Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm nếu chậm giải ngân vốn đầu tư công
[ad_1]
Cao tốc La Sơn – Túy Loan sắp đưa vào sử dụng. Ảnh: Nguyễn Phong
Quý 1/2020 giải ngân chưa đạt 15%
Xác định được tầm quan trọng, ngay từ đầu năm 2020 tỉnh đã tập trung chỉ đạo soát xét kế hoạch ĐTC giai đoạn 2016-2020 để tổ chức phân bổ nguồn lực từ Trung ương và của địa phương cho các công trình, dự án trọng điểm, ưu tiên các công trình chuyển tiếp, công trình quyết toán hoàn thành đưa vào sử dụng. Chú trọng đầu tư một số công trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội: Hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, hạ tầng phát triển công nghiệp; dự án di dời, GPMB khu vực I di tích Kinh thành Huế. Năm 2020, kế hoạch ĐTC của tỉnh được bố trí tổng nguồn vốn 3.600 tỷ đồng. Trong đó, bố trí nguồn vốn quyết toán nợ đọng các công trình 135 tỷ đồng; nguồn vốn 712 tỷ đồng khởi công 27 công trình mới và hơn 2.700 tỷ đồng còn lại được bố trí cho công trình chuyển tiếp từ năm 2019.
Trong năm 2020, tỉnh chỉ khởi công mới 27 công trình nhưng do tác động, ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên đã phải giãn tiến độ 11 công trình khoảng 50 tỷ đồng. Trung ương quan tâm bổ sung 800 tỷ đồng cho dự án di dời dân cư khu vực 1 Kinh thành Huế, tỉnh đã cơ bản hoàn thành các công việc nhằm thực hiện di dời gần 3.000 hộ dân với tổng kinh phí 1.880 tỷ đồng và đang đầu tư hạ tầng 8 khu tái định cư với diện tích 65 ha, đã giao đất tái định cư cho một bộ phận người dân. Bên cạnh đó, tỉnh chỉ đạo các địa phương phối hợp hỗ trợ làm tốt công tác GPMB để triển khai các dự án trọng điểm Quốc gia: cao tốc Cam Lộ – La Sơn, hầm Hải Vân giai đoạn 2, đường dây 500kV, bàn giao mặt bằng triển khai dự án mở rộng Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài… Tuy nhiên, trong quý 1/2020 các dự án mới bắt đầu khởi động nên khối lượng thực hiện giải ngân chưa cao, chưa đạt 15% kế hoạch.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu cho rằng, kết quả giải ngân vốn ĐTC đang đạt tỷ lệ thấp do nguồn lực ĐTC từ ngân sách Trung ương theo các chương trình mục tiêu bị cắt giảm, ảnh hưởng đến việc hoàn thành các dự án. Một số quy định pháp luật mới được ban hành, áp dụng triển khai thực hiện trong năm 2020 như: Luật ĐTC, Luật Quy hoạch cùng một số nghị định, thông tư phải tiến hành điều chỉnh thủ tục phù hợp theo quy định mới. “Trên địa bàn xảy ra tình trạng thiếu nguồn cung vật liệu cát xây dựng, đất san lấp… tác động, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện các công trình, dự án. Các cơ quan quản lý nhà nước chưa tích cực phối hợp, hỗ trợ cho chủ đầu tư, chưa rút ngắn thời gian trong quá trình thẩm định dự án, thiết kế dự toán”- Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đại Vui cho biết.
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ (thứ 3 từ trái qua) kiểm tra tiến độ một số công trình trước mùa dịch COVID-19
Điều chuyển vốn sang đơn vị khác
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh, đẩy nhanh giải ngân vốn ĐTC được nhiều chuyên gia nhận định là giải pháp hữu hiệu hỗ trợ cho tăng trưởng, tạo sức lan tỏa ra nền kinh tế trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19. Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ĐTC, tinh thần là giải ngân hết số vốn được cấp và việc giải ngân phải thực hiện ngay từ những tháng đầu năm, không để dồn vào cuối năm.
Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh chế tài đối với tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu các sở, ngành, địa phương để xảy ra tình trạng chậm giải ngân các dự án ĐTC.
Về một số giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch ĐTC năm 2020, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ yêu cầu các chủ đầu tư nâng cao năng lực, các công trình triển khai thực hiện phải cam kết đảm bảo đúng tiến độ, kế hoạch thi công; các sở, ban, ngành, địa phương kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh khối lượng công trình sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng. Tăng cường công tác đấu thầu qua mạng để lựa chọn nhà thầu đủ năng lực. “Kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác GPMB, hỗ trợ tái định cư để triển khai thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm. Tăng cường kiểm tra, rà soát tổng thể việc thực hiện các dự án ĐTC để đánh giá hiệu quả, tính cấp bách của các dự án, trên cơ sở đó ưu tiên phân bổ vốn kịp thời, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán, gây lãng phí và hiệu quả đầu tư thấp”- Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo tập trung theo dõi kế hoạch giải ngân vốn ĐTC của các chủ đầu tư theo quy định: Đối với các dự án và gói thầu chuyển tiếp được bố trí kế hoạch vốn năm 2020, đến cuối tháng 6 phải giải ngân trên 50% kế hoạch, đến ngày 15/12 phải giải ngân 100% kế hoạch; các dự án và gói thầu khởi công mới được bố trí kế hoạch vốn năm 2020, cuối tháng 6 phải giải ngân cho xây lắp, cuối tháng 9 phải giải ngân trên 50% kế hoạch, cuối tháng 12 phải giải ngân 100% kế hoạch; các dự án được bố trí kế hoạch vốn năm 2020 (cả chuyển tiếp và khởi công mới) đến cuối tháng 6 chưa giải ngân cho xây lắp, UBND tỉnh dừng giải ngân và điều chuyển cho các dự án khác có khả năng thanh toán.
Bài, ảnh: Thái Bình