Câu chuyện tình cảm động nhất cố đô Huế
Người Huế – Anh là cử nhân văn thư lưu trữ, vừa tốt nghiệp. Còn chị tinh thông ngoại ngữ, vừa rời khỏi ghế nhà trường đã được nhận vào làm lễ tân cho một khách sạn ba sao. Hai người gặp nhau như định mệnh đời người. Nhưng rồi sự thử thách tình yêu đã đi quá giới hạn.
Lúc chuẩn bị cưới xin cũng là khi chị phát hiện mình bị ung thư vú giai đoạn cuối. Biết người yêu không còn sống được bao lâu, anh đã đưa chị từ bệnh viện về nhà tổ chức đám cưới. Một ngày cho tuần trăng mật và đúng ba ngày làm dâu, chị vĩnh viễn ra đi. Đã nhiều năm trôi qua, song người chồng trẻ ấy vẫn không nguôi ngoai được nỗi đau mất vợ, ngày ngày ra mộ để tìm lại chút dư vị tình yêu ngọt ngào của ngày nắng.
Mối tình cảm động
Câu chuyện xảy ra cách đây bốn năm, nhưng cho tới tận bây giờ, người ta vẫn nhắc mãi về mối tình đẹp như cổ tích của anh Nguyễn Duy Bảo Châu và chị Nguyễn Thị Hồng, trú tại thôn Tiên Nộn, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang (Thừa Thiên Huế). Anh Bảo Châu sinh năm 1983, là một thanh niên đẹp trai, hiền hậu, đậm chất con trai xứ Huế.
Anh Châu lớn lên trên mảnh đất nghèo Phú Mậu, nơi mà người dân chỉ biết dựa vào những vườn rau, luống hoa và những thửa ruộng để mưu sinh qua ngày. Gia đình anh có ba anh em, bố bỏ đi từ khi anh còn nhỏ để theo người đàn bà khác. Mấy chục năm trời, bốn mẹ con nương tựa nhau. Dù có rất nhiều người ngỏ ý nhưng mẹ anh quyết ở vậy nuôi con khôn lớn.
Ở thôn Tiên Nộn, nhắc đến Bảo Châu, ai ai cũng tấm tắc khen anh là người hiền lành, sống có nghĩa với bà con và được mọi người trong thôn yêu quý. Tự hào hơn nữa là sau khi tốt nghiệp phổ thông, Nguyễn Duy Bảo Châu thi đậu vào Cao đẳng Sư phạm Huế, theo học ngành lưu trữ văn thư. Tốt nghiệp với tấm bằng loại ưu, song công việc lận đận với chàng thanh niên hiền hậu này.
Trong thời gian chờ đợi, anh kiếm việc làm thêm để tăng thu nhập, đỡ đần cho mẹ nuôi các em ăn học. Ai kêu việc gì anh cũng làm, từ việc phụ hồ, đến cả việc cày bừa thuê, cuốc đất, anh đều không từ chối.
Câu chuyện anh gặp chị Nguyễn Thị Hồng, kém anh một tuổi, cũng rất lãng mạn và gắn với kỷ niệm thời ấu thơ. Đó là vào năm 2000, Bảo Châu học năm cuối cấp 3, mỗi lần về quê ngoại Tiên Nộn phải qua con sông Bao Vinh. Trên chuyến đò ngang ấy, anh đã bắt gặp ánh mắt hút hồn của cô nữ sinh Nguyễn Thị Hồng, thướt tha, duyên dáng trong tà áo trắng.
Chẳng nhớ anh đã đi theo sau xe đạp của Hồng bao nhiêu lần, chỉ biết một lần nọ, khi Bảo Châu đang lén theo sau thì bất chợt trời đổ mưa. Cô nữ sinh bất ngờ quay xe, giương ô che cho chàng thư sinh si tình. Tình yêu của họ bắt đầu bằng câu chuyện lãng mạn như thế, rồi gắn bó suốt 5 năm trời, khi Hồng học đại học, còn Bảo Châu học ở Cao đẳng Sư phạm.
Năm 2005, chị Hồng tốt nghiệp khoa Du lịch, đại học Huế và may mắn được nhận được việc làm sau khi ra trường. Dù người yêu chưa tìm được việc làm ổn định nhưng không vì thế mà Hồng buồn chán hay xa cách. Trái lại, chị lại luôn động viên người yêu kiên trì. Cả hai người xác định dù bất cứ chuyện gì xảy ra, họ vẫn sẽ luôn ở bên nhau. Họ làm việc chăm chỉ, cùng chung nhau tiết kiệm tiền để đợi ngày làm lễ cưới.
Đám cưới và ba ngày hạnh phúc ngắn ngủi
Một ngày, chị Hồng bỗng dưng ngất lịm khi đang làm việc và được các đồng nghiệp đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Huế. Nguyễn Duy Bảo Châu lúc ấy đang làm việc ở Quảng trị, hay tin vội vàng bỏ công việc chạy đến bên người yêu. Lúc này, mọi người mới hay Hồng mắc bệnh nan y.
Khi bác sĩ thông báo tình trạng bệnh của chị, anh chết lặng đi sau ít phút. Sau phút giây bàng hoàng, anh lấy lại bình tĩnh để chăm sóc chị, ân cần chu đáo tới mức mà người ta tưởng nhầm anh đang chăm sóc vợ mình. Các bác sĩ yêu cầu chị Hồng phải mổ gấp nếu không sẽ không giữ lại được mạng sống vì bệnh đã đến thời kỳ di căn.
Hồng không đồng ý vì chị biết khoản tiền viện phí không phải là con số mà anh và chị có thể kiếm được. Từ chối nhập viện nhưng rồi một ngày nọ, Hồng buộc phải chấp nhận bởi căn bệnh ngày càng hành hạ, khiến chị ngất lên ngất xuống nhiều lần.
Những ngày người yêu nằm viện, hằng ngày anh vẫn tranh thủ thời gian lên chăm sóc vào buổi tối, còn ban ngày đi kiếm tiền mua thuốc cho người yêu. Thấy Bảo Châu ốm đi nhiều, trông xanh xao, phờ phạc cứ như người cả năm không được ngủ, bà Nguyễn Thị Thiệp, mẹ anh, như đứt từng khúc ruột.
Bà ngậm ngùi nhớ lại thời khắc khó khăn nhất của con trai, và cũng là của gia đình bà những ngày cô con dâu nằm viện: “Những ngày đó, nhìn thấy con mình xanh xao tiều tụy, tôi như muốn đứt từng khúc ruột, nhưng gia cảnh nghèo như tôi biết lấy gì mà giúp chúng nó. Lúc đó tôi chỉ mong ông trời có mắt, thương chúng nó mà cho con bé mau khỏi bệnh, để thằng Châu nhà tôi đỡ khổ hơn”.
Kế hoạch đám cưới được anh chị định sẵn, chị cần cố gắng thêm ít tháng nữa để đến khi khỏe hẳn, hai người sẽ tổ chức. Nhưng, khoảng thời gian yên bình của hai người không được bao lâu. Mới ra viện được hai tháng, chị phải quay lại bàn mổ.
Lần này, bác sĩ Nguyễn Tích Y, nguyên trưởng khoa Nội thần kinh Bênh viện TW Huế, gọi anh Châu ra nói chuyện riêng. Bác sĩ thông báo bệnh nhân sẽ không qua khỏi, cuộc sống kéo dài không bao lâu nữa. Ông còn hỏi thêm: “Biết người ta sẽ chết, anh vẫn còn muốn cưới hả?”. Những lời nói của bác sĩ khiến cho tim anh như sắp vỡ tung, nhưng vì tương lai, anh thêm một lần gắng gượng cho chính bản thân mình và người vợ sắp cưới. Dĩ nhiên, cuộc nói chuyện đó được anh và bác sĩ giữ bí mật, ít ra là với Hồng trong hoàn cảnh lúc bấy giờ.
Trước tình hình như vậy, Nguyễn Duy Bảo Châu không thể chờ đợi thêm giây phút nào nữa. Nhìn chị càng ngày càng héo mòn trên giường bệnh, anh quyết định cử hành hôn lễ. Thậm chí, anh đã tính đến chuyện xấu nhất, là Hồng không gượng dậy được, anh cũng sẽ cưới ngay trên giường bệnh. Quyết định anh đưa ra khiến mọi người ngạc nhiên, ái ngại.
Mặc dù biết chị sẽ không sống được bao lâu nhưng anh vẫn một mực đòi cưới, anh muốn chị là vợ anh, sống là vợ anh, chết cũng là vợ anh. Mặc cho bao nhiêu người khuyên ngăn, anh vẫn không thay đổi quyết định đó. Tài sản của gia đình lúc bấy gờ chỉ có khoảng hai triệu đồng, mẹ con anh chạy vạy, vay mượn thêm xóm giềng bạn hữu để lo đám cưới.
Thương con, biết làm vậy sau này con sẽ khổ, nhưng chính bà Thiệp cũng chẳng thể làm gì khác. Tình yêu có những lý lẽ riêng mà con người ta chẳng thể nào cắt nghĩa được.
Chị Nguyễn Thị Hồng đang nằm ở tầng 6 (tầng dành cho những bệnh nhân nặng) Bệnh viên TW Huế thì bất ngờ được đưa về nhà anh Nguyễn Duy Bảo Châu ở xã Phú Mậu để làm đám cưới trước sự ngạc nhiên, ngỡ ngàng của nhiều người. Dù không có thật nhiều tiền nhưng anh cũng muốn đám cưới của mình phải bằng bạn bằng bè, anh muốn chị là người đẹp nhất trong ngày cưới. Anh khiến chị, một bệnh nhân xanh xao vàng vọt vì hóa trị, trở thành cô dâu xinh đẹp lộng lẫy đến lạ thường trong ngày vu quy.
Đám cưới giản dị, nhưng đôi tình nhân đã được nhận được nhiều lời chúc tốt đẹp nhất. Sau đám cưới một ngày, Bảo Châu dành trọn một ngày đưa vợ về suối nước nóng Mỹ An (huyện Phú Vang) thực hiện chuyến trăng mật của mình. Nghĩ lại những giây phút đó, anh Châu không muốn nhắc nhiều, đó chính là thời khắc hạnh phúc nhất của anh.
Ngày hôm sau, anh phải đưa vợ lên bàn mổ vì sức khỏe của chị đang rất yếu. Nhà có được bao nhiêu tiền đã dồn vào đám cưới, nay để thực hiện ca mổ quyết định đến mạng sống của Hồng, cần có rất nhiều tiền. Gia đình hai bên góp vào, bà Thiệp mang sổ đỏ đi thế chấp tại ngân hàng, trong khi người anh kế Bảo Châu là Nguyễn Duy Anh Khoa đã phải bán chiếc xe máy mới mua, cũng là phương tiện đi lại duy nhất của gia đình, để chạy chữa thuốc men cho em dâu.
Dù đã cố hết sức, nhưng sau ca mổ, sau gần một tháng điều trị tận tình, chị Nguyễn Thị Hồng đã không qua khỏi. Căn bệnh nan y đã cướp đi người vợ hiền lành, xinh đẹp của anh Bảo Châu.
Thương vợ, Bảo Châu lập riêng một bàn thờ, nhang khói đều đặn mỗi ngày. Bà Thiệp kể, vì nhớ thương vợ nên kể từ ngày vợ mất đến hai năm sau đó, đều đặn mỗi chiều và thậm chí cả đêm nữa, Bảo Châu lên thăm mộ vợ. Anh nhớ chị da diết, anh gọi tên chị trong nhớ nhung, sầu muộn vô vọng.
“Chiều nào không thấy con, tôi lại lên mộ con dâu đón nó về. Lần nào cũng vậy, nó không về là nằm lại bên mộ vợ, nắng mưa cũng mặc. Nhiều hôm tôi sợ chẳng dám rời xa nó nửa bước, chỉ sợ bĩ quá nó làm liều”, bà Thiệp ngân ngấn nước mắt nhớ lại.
Thời gian, năm tháng hờ hững cứ thế trôi đi, nhưng trong lòng Nguyễn Duy Bảo Châu vẫn chưa thể nguôi ngoai hình ảnh về cô nữ sinh duyên dáng trong bộ áo dài truyền thống, dắt chiếc xê đạp lên thuyền qua bến sông Bao Vinh. Dù nhiều lúc, anh tự nhủ lòng cố quên để bắt đầu một tương lai mới ở phía trước, nhưng khi cố quên là khi lòng càng thêm nhớ.
Nguồn: xzone.vn