận càn khủng khiếp bằng trực thăng vào làng T’râu. Trận càn ấy làng T’râu có thêm cả trăm người chết thảm. A Chước Đen cùng 12 đứa trẻ khác bị chúng lùa lại, đưa lên trực thăng bay qua nhiều đồn bốt rồi cuối cùng chở về cô nhi viện ở Đà Nẵng.
Sau giải phóng, năm 1977, A Chước Đen dưới cái tên Đinh Thị Hải Đăng, đi học ở Trường Y tế đóng tại Tam Kỳ (Quảng Nam), sau đó lên Phước Sơn công tác. Năm 1982, Hải Đăng gặp và lấy anh Đặng Mậu Liên, bộ đội tình nguyện đi Campuchia mới trở về. Do chồng chuyển công tác về Đà Nẵng nên cả gia đình cùng về sinh sống tại đây.
Là người con của dân tộc Cơ Tu, lòng chị luôn ước ao tìm lại cội nguồn nhưng vì mưu sinh, cuộc sống vất vả, con cái nhỏ dại nên thỉnh thoảng chị mới về thăm quê chứ chưa thể thực hiện được nguyện ước tìm lại hài cốt của cha mẹ, người thân. Khi cô con gái thứ hai lên mười, mong ước tìm về nguồn cội một lần nữa thôi thúc chị trở về!.
Về với T’râu, gặp lại ông Trần Văn Ca (cậu ruột), anh họ Hồ Văn Dương cùng ông Ca Sinh (nguyên Công an huyện Nam Đông) là những người biết được gia cảnh, dấu tích nơi chôn cất cha mẹ, anh trai của mình. Khi được nghe câu chuyện về gia đình mình, chị hết sức đau buồn. Hàng chục người thân đều chết hết, còn duy nhất A Chước Đen. Cha chị thời chống Pháp làm giao liên, nhiều lần thoát lưỡi hái của địch, mờ mắt nhưng vẫn vót chông tiếp tế cho du kích đánh địch. Mẹ chị tham gia nuôi quân, cũng chết tại kho lương thực sau trận càn của địch. Chú và anh trai thì bị địch chặt đầu bêu ở chợ để đe dọa người dân, những người thân khác thì chết dưới làn bom đạn của kẻ thù…
Chiến tranh, nhiều dấu tích bị tàn phá, nhưng với quyết tâm của một người con tìm lại cội nguồn, sau nhiều lần trèo đèo lội suốt, qua bao thử thách, gian nan, chị tìm được nơi chôn cất mẹ ở trên đỉnh đồi. Nhưng mẹ chị chôn mộ tập thể với gần bốn mươi người làng là dân quân, du kích… nên không thể cất bốc về chôn riêng được. Tâm nguyện của chị phải quyết tâm xây một lăng mộ tập thể để mẹ và những người làng được yên nghỉ thanh thản mà mình cũng nhẹ lòng.
Từ năm 2004 đến năm 2007, tích góp khoảng 100 triệu đồng, sau khi được sự đồng thuận của chính quyền địa phương, gia đình chị xây ngôi lăng mộ tập thể trên đỉnh đồi Tam Go. Công vận chuyển quá lớn, lên tận đỉnh đồi cao vút, số tiền đó không thấm vào đâu nên chị phải thế chấp sổ đỏ của gia đình vào ngân hàng vay thêm tiền, bạn bè giúp đỡ, cuối cùng một lăng mộ uy nghiêm được xem là độc nhất vô nhị ở vùng núi rừng heo hút cũng được hoàn thành sau hai tháng trời ròng rã, với gần 30 người vận chuyển, xây dựng…
Xây mộ mẹ và người làng xong, nguyện ước thỏa được phần nào. Chị lại quyết tâm tìm nơi chôn cất của cha để xây mộ. Từ những thông tin nhỏ nhoi, sau bảy lần vất vả, cuối cùng chị cũng biết được mộ cha, cũng chôn chung với bảy người khác ở trên rẫy. Ngôi mộ chung của cha và người làng làm xong, chị lại đi tìm mộ chú Hồ Văn Giao và anh trai Hồ Văn Đéh là liệt sĩ đưa về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ Nam Đông vào tháng 5-2007, sau hơn tháng trời luồn rừng lội suối. Trong những tháng ngày đó, từ nhiều nguồn tin, tháng 5-2008, chín ngôi mộ liệt sĩ bị thất lạc giữa đại ngàn Trường Sơn đã được chị và một số bà con đưa về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ Nam Đông. Trong những lần đi tìm hài cốt liệt sĩ, chị cùng bà con phát hiện nhiều ngôi mộ còn nằm trong rừng và chị luôn đau đáu, khi có điều kiện sẽ phối hợp với một số người có tâm huyết để đưa về.
“Nhờ có ơn trên, tôi cùng một số người dân đã làm được những điều có ích, như được “trả nợ” với những người đã khuất về sự hy sinh lớn lao của họ” – A Chước Đen tâm sự. Những ký ức, tâm tư và kỷ niệm trong tám năm đó, chị đã ghi lại trong cuốn hồi ký “Làng T’râu của tôi” đầy xúc cảm. Với chị, đó là câu chuyện cổ tích kết thúc có hậu.
Từ những tháng ngày lăn lộn và chiêm nghiệm nhiều điều diệu kỳ của cuộc sống, nguồn cội đã cho chị nhiều cảm xúc, vốn sống để đến với nghiệp văn chương. Hiện A Chước Đen là hội viên Hội Nhà văn TP. Đà Nẵng. “Trong hành trình đi tìm nguồn cội của mình, gặp được nhiều ân nhân cũng như những tấm lòng cùng hướng về quê cha đất tổ, anh hùng liệt sĩ, quê hương đất nước. Đó là đạo hiếu, nghĩa cử đẹp với các bậc sinh thành và với Tổ quốc kính yêu!” – A Chước Đen chiêm nghiệm.
Nguồn: congan.com.vn