Kinh tế Huế

Trách nhiệm với chất lượng từng con cá, con tôm

[ad_1]


Thay đổi mô hình nuôi và kỹ thuật nuôi theo hướng hữu cơ, VietGAP, công nghệ cao để cho sản phẩm chất lượng, an toàn

Vùng nuôi trồng thủy sản trên đầm phá trải dài qua 5 huyện, thị xã: Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang và Phú Lộc với diện tích khoảng trên 7.300 ha. Mỗi năm, đầm phá cung cấp hàng ngàn tấn thủy sản từ hoạt động khai thác và nuôi trường thủy sản với nhiều loài đặc hữu, cho giá trị kinh tế cao.

Không chỉ có giá trị xuất khẩu, nhu cầu tiêu thụ nguồn cá, tôm và các loại thủy sản vùng đầm phá tập trung ở nội địa chiếm tỷ lệ rất lớn. Theo một điều tra khảo sát trong phạm vi nhỏ tình hình tiêu thụ cá của người dân huyện Phú Lộc của một giảng viên Khoa Hoá, Trường đại học Khoa học-Đại học Huế, 98% số người được hỏi có tiêu thụ cá hoặc sản phẩm làm từ cá. Tần suất tiêu thụ cá của các gia đình hầu hết từ 4- 5 lần/tuần; khoảng 1/6 gia đình tiêu thụ với tần suất 6 lần/tuần. Tần suất tiêu thụ này chứng tỏ cá, tôm và các loài thủy hải sản là nhu cầu thiết yếu trong chế độ ăn hàng ngày của mỗi người dân.

Theo một số nhà chuyên môn, với nguồn nước lợ đặc trưng, hình thức nuôi có sự trao đổi nước thường xuyên, phương thức nuôi bán thâm canh ở dạng thấp, không sử dụng hoá chất… nên tạo được sản phẩm thủy sản có chất lượng tốt, an toàn. Tuy nhiên, một vài ý kiến khác cho rằng, những năm gần đây, môi trường đầm phá có sự biến động khá lớn. Trong đó, chịu những tác động do quá trình dịch chuyển, bồi lấp các cửa biển; các cửa đập, hồ thủy điện làm hạn chế lưu thông trao đổi nước, thay đổi không thuận lợi về đặc điểm thủy lý, thủy hoá nước đầm phá. Ngoài ra, nghề nuôi tôm chắn sáo với việc ngăn mùng dày đặc nhiều tầng nhiều lớp, các nghề khai thác cố định… làm giảm vận tốc dòng chảy, giảm sự trao đổi nước sạch. Mức thủy triều thấp, bùn thải trong quá trình cải tạo ao đều được đưa trực tiếp ra đầm phá gây nên hiện tượng nông hoá đầm phá, làm tăng nguy cơ ô nhiễm hữu cơ. Chưa kể đầm phá đang hứng chịu nguy cơ ô nhiễm từ các nguồn thải từ nhiều ngành nghề sản xuất như trồng trọt, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề…

Nhiều kết quả nghiên cứu đã chỉ ra sự liên quan giữa phơi nhiễm chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POPs) tới khả năng gây ra các bệnh về gen, sinh sản, thần kinh, miễn dịch, ung thư… đối với một số loài cá, chim và động vật có vú. Cùng với đó, sự tích lũy các kim loại nặng trong trầm tích gây ô nhiễm môi trường trầm tích đáy và thâm nhập vào cơ thể sinh vật, theo chuỗi thức ăn chuyển hoá vào vật nuôi, cây trồng và sau đó trực tiếp hoặc gián tiếp tác động đến sức khỏe con người. Mặc dù, một số kim loại nặng là những nguyên tố vi lượng cần thiết cho con người, nhưng với nồng độ nhỏ, nhưng với nồng độ lớn sẽ gây cản trở một số quá trình sinh hoá trong cơ thể.

Để khai thác có hiệu quả, bền vững nguồn tài nguyên vùng đất ngập nước Tam Giang-Cầu Hai, đồng thời cung cấp sản phẩm thủy hải sản vừa có năng suất, an toàn về chất lượng, đó là cần hỗ trợ, thúc đẩy chính sách khuyến khích nuôi theo hướng ứng dụng công nghệ cao, tiêu chuẩn VietGAP, nuôi theo hướng hữu cơ. Một khi tạo ra được sản phẩm xanh, an toàn về chất lượng, an toàn về dịch bệnh và môi trường sẽ càng nâng cao giá trị sản phẩm, đảm bảo sức khỏe cho người dân và an sinh xã hội.

Bài, ảnh: HOÀI NGUYÊN

[ad_2] Báo Thừa Thiên Huế Online

Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button