Kinh tế Huế

Khắc phục cây trồng thiệt hại sau mưa lớn

[ad_1]


Nỗ lực “cứu” dưa trong ngày mưa lớn

Tranh thủ thời tiết tạnh ráo sau 3 ngày mưa liên tục, nông dân ra đồng kiểm tra ruộng dưa, rau và tranh thủ thu hoạch “vớt” mong giảm thiệt hại.

Tại ruộng rau Quảng Thành (Quảng Điền) – “vựa” rau lớn nhất tỉnh, công tác thu hoạch, khắc phục ngã đổ được các hộ dân triển khai. Nhiều năm nay, hệ thống thủy lợi và vùng quy hoạch rau Trung Thành, Quảng Thành được triển khai đồng bộ khiến các loại nông sản trồng ở đây giảm thiểu thiệt hại do ngập úng.

Tuy nhiên, mưa lớn liên tiếp trong 3 ngày qua đã khiến nhiều diện tích rau bị dập nát, giá thành giảm đến 50% khiến người dân gặp khó khăn.

Ông Trường Hoàng (thôn Trung Thành), một nông dân cho biết: “So với mọi năm thì trận mưa năm nay gây thiệt hại khá nặng vì nhiều diện tích rau sắp thu hoạch, trồng ngoài trời không có hệ thống nhà lưới che chắn nên mưa liên tục khiến rau dập nát. Các loại như cần tây, cải, xà lách, ngò thơm, tần ô… thu hoạch tại ruộng giá giảm chỉ còn một nửa. Trong điều kiện bà con thu hoạch nhiều như hiện nay, cộng với chất lượng rau giảm khiến việc tiêu thụ gặp khó khăn”.

Ông Phan Đình Sửu, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Thành thông tin, toàn xã có hơn 31 ha rau các loại của hơn 740 hộ dân tham gia trồng với thu nhập bình quân 400 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, vụ mùa năm nay, gặp mưa lớn đã khiến nhiều diện tích rau bị dập nát, trong đó có các loại có giá trị kinh tế cao như ngò thơm, cần tây. Ngoài giá thành giảm, tốc độ thu hoạch chậm, khó tiêu thụ, việc gieo trồng gối vụ tiếp theo của bà con nông dân cũng đang gặp khó khăn do nền đất còn ướt.

Thực tế ghi nhận tại địa phương, nhiều loại rau có giá trị kinh tế cao được trồng trong nhà lưới hoặc che chắn bởi túi ni lon gần như thiệt hại không đáng kể. Hiện tại, UBND xã, các HTX nông nghiệp trên địa bàn đã chỉ đạo đối với những diện tích rau màu có giá trị cao, dễ dập nát, mới xuống giống bà con cố gắng đầu tư lưới, ni lon che chắn; sau khi tiến hành thu hoạch các diện tích giảm thiệt hại, cần tranh thủ ngâm ủ hạt giống, chuẩn thiết bị, vật tư nông nghiệp để khi trời nắng lên thì làm đất, xuống giống ngay nhằm có rau gối vụ; đối với những diện tích còn non cần tiến hành thu hoạch, trong điều kiện hiện nay chấp nhận giảm sản lượng nhằm giảm thiệt hại.

Những độn cát quanh ven vùng biển Hải Dương (TX. Hương Trà) nhiều năm nay việc trồng dưa đã mang lại thu nhập khá cho bà con nông dân. Tuy nhiên, ảnh hưởng đợt mưa vừa qua cũng đã làm 7 ha dưa hấu ở các thôn Vĩnh Trị, Thai Dương Thượng Đông đang trong giai đoạn chuẩn bị thu hoạch bị thiệt hại nặng nề.

Ông Lê Văn Đoàn, Chủ tịch UBND xã Hải Dương thông tin, toàn xã có 7 ha dưa hấu của 35 hộ dân tham gia trồng; trong đó có 6 ha đã đến kỳ thu hoạch. Với năng suất 7-8 tấn/ha, trồng dưa hấu mang lại thu nhập khá ổn định cho nhiều hộ dân. Diễn biến thời tiết những ngày tới còn phức tạp, dự báo sẽ tiếp tục xảy ra mưa và sau khi nắng lên, những diện tích dưa còn lại chắc chắn sẽ bị hỏng. Do vậy, địa phương đã yêu cầu các hộ dân tiếp tục thu hoạch dưa nhằm giảm thiệt hại.

Mưa lớn cũng làm 2.800 ha lạc trên toàn tỉnh bị ảnh hưởng, nguy cơ bị hư hỏng.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh (Sở NN&PTNT) đã yêu cầu các địa phương chỉ đạo thu hoạch nhanh đối với những diện tích cây trồng đến thời kỳ thu hoạch; các HTX, đội sản xuất bố trí lực lượng, huy động phương tiện máy bơm khẩn trương tiêu úng; đồng thời vận động người dân thực hiện các giải pháp tháo cạn nước bề mặt ruộng, khu vực trồng hoa màu; vệ sinh cỏ dại ven bờ để hạn chế nguồn lây nhiễm của các loại sâu bệnh và tăng cường kiểm tra đối tượng gây bệnh để chủ động xử lý kịp thời khi trời nắng trở lại. Đồng thời, có phương án tích trữ nước phục vụ cho sản xuất vụ hè thu 2020.

Nam Đông không thiệt hại do mưa lớn

Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nam Đông, trận mưa lớn kéo dài những ngày qua trên địa bàn huyện không chỉ không gây thiệt hại về hoa màu, lúa (do đã thu hoạch từ trước đó), cao su…, mà còn giúp các diện tích sản xuất của địa phương bổ sung nước tưới sau thời gian dài gặp hạn. Hiện, ngành nông nghiệp huyện Nam Đông cùng với người dân tiến hành theo dõi, hướng dẫn kỹ thuật để chăm sóc các loại cây ăn quả cho giá trị cao, cây cao su…

M.N

Bài, ảnh: Hà Nguyên

[ad_2] Báo Thừa Thiên Huế Online

Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button