Kinh tế Huế

“Xanh hóa” vùng cát

[ad_1]


Rừng tràm trên cát

Chỉ còn ký ức

Anh Phạm Châu ở thôn Hải Thế, xã Phong Hải (Phong Điền) kể: 15 năm về trước, mỗi ngày đến trường bên phá Tam Giang, học sinh các vùng ven biển Ngũ Điền (Phong Điền) phải đi bộ băng độộn cát trắng. Mùa mưa buốt giá; mùa nắng rát bỏng bàn chân, da đen sạm vì không một cây che bóng mát. 

Từ khi tỉnh có chủ trương trồng rừng chống sa mạc hóa, chống cát bay, cát lấp, vùng cát ven biển Ngũ Điền được ngành lâm nghiệp, các địa phương, doanh nghiệp (DN) từng bước trồng cây phi lao, keo tràm. Những cánh rừng ngày càng sinh sôi, mở rộng diện tích. Chừng 5-10 năm trở lại đây, chuyện băng bộ giữa vùng cát trắng, nắng chang chang chỉ còn trong ký ức.

Chủ tịch UBND xã Phong Hải, ông Hoàng Văn Sửu cho rằng, vùng cát trắng hôm nay được xanh hóa, trước hết phải kể đến sự tham gia tích cực, hưởng ứng của người dân địa phương trong việc thực hiện chủ trương trồng rừng của tỉnh. Từ nguồn kinh phí hỗ trợ của các cấp, ban ngành, hằng năm người dân đã tiến hành trồng rừng phi lao, keo tràm. Từ đó, những cánh rừng bắt đầu hình thành, ngày càng sinh sôi, phủ xanh vùng cát trắng.

Thông qua các chương trình, dự án, ngành lâm nghiệp quy hoạch, hướng dẫn các địa phương trồng rừng trên cát ven biển. Rừng trồng không chỉ được ngành lâm nghiệp mở rộng diện tích mà còn phối hợp với các địa phương tổ chức quản lý, bảo vệ chặt chẽ, nghiêm ngặt. Bảo vệ và phát triển rừng mang lại hiệu quả, một phần kể đến vai trò, trách nhiệm lớn và ý thức tầm quan trọng về rừng trên cát ven biển của người dân địa phương. Nhiều năm qua, hầu như những cánh rừng không bị xâm hại, không xảy ra các vụ cháy gây thiệt hại lớn.

Điều làm nên những cánh rừng xanh trên cát, theo ông Sửu cũng cần phải ghi nhận công lao lớn của các DN khai thác khoáng sản titan. Các DN sau khi khai thác đã san lấp cát, trả lại nguyên trạng, đồng thời trồng rừng bảo vệ vùng cát ven biển. Khi chưa có các DN vào khai thác titan, vùng cát Ngũ Điền chỉ tồn tại vài “vạt rừng” thưa thớt. Giờ đây, những vùng cát này đã được xanh hóa từ khi các DN titan trồng rừng thay thế, mở rộng diện tích sau khai thác.

Bảo vệ môi trường, mùa màng

Trưởng phòng Sử dụng và Phát triển rừng thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh, ông Nguyễn Đức Huy thông tin, vùng cát “di động” ven biển tập trung chủ yếu ở phía bờ biển, chia làm hai vùng sử dụng rõ rệt. Đó là, vùng bãi cát ven biển với những cồn thấp (chỉ cao hơn mặt nước biển vài mét), nằm gần bãi biển và có mực nước ngầm tương đối cao (chỉ cách mặt đất vài chục cm). Vùng còn lại là cồn cát cao cách bờ biển khoảng 200m. Đây là những cồn cát “di động mạnh”, được xem là vùng sinh thái rất khó cho hoạt động trồng rừng.

Kế hoạch quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên cát ven biển được tỉnh tiếp tục triển khai trong giai đoạn 2021-2030. Theo đó, tiếp tục quản lý, chăm sóc 421,2 ha rừng trồng mới và bảo vệ hiệu quả tổng diện tích rừng trên cát. Từ năm 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 sẽ trồng mới 1.942,3 ha rừng trên cát ven biển, đầm phá, từ nguồn kinh phí Trung ương và địa phương. Trong đó, trồng mới và trồng bổ sung 1.570 ha rừng trên cát ven biển và 72,3 ha rừng ngập nước ngọt…

Nhiều năm qua, hoạt động trồng rừng trên cát được các cấp, ban ngành, chính quyền địa phương quan tâm triển khai. Diện tích rừng trên cát trải dài từ Phong Điền đến Phú Lộc với gần 28,5 ngàn ha. Trong đó, rừng được giao cho các ban quản lý rừng phòng hộ đặc dụng quản lý hơn 12 ngàn ha; DN tư nhân hơn 317 ha; hộ gia đình 5.265 ha; chính quyền các địa phương hơn 9.000 ha; còn lại các cộng đồng, đoàn, hội, các đơn vị vũ trang quản lý.

Ông Huy đánh giá, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ven biển trên địa bàn tỉnh nhiều năm qua đạt những thành tựu đáng kể. Tính riêng trong vòng 5 năm qua, thông qua dự án phát triển rừng ven biển, đầm phá, trên địa bàn tỉnh đã trồng mới hơn 455 ha rừng trên cát. Điều này góp phần hữu ích trong việc bảo vệ hệ sinh thái vùng ven biển, chống cát bay, cát lấp, chống xói lở, xâm thực, nhiễm mặn; đồng thời đáp ứng cấp bách yêu cầu phòng hộ, nuôi trồng thủy sản, ứng phó biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai.

Từ năm 2015 đến nay, ngành lâm nghiệp đã triển khai thực hiện giao khoán quản lý, bảo vệ 4.365,6 ha rừng; trồng mới và chăm sóc 421,2 ha rừng trên cát; cấp gần 600 ngàn cây rừng cho các hộ trồng phân tán tại các khu vực ven biển, đầm phá. Hầu hết các công trình hạ tầng lâm sinh được xây dựng hoàn thành, đưa vào sử dụng; thực hiện có hiệu quả các hoạt động khuyến nông góp phần bảo vệ rừng. Hàng chục lớp tập huấn kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm trồng, bảo vệ rừng cho các địa phương, người dân được ngành lâm nghiệp tổ chức.

Bảo vệ và phát triển rừng trên cát thật sự mang lại lợi ích to lớn về môi trường, phát triển kinh tế, du lịch sinh thái, góp phần thay đổi nhận thức, đời sống của cộng đồng, chính quyền địa phương. Nhiều năm trở lại đây, rừng trên cát gần như ngăn chặn triệt để tình trạng cát bay, cát lấp; góp phần mang lại hiệu quả cho hơn 500 ha ao hồ nuôi tôm trên cát toàn tỉnh, bình quân mỗi năm doanh thu trên dưới 2.000 tỷ đồng.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

[ad_2] Báo Thừa Thiên Huế Online

Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button