Những bài học kinh nghiệm điều hành chính sách kinh tế năm 2020
[ad_1]
Chỉ còn 10 ngày nữa là kết thúc năm 2020 – một năm đầy sóng gió, nhọc nhằn với nền kinh tế và toàn xã hội, do bệnh dịch Covid 19 xuất hiện, hoành hành, tác động ghê gớm tới kinh tế thế giới và Việt Nam không ngoại lệ. Chưa có con số thống kê chính thức để tổng kết năm, nhưng qua thực tế đang diễn ra, đã thấy rõ năm 2020 này, trong sự mịt mờ, ảm đạm của kinh tế toàn cầu, Việt Nam nổi lên như một điểm sáng hiếm hoi về tăng trưởng và phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19.
Rất nhiều nỗ lực, rất nhiều sự đổi thay để thích ứng của cả xã hội, vượt qua khó khăn, qua đó, nổi bật vai trò của Chính phủ trong điều hành kinh tế xã hội, đạt được mục tiêu kép: Chống dịch thành công, giữ được tăng trưởng kinh tế và tạo đà, sức bật phục hồi sau dịch. Tuy vậy, cũng có những hạn chế bộc lộ, là bài học kinh nghiệm cho điều hành vĩ mô những năm tiếp theo.
“Điểm sáng” tăng trưởng sau dịch Covid 19
Trước hết, phải khẳng định, trong thực hiện thành công mục tiêu “kép”, mục tiêu số 1: Kiểm soát, chống dịch thành công, là tiền đề, là cơ sở và là nền tảng cho mục tiêu số 2: Giữ được tăng trưởng, và phục hồi kinh tế nhanh sau dịch. Thực tế đã chứng minh rõ điều đó.
Việt Nam nổi lên như một điểm sáng hiếm hoi về tăng trưởng và phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19. (Ảnh minh họa: KT)
Theo PGS.TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội, có thể khẳng định kinh nghiệm thành công-bài học lớn đầu tiên trong điều hành của Chính phủ trước những đòi hỏi có tính quyết định cấp bách- như tình huống dịch bệnh năm 2020 này là xác định rõ mục tiêu, quyết đoán lựa chọn trên cơ sở phân tích khoa học và dự báo tình hình kịp thời.
“Trước hết chúng ta có một phương án ứng xử rất là linh hoạt, rất là hiệu quả. Đối với dịch, khi bắt đầu có dịch thì Chính phủ chủ trương là hy sinh nền kinh tế để bảo vệ tính mạng, an toàn của người dân, tập trung vào một chiến dịch chưa từng có. Về vấn đề kinh tế, Việt Nam đã đóng cửa rất sớm, thậm chí phong tỏa sớm, cách ly xã hội khi có dịch, chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế…
Việc kiểm soát tốt dịch đã giúp Việt Nam từ chỗ là một trong những nước ban đầu có nguy cơ cao, lại trở thành một nước thành công nhất trên thế giới về phòng, chống dịch bệnh. Chính từ thành công này, Việt Nam đã kịp thời quay trở lại phát triển đời sống kinh tế, ổn định xã hội khiến cuộc sống của người dân không quá vất vả”, PGS.TS. Hoàng Văn Cường đánh giá.
“Quả ngọt” từ thành công chống dịch, những người “cảm” được rõ nhất, đó chính là các doanh nhân, DN. Tập đoàn Phú Thái là DN đa dạng lĩnh vực đầu tư, với sự linh hoạt trong điều hành của một doanh nhân “Sao Đỏ” đã không bị ảnh hưởng quá nặng nề trong năm 2020 này, nhưng bản thân ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái, Phó Chủ tịch Hội đồng Trung ương các Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam cũng có những cảm nhận rất sâu sắc về thành công chống dịch Covid-19.
“Với sự kiểm soát rất tốt của Chính phủ trong thời gian dịch bệnh, thành công trong chống dịch Covid-19 là món quà rất lớn đối với các DN. Nếu để dịch bệnh diễn biến như các nước trên thế giới hiện nay, các DN sẽ khó khăn gấp nhiều lần. Đó cũng là quan hệ nhân quả giữa Chính phủ và DN, khi chính phủ chỉ đạo kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, DN có điều kiện hoạt động, đem lại việc làm, thu nhập cho xã hội và đóng góp trở lại cho ngân sách”, ông Phạm Đình Đoàn nói.
Thành công từ “cỗ xe tam mã”
Nhìn lại 6 tháng đầu năm khi Việt Nam phải ứng phó với dịch bệnh, ngay từ quý II, nền kinh tế ngấm sâu tác động của Covid-19, tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước GDP sụt giảm mạnh, chỉ còn 0,36%, thấp nhất trong 30 năm qua, và 6 tháng đầu năm GDP chỉ tăng 1,81%. Phát huy kết quả đạt được từ phòng chống dịch, kế hoạch tăng tốc “cỗ xe tam mã” do Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, được tập trung quyết liệt trong 6 tháng cuối năm, với việc đẩy mạnh đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng, để đạt mức tăng trưởng cao nhất có thể trong năm nay.
Thực tế kết quả 11 tháng cho thấy, 3 “ngựa” kéo tăng trưởng này đều đạt kết quả tốt. Đầu tư, trong đó trọng tâm là đầu tư công, với tỷ lệ giải ngân nhỉnh hơn so cùng kỳ năm ngoái chút ít, nhưng con số tuyệt đối về vốn được giải ngân gần gấp đôi năm ngoái, đạt kết quả giải ngân cao chưa từng có trong vòng 10 năm trở lại đây.
Xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 254,6 tỷ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, có sự chuyển dịch cơ cấu, với khu vực kinh tế trong nước đạt 73 tỷ USD, tăng 1,6%, chiếm 28,7% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Về tiêu dùng, đến hết quý III, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ chỉ báo mức độ tiêu dùng trong nước mới phục hồi, đạt xấp xỉ cùng kỳ năm trước, thì chỉ qua 2 tháng 10 và 11, con số này đã tăng mạnh, đóng góp chung vào kết quả 11 tháng, tăng tới 8,5% so cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, các hoạt động xúc tiếng thương mại, giao thương qua thương mại điện tử tăng mạnh, góp phần thúc đẩy tiêu dùng trong nước. Đây là chỉ báo tích cực, khẳng định thị trường trong nước là động lực cho tăng trưởng, như Chính phủ đã xác định.
Ông Nguyễn Văn Hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương phân tích, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, dần nhận ra vai trò của thị trường nội địa trong việc phát triển kinh tế xã hội. Từ nhìn nhận như vậy, ngay trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội, thị trường nội địa luôn được đảm bảo lưu thông thông suốt, không có sự thiếu hàng cục bộ, không có sự tăng giá đột xuất do những vấn đề dịch bệnh.
“Đây thực sự là một thành công rất xứng đáng. Ghi nhận thực tế từ thị trường nội địa trong thời gian vừa qua đã cho thấy điều đó. Điều quan trọng nhất là thành công này có được không phải là một sớm, một chiều mà trong suốt một thời gian dài. Với sự quan tâm của Đảng, Chính phủ cũng như các cấp, ngành trong việc phát triển cơ chế chính sách, khuyến khích phát triển thị trường địa, trong đó quan tâm nhất là hạ tầng hạ tầng thương mại, kết nối hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, giúp đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa”, ông Hội chỉ rõ.
Qua thành công điều hành “cỗ xe tam mã” đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng có thể thấy, bài học lớn tiếp theo trong điều hành vĩ mô, là sự chỉ đạo quyết liệt, gắn với phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu bộ, ngành, địa phương.=
Gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng triển khai chậm là điểm trừ đáng tiếc!
Nền kinh tế đã “ấm” dần qua từng quý, có tốc độ hồi phục nhanh khẳng định qua các con số thống kê có trọng lượng. Báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV khẳng định triển vọng tăng trưởng GDP năm nay đạt từ 2,5 đến 3% đang dần trở thành hiện thực. Các cân đối vĩ mô được đảm bảo, an sinh xã hội thực hiện tốt.
Những kết quả đó là đáng ghi nhận đặt trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, thách thức như Chính phủ nêu trong báo cáo trước Quốc hội: “Khả năng chống chịu của nền kinh tế chưa thật vững chắc; năng lực cạnh tranh và tính tự chủ còn hạn chế. Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại chưa đáp ứng yêu cầu. Đào tạo nguồn nhân lực còn bất cập cả về cơ cấu, số lượng và chất lượng. Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa thực sự tạo động lực nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh. Cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng một số lĩnh vực còn chậm, hiệu quả chưa cao. Xã hội hoá dịch vụ công và đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập còn nhiều bất cập…”.
Phân tích những hạn chế thì cũng còn nhiều điều, bởi bên cạnh những yếu tố mang tính “cố hữu” đang được thúc đẩy, cải thiện qua từng năm, một “điểm trừ” trong điều hành năm nay chính là việc hỗ trợ cho người dân, DN bị ảnh hưởng bởi Covid 19 chưa kịp thời. Chủ trương, chính sách của Chính phủ ban hành từ rất sớm, ngay trong quý I, nhưng thống kê đến tháng 7, chưa có DN nào được nhận hỗ trợ từ “gói” 62.000 tỷ đồng, vì “không đủ điều kiện”, trong khi rất nhiều DN khó khăn là thực tế quá rõ ràng.
Phản ứng chính sách nhanh, nhưng triển khai trên thực tế lại chậm đã hạn chế hiệu quả chính sách. Qua đó lại thấy một bài học kinh nghiệm lớn về điều hành vĩ mô. Đây cũng là bài học cho việc triển khai rất nhiều những kế hoạch, thậm chí là chiến lược phát triển.
Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương, Thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, qua cách thức triển khai “gói” hỗ trợ này khi có những vấn đề, hiện tượng do tác động của Covid-19 nên chưa có quy định, nếu giải quyết theo quy định rõ ràng sẽ ách tắc.
“Các lãnh đạo phải chịu trách nhiệm phải có tính năng động, sáng tạo và nhất quán quan điểm, đặt quyền lợi người dân, DN lên trên hết. Khi đã có chính sách, cần tập trung giải quyết đầy đủ, nghiêm túc để lấy lại niềm tin của DN, người dân bảo đảm tính nhất quán của chính sách”, TS. Nguyễn Đình Cung chỉ rõ.
Theo VOV