Kinh nghiệm sống

Lời mệ dạy

Kinh nghiệm sống – Đã ngoài 60 tuổi, bà Đối vẫn chưa có ý định từ bỏ công việc nhặt rác làm phước. Tính đến nay, số tiền bà Đối kiếm được từ việc bán bao nilông phế thải đã gần 200 triệu đồng. Cứ tích cóp được dăm bảy triệu, bà liền đi mua sách vở hay trích tiền mặt giúp đỡ những em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong thôn, hay ủng hộ các trại trẻ mồ côi, trại tâm thần trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế. Đó còn là cách để bà dạy cháu con.

Ai cấm người nghèo làm từ thiện?
Khi chúng tôi hỏi đường đến nhà bà Đối ở thôn Tây Trì Nhơn, xã Phú Thượng, huyện Phú Vang (Thừa Thiên – Huế), có lẽ vì cái tiếng làm việc thiện bấy lâu mà dân trong thôn ai cũng nhanh miệng chỉ vanh vách. Ngay từ đầu ngõ dẫn vào nhà bà Đối, hàng ngàn túi nilông được phơi trên bờ rào lẫn hai bên lối đi.
Thấy có khách lạ, bà Đối bỏ dở công việc mời khách vào nhà: “Việc tui làm ai cũng như ai thôi, thấy vui, thấy sướng là làm. Hôm trước cũng có mấy chú xin viết bài, tôi xin cáo thôi. Hàng ngày thấy các tàu cập cảng đều xả rất nhiều túi nilông nên tui tranh thủ nhặt đem về. Cố gắng thì ngày nhiều nhặt cũng được gần chục ký, dù giặt qua hai nước rồi nhưng vẫn tanh mùi cá lắm, nhưng ráng làm chứ răng. Vì đến tháng mà không có tiền lên thăm mấy đứa nhỏ ở trại mồ côi là ăn không ngon, ngủ không yên…”
Vốn là dân buôn cá, mỗi buổi sáng bà Đối chạy xe máy gần chục cây số để về cảng cá Thuận An lấy cá bỏ chợ. Trong lúc đợi tàu cập bến thì bà tranh thủ đi nhặt bao nilông do những người đi biển làm cá bỏ lại trên bãi cát. Hơn ba năm qua, chiếc xe máy “cà tàng” đã giúp bà vận chuyển hàng chục tấn nilông phế thải từ cảng về nhà. Để xử lý khối phế thải khổng lồ tanh nồng mùi cá ấy, bà Đối huy động toàn bộ người thân từ chồng con đến dâu rể phụ giúp, từ giặt lần một, cắt quai túi, giặt lần hai, phơi khô rồi đóng vào bao tải… Thấy hàng phế thải luôn được bà xử lý sạch cộng thêm cái tiếng nhặt rác “làm phước”, các đại lý ve chai ở Huế ưu tiên mua hàng của bà với giá 14.000 đồng/kg. Tính ra mỗi ngày bà Đối kiếm được khoảng 100.000 đồng từ việc nhặt túi nilông.
Trước khi tìm đến nhà bà Đối, không dưới mươi lần tôi tình cờ gặp bà trồi ngụp nhặt rác vào độ xế trưa giữa cảng cá vắng người và tanh bẩn. Dù có đôi chút phân vân về hình ảnh một bà già nhặt rác cứ lặp đi lặp lại từ năm này qua tháng khác, chỉ tại một địa điểm, tôi vẫn nghĩ đó chỉ là chuyện mưu sinh thường tình cho đến hôm tình cờ nghe bác Nguyễn Nam (dân Thuận An, chuyên kinh doanh hải sản) kể chuyện bà Đối. Nhà bà giờ được biết tới như một địa chỉ công đức, còn rác bà Đối đã thành “thương hiệu”, nhặt về hàng tấn mà bán vèo vèo. Nhớ lần trò chuyện với anh Hà Trọng, người từng làm nghề tái chế nhựa từ bao bì polymer ở Huế: “Rác nilông được xử lý trắng sạch, cắt phơi, đóng bao có lang có lớp như của bà Đối thì ai chả muốn thu mua”.
hue24h“Sao bà chọn việc nhặt bao nilông để làm từ thiện mà không phải là một việc khác?” Nghe tôi hỏi, bà Đối cười hiền rồi đáp: “Người ta giàu có bỏ tiền túi dăm bảy triệu đồng làm việc nghĩa, mình nghèo nhưng có sức khoẻ thì cứ làm.
Ai cấm nghèo làm từ thiện mô chú”.
Cực mà vui, dại chi không làm
Thấy vợ mình làm việc không công, chồng bà Đối hết sức can ngăn nhưng thuyết phục mấy bà Đối cũng không từ bỏ, kể từ đó, con cháu trong nhà noi gương giúp bà làm việc thiện. “Mùa nắng còn mượn sân hàng xóm phơi được chứ mùa lụt là cực lắm. Nhiều lần nước con sông Phổ Lợi trước nhà dâng cao, cha con tui phải tìm cách rào chắn sân vườn không thì nước lũ cuốn hết mấy tạ nilông thành phẩm”, ông Trần Thiên Trò, chồng bà Đối dẫn chúng tôi ra vườn sau chỉ vào mấy chục bao tải đựng nilông được kê gọn gàng, chia sẻ.
Năm nay đã ngoài 60 nhưng bà Đối chưa hề có ý định từ bỏ công việc nhặt rác làm phước. Mỗi dịp nghỉ tết hay nghỉ hè, sân nhà bà Đối lại rộn ràng tiếng cười nói của cháu nội, cháu ngoại và trẻ con hàng xóm đến phụ giúp bà xử lý bao nilông phế thải. “Nghe lời mệ(*) dặn nên mỗi lần đi học về cháu thường nhặt bao nilông trên đường để đem về cho mệ. Mệ nói làm vậy là giúp được nhiều người khó khăn lại còn bảo vệ môi trường…”, em Trần Văn Bình, học sinh lớp 7 nhớ lại lời dạy của bà nội.
“Bốn năm trước, trong một lần đi chùa, tôi gặp một bà cụ vừa quét rác, vừa nhặt bao nilông cho vào cái túi vải mang bên lưng. Tui hỏi cụ nhặt bao nilông ấy để làm chi, cụ bảo gom để cuối tháng đổi lấy hương nhang khói cho nhà chùa… Thấy cách làm của bà cụ hay nên tui học theo, vừa có tiền, lại làm sạch cảnh quan môi trường. Cực khổ một chút nhưng vui, rứa thì dại chi mình không làm”, bà Đối tâm sự về cái duyên nhặt rác giúp người của mình.

Nguồn: sgtt.vn

Show More

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button