Sự thật về 3 nhân vật bị kẻ thù gọi là “đồ tể khát máu” tại Huế năm 1968
Đất – Người Huế – Trong phong trào đấu tranh đô thị ở Huế giai đoạn từ 1963 đến 1966 đã có rất nhiều sinh viên ưu tú, nhân sĩ, trí thức… tham gia để chống lại chế độ độc tài của anh em Ngô Đình Diệm và đặc biệt là quân xâm lược Mỹ. Có rất nhiều những tên tuổi lớn đã xuất hiện từ phong trào đấu tranh này, đặc biệt là 3 nhân vật mà sau cuộc Tổng tấn công năm Mậu Thân 1968 cho đến tận hôm nay, kẻ thù trực tiếp và các thế lực thù địch thường xuyên quy kết, buộc tội và cho rằng đây chính là “ba tên đồ tể khát máu” trong tết Mậu Thân ở Huế.
Đó là anh em nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan và nhà văn, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân.
Để phần nào làm rõ những thắc mắc giữa hai chiều dư luận của độc giả ở trong và ngoài nước về những sự thật có liên quan đến những nhân vật nổi tiếng này, chúng tôi xin được nói lại một cách rõ hơn, chi tiết hơn những hoạt động của các anh Tường-Xuân-Phan trong tết Mậu Thân 1968 ở Huế.
BÀI I: MIỀN NAM VIỆT NAM NHỮNG NGÀY SAU HIỆP ĐỊNH GENÈVE 1954
Như mọi người đều biết: Hiệp định đình chiến giữa Việt Nam và Pháp được ký ngày 20/7/1954 với những nội dung quan trọng sau đây: Từ vĩ tuyến 17 (sông Bến Hải – Quảng Trị) trở ra do Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa làm chủ và toàn bộ lực lượng kháng chiến chống pháp ở Nam vĩ tuyến 17 phải tập kết ra miền Bắc trong vòng 300 ngày. Từ Nam vĩ tuyến 17 trở vào do Chính phủ Bảo Đại trấn giữ và toàn bộ lực lượng theo Pháp, chống Cộng cũng sẽ vào Nam trong vòng 300 ngày.
Theo tinh thần và nội dung của Hiệp định đình chiến Genève trong vòng 2 năm, sẽ tổ chức Tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội và chính phủ mới thống nhất 2 miền. Tuy nhiên, trên thực tế tình hình đã không diễn ra theo tinh thần Hiệp định đã ký, do Chính phủ Mỹ đã có ý đồ muốn thâu tóm và biến miền Nam Việt Nam thành một “tiền đồn chống Cộng” ở Đông Nam Á. Mỹ đã lựa chọn Ngô Đình Diệm để đỡ đầu vì ông ta là nhân vật lúc bấy giờ có được 3 yếu tố cơ bản mà không một ai có được, đó là: Người chống Cộng sản quyết liệt, gia đình theo Thiên Chúa giáo lâu đời, ngoài tiếng Pháp lại thông thạo tiếng Anh.
Bản thân Ngô Đình Diệm có nhiều lợi thế khi từng sống ở Hội truyền giáo Maryknoll, New York và New Jersey nhiều năm. Ông ta từng có những cơ hội vận động hành lang được nhiều chính khách của Mỹ chú ý. Ngô Đình Diệm đã tạo được cho mình danh tiếng là “người quốc gia” khi vào năm 1933, mới 32 tuổi đã từ chức Thượng thư Bộ Lại triều Nguyễn.
Nhờ vào sự bảo lãnh và can thiệp trắng trợn của người Mỹ, lại được sự thỏa thuận có điều kiện của bà Hoàng hậu Nam Phương qua tư vấn của ông Tôn Thất Cẩn (ông Cẩn là bạn thân của Diệm và là con trai của Thân Thần Phụ chính Tôn Thất Hân): Diệm hứa rằng, sau khi về miền Nam cầm quyền sẽ nâng đỡ Hoàng tử Bảo Long, con trai trưởng của Bảo Đại và Nam Phương Hoàng hậu. Sau khi thỏa thuận xong, Diệm đã quỳ lạy bà Nam Phương và hứa sau này khi quét dọn xong chính trường miền Nam sẽ đưa Hoàng hậu về nước làm Phụ chính. Thế là bà Nam Phương tích cực vận động cho Diệm đến nỗi cựu hoàng Bảo Đại đành phải “ngoan ngoãn” ủy thác sứ mệnh chính trị cho Diệm.
Ngày 16/6/1954, Ngô Đình Diệm đã được Quốc trưởng bù nhìn Bảo Đại “cực chẳng đã” phải ký Sắc lệnh số 38/QT ủy nhiệm cho cựu Thượng thư Bộ Lại Ngô Đình Diệm về làm Thủ tướng chính phủ của cái quốc gia này ở miền Nam Việt Nam. Sau khi Diệm tuyên bố chấp nhận, Bảo Đại liền kéo ông ta vào một căn phòng kế bên trong lâu đài Thorence, nơi Bảo Đại đang ở, chỉ tay lên cây thánh giá rồi bắt Diệm thề: “Chúa của ông đó, ông hãy thề đi…”.
Diệm suy nghĩ một lát, nhìn Bảo Đại rồi quay mặt nhìn lên cây thánh giá để thề, trung thành hết mực với Quốc trưởng, quyết chống Cộng sản đến cùng, rồi cúi đầu nhận sắc lệnh ủy nhiệm. Sau này có một ký giả phương Tây đã viết về sự kiện này như sau: “Sau khi bổ nhiệm ông Ngô Đình Diệm làm Thủ tướng “Quốc gia Việt Nam”, ông Bảo Đại đã tự đào huyệt chính trị của mình mà không hề hay biết…”.
Bên cạnh việc ký sắc lệnh ủy nhiệm cho Diệm làm Thủ tướng, Bảo Đại còn ký cho tân Thủ tướng Ngô Đình Diệm một tấm ngân phiếu có trị giá 1 triệu đồng bạc để khi về tới Sài Gòn, Diệm có tiền để tổ chức những cuộc biểu tình “tự phát” hầu làm xúc động lòng người Mỹ và tạo hào hứng cho dân chúng Việt Nam. Diệm cẩn thận bỏ tấm ngân phiếu vào túi, cảm ơn rồi tâu: “Bẩm Hoàng thượng, nếu khi nào ngài thấy tôi có lỗi, Ngài chỉ nói một lời là tôi từ chức ngay”. Thế rồi, ngày 26/6/1954, Diệm bay về Sài Gòn và chỉ 4 ngày sau, Diệm tức tốc ra Hà Nội để tập hợp lực lượng tay chân, củng cố tổ chức, công khai chống phá cách mạng…
Những tay sai thân Pháp, thân Mỹ nằm sẵn ở Hà Nội vội vã thành lập các tổ chức phản động như “Ủy ban bảo vệ Bắc Việt” nhằm chống lại các giải pháp thương lượng. Sau khi Diệm quay trở lại Sài Gòn, ngày 7/7/1954, nội các thứ nhất của Diệm chính thức ra mắt…
Nhờ sự hậu thuẫn của người Mỹ (đặc biệt là CIA) và gần 1 triệu giáo dân miền Bắc di cư, cùng với một số linh mục, tướng tá các giáo phái chống Cộng như Cao Đài, Hòa Hảo, Bình Xuyên, các đảng phái chính trị khác ở miền Nam, Diệm bước đầu đã “dọn dẹp được rác rưởi”, ổn định được tình hình, củng cố quyền lực… Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó, khi cảm thấy chỗ ngồi của mình khá vững vàng ở Dinh Gia Long thì ngay lập tức Diệm giở trò lá mặt, lá trái, liên hiệp với tổ chức này, đập nát tổ chức kia, công kích các đảng phái, các giáo phái.
Với sự cố vấn thâm độc của cố vấn Ngô Đình Nhu và quan thầy người Mỹ, Diệm đã hạ lệnh cho tay chân thủ tiêu các nhân vật đối lập, đập nát đám quan lại Hoàng phái nhà Nguyễn, diệt các giáo phái, lùng sục thanh trừng những người Cộng sản và bắt bớ bất kể ai không chịu hợp tác. Mặc dù, trước khi nhận sắc lệnh ủy nhiệm của Bảo Đại về làm Thủ tướng, Diệm đã quỳ lạy sát đất và thề sẽ trung thành với ngài Quốc trưởng, với Hoàng tộc nhà Nguyễn tới cùng, nhưng chỉ chưa đầy một năm sau, Diệm đã trở mặt tìm mọi cách, lập kế thâm sâu để phản bội lại Bảo Đại. Minh chứng cho sự phản bội này là một cuộc bầu cử gian lận dưới chiêu bài “trưng cầu dân ý” nhằm “tìm kiếm sự đồng thuận dân chủ trong dân chúng” để phế truất Quốc trưởng Bảo Đại lúc này đang ở Pháp.
Cùng với việc thiết lập và củng cố chính quyền, gia đình họ Ngô lần lượt loại bỏ ra khỏi bộ máy chính quyền các cấp, những đảng phái, phe nhóm đã đồng hành cùng anh em Diệm, tổ chức các chiến dịch “tố Cộng”, “diệt Cộng” vô cùng dã man nhằm vào những người yêu nước, chống sự xâm lược của Pháp và xé bỏ Hiệp định Genève với ý đồ chia cắt đất nước lâu dài. Diệm ngang ngược tuyên bố: “Không bị ràng buộc bởi Hiệp định Genève, Hiệp định không có giá trị”… Thời kỳ này, anh em Diệm-Nhu đã ra sức đàn áp các cá nhân và lực lượng yêu nước, đặc biệt là ở các vùng rừng núi và nông thôn.
Cũng thời kỳ này, gia đình họ Ngô đã biến miền Nam Việt Nam thành một nhà tù khổng lồ. Số cán bộ chính trị ở lại miền Nam để vận động và hướng dẫn nhân dân đòi chính quyền Diệm thực thi Hiệp định bị tổn thất nặng nề, số ít còn lại hoặc tìm đường ra Bắc hoặc chạy ra bưng, lên núi tạm lánh thân chờ sự chỉ đạo của cấp trên và sau này đã lập căn cứ chống lại chính quyền Sài Gòn. Trước làn sóng đấu tranh của phong trào Cách mạng ở miền Nam. Diệm đã vội vã ban hành luật “Ngăn chặn phá hoại” số 91, hay còn gọi là Luật 10/59, lập Tòa án Quân sự đặc biệt, tòa án này có thẩm quyền rộng rãi xét xử cả quân nhân lẫn dân thường, ráo riết khủng bố phong trào cách mạng, gieo tội ác khắp miền Nam.
Trước tình hình đàn áp đẫm máu của chính quyền Diệm, Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng Lao Động Việt Nam ra đời với khẩu hiệu hành động là “Tiến hành đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị để giải phóng miền Nam thống nhất đất nước”. Hưởng ứng Nghị quyết 15 của Trung ương, năm 1960 cuộc Đồng khởi (tấn công và nổi dậy) ở tỉnh Bến Tre đã nổ ra và tiếp theo đó là ngày 20/12/1960, Đại hội thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam với lời hiệu triệu toàn dân đoàn kết chống chính quyền tay sai Mỹ để giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc.
Sự ra đời của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam là một bước ngoặt lớn của Cách mạng miền Nam. Bên cạnh sự ra đời của Mặt trận Giải phóng, các tổ chức vũ trang được sự chi viện của miền Bắc cả về lực lượng, hậu cần với đường mòn Hồ Chí Minh – đường 5.59 mà chủ yếu là sự lãnh đạo toàn diện đã hình thành từng đơn vị từ nhỏ đến lớn. Các trận đánh bắt đầu, giải phóng toàn bộ các vùng rừng núi và một số bưng biền, tạo lập các chiến khu là những căn cứ địa làm chỗ dựa vững chắc cho cách mạng ở các vùng nông thôn rộng lớn và làm bàn đạp cho cách mạng ở khắp các đô thị miền Nam.
Trước sức tiến công ở khắp các vùng của Quân Giải phóng miền Nam, Chính quyền Diệm với sự tiếp sức của Mỹ cả đôla, vũ khí và trực tiếp cố vấn, chỉ huy đã tiến hành chiến dịch “Bình định nông thôn” một cách khốc liệt và hình thành các khu “Ấp chiến lược” gom dân lại để “nhốt giữ” ngăn chặn không cho bất cứ một mối liên hệ nào với Mặt trận Giải phóng.
Cùng với cuộc đấu tranh vũ trang của Quân Giải phóng, Mặt trận đấu tranh chính trị cũng được hình thành và phát triển khá nhanh ở những vùng nông thôn mà đặc biệt là tại các đô thị miền Nam. Khẩu hiệu tập họp lực lượng yêu nước của cách mạng ngày càng có tác dụng to lớn như “Chống độc tài, độc diễn”, chống sự hiện diện của cố vấn Mỹ… Ngọn cờ dân sinh, dân chủ được giương cao. Các tổ chức công khai trong các tầng lớp nhân dân, các tôn giáo dần dần bị phân hóa và những người yêu nước cũng lần lượt đi theo ngọn cờ tập họp đấu tranh của cách mạng càng làm cho chính quyền Diệm bị cô lập.
Trước tình hình nghiêm trọng này, tháng 3/1963, chính quyền Diệm ra lệnh cấm không cho Phật giáo treo cờ nhân ngày lễ Phật Đản, vì sợ Phật giáo sẽ tạo nên những ảnh hưởng không có lợi cho Diệm. Như giọt nước tràn ly, cuộc tranh đấu Phật giáo khởi đầu từ Huế mà ngòi pháo là lực lượng học sinh, sinh viên, giáo chức phật tử Huế. Cuộc tranh đấu này cũng là cơ hội rất thuận lợi để cho những người yêu nước, thiên Cộng và cách mạng lâu nay ẩn mình giờ đây có dịp để nổi dậy chống Diệm. Phật giáo Huế nói riêng đã giương cao ngọn cờ Đạo pháp và Dân tộc, đã tập hợp lực lượng đấu tranh chống lại chế độ gia đình trị, độc tài mỗi lúc một đông và lan tỏa nhanh đến khắp các vùng nông thôn và đô thị miền Nam.
Để đối phó với phong trào đấu tranh của phật tử, học sinh, sinh viên ở các đô thị lớn, chính quyền Diệm đã phong tỏa các chùa chiền, bắt bớ, đánh đập tăng ni phật tử hòng dập tắt mọi phẫn nộ của nhân dân. Nhưng ngọn lửa tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức trên đường phố Sài Gòn đã làm sáng lên những hy vọng sẽ thiêu cháy đến tàn tro chính quyền Ngô Đình Diệm. Và ngày 1/11/1963, chính quyền Diệm đã bị lật đổ, anh em Diệm-Nhu phải nhận cái chết vô cùng thê thảm từ phe đảo chính.
Sự kiện này đã buộc quân đội chính quyền Sài Gòn phải kéo về trấn giữ thành thị, tạo điều kiện cho Quân Giải phóng tiến đánh để giải phóng những vùng nông thôn, áp sát các vùng ven. Chiến tranh đã đẩy một số người dân ở vùng nông thôn chạy vào định cư trong lòng đô thị và trong số đó có nhiều người là đảng viên, cơ sở cốt cán được cách mạng bố trí đi theo bà con để giúp ổn định cuộc sống và gây dựng phong trào ngay giữa lòng thành thị thông qua việc móc nối với những người kháng chiến cũ đang sinh sống và làm việc trong các đơn vị, cơ quan, trường học, bến cảng, nhà ga… của chính quyền Sài Gòn. Và chính những “đốm lửa nhỏ” này đã tạo thành những nhân tố tích cực hướng các phong trào đấu tranh đi theo chủ trương của cách mạng.
Nguồn: Phan Bùi Bảo Thy – baomoi.com