Kinh tế Huế

Phục hồi, bảo tồn, phát triển giá trị vùng cửa sông Ô Lâu

[ad_1]


Phục hồi sinh cảnh vùng cửa sông Ô Lâu để bảo tồn, phát triển giá trị về đa dạng sinh học nơi đây

Phục hồi sinh cảnh, thiết lập khu bảo vệ Tràm Chim Ô Lâu và mô hình du lịch sinh thái cộng đồng được triển khai thực hiện sẽ góp phần bảo tồn, phát triển bền vững giá trị về đa dạng sinh học (ĐDSH) tại vùng cửa sông Ô Lâu nói riêng và Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tam Giang- Cầu Hai nói chung.

 Vùng cửa sông Ô Lâu nằm trong phân khu bảo tồn Ô Lâu đã từng được ghi nhận là nơi dừng chân, trú đông của hàng vạn cá thể chim nước di cư dọc tuyến Đông Á-Úc châu. Tuy nhiên do áp lực dân số, công tác quản lý bảo vệ còn nhiều hạn chế, nhận thức của cộng đồng còn thấp đã làm mất, suy giảm giá trị ĐDSH, nhất là sinh cảnh cho các loài chim nước di cư, trú đông trong khu vực.

 Để có thể phục hồi giá trị ĐDSH nhằm sử dụng và phát triển bền vững tài nguyên của khu vực cửa sông Ô Lâu, đề án “Điều tra, đánh giá hiện trạng, xây dựng nội dung bảo tồn ĐDSH và phục hồi sinh cảnh trằm chim vùng cửa sông Ô Lâu, huyện Phong Điền và huyện Quảng Điền” vừa được UBND tỉnh phê duyệt thực hiện.

 Đề án nhằm đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp khôi phục cảnh quan tự nhiên hướng đến xây dựng mô hình thu hút, bảo vệ, phục hồi và phát triển quần thể của các loài chim hoang dã, quý hiếm, có giá trị bảo tồn, đặc biệt các loài chim di trú; phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng.

Khu vực cửa sông Ô Lâu hiện tồn tại 3 loại sinh cảnh: sinh cảnh đất nông nghiệp (lúa nước) tập trung tại vùng đệm; sinh cảnh rừng trồng (tràm hoa vàng, bần chua, mưng) chủ yếu tập trung trong vùng lõi; sinh cảnh cỏ lác và cây bụi nằm rải rác trên các cồn nổi và dọc sông Ô Lâu.

 Tổng diện tích quy hoạch khu tràm chim Ô Lâu là 1.270,2 ha, bao gồm 5 phân khu chức năng. Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt: nơi trồng rừng nhằm phục hồi, tạo sinh cảnh làm nơi trú ngụ cho các loài động vật hoang dã (chim, cá, bò sát, ếch nhái) gồm 157,3 ha, trong đó 142,4 ha thuộc xã Quảng Thái (Quảng Điền) và 14,9 ha thuộc xã Điền Hòa (Phong Điền).

Phân khu phục hồi sinh thái: nơi phục hồi, tạo các sinh cảnh cho các loài động vật hoang dã trú ngụ trong tương lai, gồm 1.084,5 ha có chức năng bảo vệ cho phân khu bảo vệ nghiêm ngặt.

Phân khu hành chính dịch vụ: các công trình làm việc, sinh hoạt của ban quản lý Tràm Chim, nơi nghiên cứu, thực nghiệm khoa học, cứu hộ và phát triển sinh vật, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch sinh thái, vui chơi giải trí và tổ chức thực hiện các chức năng khác theo quy định của pháp luật, gồm 28,4 ha.

Trên cơ sở sinh cảnh và hiện trạng của khu vực hiện có, đề án đã xác định quy mô 157,3 ha của phân khu bảo vệ nghiêm ngặt đảm bảo đầy đủ các tiêu chí, quy hoạch các sinh cảnh, hệ sinh thái cơ bản tái hiện được sinh cảnh nguyên sơ, bản địa.

Đề án đề xuất các cơ chế, chính sách huy động nguồn lực để thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 bằng các hoạt động: phục hồi các sinh cảnh, hệ sinh thái đã từng tồn tại trong khu vực, tạo các sinh cảnh mới, như: trồng 5 ha sen, 20 ha cỏ lác và 1 ha bèo lục bình, tạo sinh cảnh cho các loài chim nước; trồng 40 ha rừng ngập nước; 2 ha cây tre để tạo sinh cảnh cho các loài chim rừng.

Đồng thời xây dựng, triển khai các phương án thu hút, bảo tồn, quản lý bảo vệ các loài động vật hoang dã; xây dựng mô hình du lịch sinh thái cộng đồng bền vững và tổ chức các chương trình tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng bảo tồn ĐDSH cho cộng đồng.

Bài, ảnh: HOÀI NGUYÊN

[ad_2] Báo Thừa Thiên Huế Online

Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button