Kinh tế Huế

Đồng bộ, kiên trì, không để tình trạng người dọn, kẻ xả

[ad_1]


Nếu mọi người đều ý thức, công việc của những công nhân sẽ bớt nhọc nhằn, và những con sông Huế sẽ mãi luôn sạch đẹp

“Ngày Chủ nhật xanh – Hãy hành động để Thừa Thiên Huế thêm xanh – sạch – sáng”, “Nói không với túi ni lông và đồ nhựa sử dụng 1 lần”… không chỉ như những slogan hay những khẩu hiệu mang tính hô hào chung chung, mà đó thực sự đã là những phong trào được cả cộng đồng hoan nghênh, hưởng ứng.

Từ Huế, phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” đã lan tỏa cảm hứng về ý thức bảo vệ môi trường cho các địa phương khác. Phong trào đã được Thủ tướng Chính phủ gửi thư khen, khuyến khích duy trì để nhân rộng, nhằm mang lại môi trường sống trong lành cho người dân.

Có thể khẳng định, phong trào đã thực sự tạo được chuyển biến rất đáng kể từ cảnh quan môi trường cho đến ý thức trong cộng đồng xã hội. Ai từng ở Huế và rời đi một thời gian, nay quay trở lại hẳn đều phải ngỡ ngàng với sự thay đổi của cảnh sắc xóm làng, phố thị. Không chỉ thay đổi vì có thêm những công trình công cộng phục vụ cộng đồng, cái đó tuy khó mà dễ, cái thay đổi đáng kể và ý nghĩa nhất là ý thức tự giác bảo vệ môi trường của người dân đã và đang ngày càng được nâng lên. Thế nên ra đường hay vào công viên dạo chơi bây giờ, không hiếm để thấy cảnh có những người đang đi, bắt gặp rác là tự giác dừng lại cúi nhặt mang đến bỏ vào một thùng rác nào gần đó. Rồi bên cạnh việc ra quân “Ngày Chủ nhật xanh” của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, thôn, tổ dân phố… có những tổ chức, những câu lạc bộ (CLB) như Nghĩa Dũng Karate – Do, CLB thuyền SUP, các nhóm bạn trẻ…, cứ dịp cuối tuần hay ngày nghỉ đã tự giác ra quân dọn dẹp môi trường, vớt rác trên sông… Họ làm việc ấy trong tâm thế thật vui vẻ và đầy trách nhiệm.

Những hành động tạo cảm hứng và sức lan tỏa rất tích cực như vậy, theo tôi nghĩ, chính là “chỗ dựa” bền vững cho môi trường xứ Huế. Và cũng không ngạc nhiên mà cũng vì thế, nhiều du khách khi đến thăm Cố đô đã phải thốt lên: Không hiểu sao mà Huế sạch thế; thậm chí có người  còn hào sảng so sánh: Xứ mình thế này thì đâu thua kém gì Singapore…

Vẫn còn những người có thói quen tiện đâu vứt rác đấy (ảnh chụp trên con đường bê tông rộng, đẹp chạy ngang sau chùa Từ Hiếu, P. Thủy Xuân)

Tuy nhiên, nói đi vẫn phải nói lại, trong lúc cả cộng đồng đang chung tay hưởng ứng vì một Huế xanh, sáng, đẹp, thì vẫn còn đó một bộ phận người rất thiếu ý thức. Mới đây, đi dự một hội nghị từ phía bờ bắc về, ngang qua cầu Phú Xuân, cậu tài xế cơ quan hốt hoảng chỉ cho tôi xem một người phụ nữ đi xe máy chở 2 thùng nước mã (nước vo gạo, thức ăn thừa… được người ta gom về để nuôi heo), không hiểu vì cơn cớ gì, ngang giữa cầu thì chị này dừng lại, dựng chân chống xe, xách xô đổ thẳng thứ nước ngao ngán ấy xuống con sông huyền thoại của Huế không một chút băn khoăn thương tiếc(!??). “Đáng sợ” hơn nữa là cậu tài xế cơ quan tôi bảo, hành vi của chị này thấy cứ tái diễn hoài mà chưa ai “hỏi”.

Hay ở một số tuyến đường, không chỉ có những nơi vắng vẻ mà thậm chí ở điểm chờ xe buýt trên đường Lê Lợi ngay trung tâm thành phố, vẫn có người vạch quần “giải quyết nỗi buồn” giữa thanh thiên bạch nhật, bất chấp từ lâu Huế đã có quy định xử phạt với loại hành vi phản cảm này.

Và nữa, cuộc vận động “Nói không với túi ni lông và đồ nhựa sử dụng 1 lần” đã phát động từ 2 năm nay, các cơ quan ban ngành đều đã ký cam kết và thực hiện khá nghiêm túc; các hội đoàn, nhất là hội phụ nữ cũng rầm rộ vận động chị em phụ nữ xách làn, xách giỏ đi chợ để hạn chế sử dụng túi ni lông. Thế nhưng bây giờ, hình ảnh phụ nữ xách giỏ, xách làn đi chợ vẫn đang rất hiếm; ngược lại, cảnh toòng teng các túi ni lông treo trước xe hoặc trên tay các chị, các mẹ mỗi khi chợ về vẫn đang hết sức phổ biến…

Đó là thực trạng, là những hình ảnh nên được tiết chế, triệt tiêu dần. Bằng cách nào? Bằng cách áp dụng chế tài thật nghiêm, thật triệt để (đối với những hành vi đã có quy định chế tài, như hành vi xả rác, phóng uế nơi công cộng). Đồng thời, tiếp tục vận động tích cực hơn, thường xuyên và kiên trì hơn đối với thói quen sử dụng bao ni lông của người dân. Song song đó, cũng có thể suy nghĩ, đề xuất và đề nghị HĐND quyết nghị giải pháp, ví dụ cho áp phí bảo vệ môi trường đối với các tiểu thương vẫn còn sử dụng bao ni lông và với các chị, các anh toòng teng những bao, những túi ni lông khi ra khỏi chợ chẳng hạn.

Cần phải đồng bộ như thế thì mới thành nề nếp thường xuyên, môi trường mới được bảo vệ bền vững. Còn như cứ người dọn, người xả thì sẽ như đuổi hình bắt bóng, rất khó có điểm dừng.

Bài, ảnh: Thượng Bích

[ad_2] Báo Thừa Thiên Huế Online

Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button