Kinh tế Huế

Mô hình mới, giá trị cao

[ad_1]


 Trồng rau an toàn ở Quảng Thành cho thu nhập 200-250 triệu đồng/ha/năm

11,8 tỷ đồng cho gần 100 mô hình

Ông Trần Văn Phú ở xã Quảng Thọ đã chuyển đổi hai sào lúa hiệu quả thấp sang trồng cây rau má an toàn.

Rau má không chỉ dễ trồng, chăm sóc lại có đầu ra thuận lợi từ khi HTX Nông nghiệp Quảng Thọ 2 tổ chức bao tiêu sản phẩm. Bình quân mỗi năm, hai sào rau má của ông Phú thu nhập 20-25 triệu đồng, cao gấp 5-6 lần so với trồng lúa. Một sào trồng đậu bắp của ông Phú cũng cho thu nhập bình quân mỗi năm 15 triệu đồng, trong khi trồng lúa hai vụ chỉ thu nhập 4-5 triệu đồng.

Chủ tịch UBND xã Quảng Thọ, ông Hoàng Công Phong khẳng định, thực hiện mục tiêu nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy kinh tế của địa phương không có con đường nào khác ngoài chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Chừng vài năm trở lại đây, Quảng Thọ đã chuyển đổi hàng chục ha lúa, cây trồng hiệu quả thấp sang trồng rau má, các loại rau, đậu an toàn. Một số loại cây trồng mới như rau má, đậu bắp, sen… có giá trị sản xuất bình quân mỗi ha 150-300 triệu đồng/năm.

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền, ông Nguyễn Ngọc Tiến thông tin, phong trào chuyển đổi cơ cấu CTVN bắt đầu chuyển biến mạnh từ 5 năm trở lại đây.

Huyện đầu tư 11,8 tỷ đồng cho gần 100 mô hình sản xuất nông nghiệp mới. Từ các loại rau màu, lúa truyền thống, bắp ngô, khoai lang là chủ lực, đến nay, trên địa bàn huyện có thêm nhiều loại cây trồng mới có giá trị kinh tế cao như rau an toàn, VietGAP, đậu bắp, rau má, sen, lúa chất lượng, ném, khoai lang tím, hành lá…

Hơn 33 ha trồng lúa hiệu quả thấp chuyển sang trồng rau màu an toàn, 28 ha lúa chuyển sang trồng sen, tập trung tại các xã: Quảng Phú, Quảng Thọ, Quảng Thành, Quảng An, Quảng Lợi, Quảng Thái. Cây công nghiệp ngắn ngày, thực phẩm và hoa được mở rộng gần 1.600 ha trên địa bàn toàn huyện. Cánh đồng mẫu lúa từng bước nhân rộng, đến nay khoảng 700 ha; trong đó hợp đồng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gần 300 ha. HTX Nông nghiệp Quảng Vinh liên kết với Công ty CP Quế Lâm miền Trung sản xuất 30 ha lúa hữu cơ an toàn.

Hướng đi mới của Quảng Điền từng bước chuyển đổi, đưa vào nuôi các loại cá có giá trị kinh tế cao. Một thời người dân chủ yếu nuôi các loại cá kình, rô phi, mè, trắm nay từng bước chuyển sang nuôi cá diêu hồng, hồng mỹ, dìa, mú, cua, tôm đất, cá đối, nuôi xen ghép tôm-cua-cá…

Đến nay, toàn huyện có hơn 675 ha nuôi thủy sản nước lợ xen ghép, tăng gần 80% so với cách đây 5 năm. Mô hình thủy sản, nuôi xen ghép cho thu nhập mỗi ha từ 120-150 triệu đồng/năm.

Liên kết, tiêu thụ sản phẩm

Chuyển đổi cơ cấu CTVN theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững được xác định là hướng phù hợp trước yêu cầu mới của huyện Quảng Điền. Ngành nông nghiệp huyện phối hợp với các địa phương, người dân tiếp tục khảo sát, đánh giá điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, giá trị kinh tế của từng vùng nhằm chuyển đổi CTVN phù hợp, hiệu quả kinh tế cao hơn. 

Ông Nguyễn Ngọc Tiến thông tin, qua khảo sát, đánh giá một số vùng bãi biền, ven sông, trong năm nay, ngành nông nghiệp hướng dẫn các địa phương chuyển sang trồng sen, kết hợp nuôi cá nước ngọt. Dự kiến 2-3 vùng trồng sen tập trung theo hướng hàng hóa với quy mô lớn ở các xã: Quảng Vinh, Quảng Lợi, Quảng An.

Các địa phương xây dựng vùng sản xuất lúa hàng hóa, chất lượng theo mô hình cánh đồng lớn với diện tích 2.300 ha, tâp trung các xã Quảng Thành, Quảng Thọ, Quảng Phú, Quảng Vinh, Quảng An, thị trấn Sịa. Ngành nông nghiệp tổ chức hướng dẫn người dân sử dụng các biện pháp, kỹ thuật canh tác tiên tiến, đưa các giống lúa chất lượng cao, có giá trị kinh tế vào sản xuất, phấn đấu giá trị sản phẩm mỗi ha trên 85 triệu đồng/năm.

Cán bộ khuyến nông các cấp bám cơ sở, giúp dân cải tạo vườn theo hướng xây dựng kinh tế vườn kiểu mẫu. Mô hình kinh tế vườn được xây dựng theo cánh đồng xanh-sạch- đẹp, sản xuất theo quy trình nông nghiệp hữu cơ, VietGAP; đẩy mạnh phát triển các sản phẩm chủ lực gắn với chương trình OCOP mỗi xã một sản phẩm (rau má, rau an toàn, mây tre đan, mắm, nước mắm).

Các địa phương tiếp tục chuyển đổi một số diện tích chân ruộng trũng, trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi cá; nuôi thâm canh cá ao hồ, nuôi cá lồng trên sông, đầm phá với diện tích 150-200 ha. Một số hộ sẽ được hỗ trợ mô hình nuôi cá chình giống thí điểm với diện tích 3 ha. Đây là mô hình triển vọng nhằm cung ứng nguồn giống mở rộng mô hình nuôi cá chình thương phẩm trên địa bàn huyện.

Ngành nông nghiệp, các địa phương hỗ trợ nông dân liên kết với các HTX, doanh nghiệp tạo ra nguồn sản phẩm an toàn, chất lượng gắn với bao tiêu sản phẩm. HTX Nông nghiệp Đông Vinh liên kết với Tập đoàn Quế Lâm sản xuất lúa theo chuỗi giá trị với các loại giống BT7, DT39. Các HTX Nông nghiệp: Phú Hòa, Đông Phước, số 2 Sịa, Thắng Lợi… liên kết với Công ty CP Vật tư nông nghiệp tỉnh sản xuất các giống lúa HP3, NA6.

Nông dân liên kết với các doanh nghiệp Hóa Châu, hữu cơ Huế Việt, nhà máy rượu Sochu…tiêu thụ rau an toàn, khoai lang mỡ. Các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm liên kết với Công ty CP, Công ty CP GreenFeed sản xuất và tiêu thụ lợn siêu nạc, gà giống, gà thương phẩm.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

[ad_2] Báo Thừa Thiên Huế Online

Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button