Thủ tướng: Chuyển nông nghiệp sản lượng cao sang nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái
[ad_1]
Kết luận buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quan điểm, định hướng phát triển ngành nông nghiệp là tập trung chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp, từ chuỗi liên kết cung ứng nông sản sang liên kết giá trị ngành hàng, chuyển từ nền nông nghiệp sản lượng cao sang nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái…
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp về tình hình thực hiện nhiệm vụ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các khó khăn, vướng mắc và nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.
Thông báo kết luận nêu rõ: Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn luôn đóng vai trò hết sức quan trọng, góp phần ổn định xã hội, ổn định tình hình đất nước, đặc biệt là trong những lúc kinh tế khó khăn, nông nghiệp khẳng định vai trò bệ đỡ cho nền kinh tế. Đồng thời, nông nghiệp, nông thôn góp phần thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Giai đoạn 2016-2020 toàn bộ 15/15 chỉ tiêu tăng trưởng chủ yếu của ngành đều đạt và vượt mục tiêu đề ra, năm 2020 xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt trên 41,5 tỷ USD, xây dựng nông thôn mới đạt 62% về đích sớm trước 2 năm, thu nhập bình quân của người dân nông thôn đạt 43 triệu đồng/người, tăng 1,92 lần so với đầu nhiệm kỳ. Những thành quả đạt được đó của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn góp phần làm cho diện mạo, cảnh quan, môi trường nông thôn được cải thiện rõ rệt, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn ngày càng được nâng cao.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng còn một số tồn tại, hạn chế, trong đó, nông nghiệp phát triển chưa ổn định, bền vững, phụ thuộc vào thiên tai, thời tiết, thị trường tiêu thụ, trong khi thị trường xuất khẩu ngày càng khó khăn; dự báo cung cầu, thị trường còn hạn chế, công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch chưa phát triển mạnh nên vẫn còn tình trạng được mùa mất giá, giải cứu nông sản; sản xuất chủ yếu vẫn là kinh tế hộ, manh mún, nhỏ lẻ; quan hệ sản xuất đổi mới còn chậm, các hình thức tổ chức và liên kết sản xuất hình thành chủ yếu là tự phát, hiệu quả chưa thực sự ổn định; kết nối liên vùng còn rời rạc, kết nối thị trường chưa thông suốt, chi phí logistics còn cao…
Thủ tướng thống nhất các mục tiêu chủ yếu đến năm 2025 được nêu tại báo cáo của Bộ: Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 2,5-3,0%/năm; tổng kim ngạch xuất khẩu từ 48-50 tỷ USD; tỉ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới ít nhất 80%; thu nhập của cư dân nông thôn gấp 1,5 lần năm 2020; tỉ lệ che phủ rừng duy trì 42%, nâng cao chất lượng rừng. Đồng thời, cần sử dụng hiệu quả đất nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng trên đất nông nghiệp và đẩy mạnh phát triển hợp tác xã nông nghiệp.
Quan điểm, định hướng phát triển ngành nông nghiệp
Thông báo nêu rõ quan điểm, định hướng phát triển ngành nông nghiệp: Ba trụ cột chính của ngành là nông nghiệp, nông thôn và nông dân, trong đó người nông dân phải là trung tâm, là chủ thể, nông thôn là nền tảng, là cơ sở và nông nghiệp là động lực. Hoạt động phát triển nông nghiệp phải xoay quanh người nông dân nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, chất lượng sống cho người nông dân; giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa Nhà nước, xã hội và thị trường. Nông nghiệp-nông thôn-nông dân phải tiếp tục góp phần ổn định chính trị, xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tập trung chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp, từ chuỗi liên kết cung ứng nông sản sang liên kết giá trị ngành hàng, chuyển từ nền nông nghiệp sản lượng cao sang nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái, trách nhiệm, bền vững, khởi tạo chuyển đổi số, chuyển từ phát triển đơn ngành sang tích hợp đa ngành, từ đơn giá trị sang tích hợp đa giá trị, từ hỗ trợ đầu vào sang vừa hỗ trợ đầu vào, vừa chú trọng hỗ trợ, kết nối đầu ra, quan tâm phát triển thị trường xuất khẩu đi đôi với chú trọng phát triển thị trường nội địa.
Phát huy tinh thần tự lực tự cường, chọn lọc kế thừa, nhưng phải đổi mới sáng tạo để phát triển, không trông chờ ỷ lại, phải chủ động tiến công, linh hoạt sáng tạo để biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể. Lấy nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá cho phát triển.
Tăng cường phân cấp, phân quyền, đi đôi với đẩy mạnh kiểm tra, giám sát. Bộ cần làm tốt công tác quản lý nhà nước, tập trung quản lý vĩ mô, xây dựng thể chế, chiến lược, quy hoạch, cơ chế, chính sách, xây dựng các công cụ quản lý, kiểm tra, giám sát việc thực hiện.
Tăng cường huy động nguồn lực cho đầu tư, phát triển ngành thông qua hợp tác công tư (nghiên cứu các mô hình lãnh đạo công, quản trị tư, đầu tư tư, sử dụng công và đầu tư công, quản lý tư) trên cơ sở bảo đảm cân bằng, hài hòa hợp lý lợi ích và chia sẻ rủi ro giữa nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Tập trung nguồn lực cho ba đột phá chiến lược, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, làm đến đâu dứt điểm đến đó để mang lại hiệu quả.
Khai thác, sử dụng, quản lý đúng quy định nhưng thực hiện phải linh hoạt, hiệu quả đất nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp; chú trọng hiệu quả khai thác trên đất.
Thực hiện đồng bộ, hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo 3 nhóm trục sản phẩm chủ lực
Về nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng thống nhất với các nhiệm vụ được đề cập tại báo cáo của Bộ, yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động cần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, phát huy thành tích, khắc phục hạn chế để ngành nông nghiệp tiếp tục phát triển nhanh và bền vững. Thời gian tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tập trung một số nhiệm vụ sau:
Xây dựng và tổ chức triển khai có hiệu quả Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII của ngành nông nghiệp và Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2021-2025. Quán triệt, tổ chức triển khai các Nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các Nghị quyết số 01/NQ-CP và số 45/NQ-CP của Chính phủ.
Tập trung rà soát hoàn thiện thể chế, xây dựng cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, có giải pháp cụ thể tháo gỡ những nút thắt về chính sách tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp hàng hóa và xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh xã hội hóa, phân cấp mạnh mẽ đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát, nguyên tắc là việc gì doanh nghiệp, người dân làm được, làm tốt hơn thì để doanh nghiệp, người dân làm, việc gì địa phương làm được và làm tốt hơn thì để địa phương làm, Bộ tập trung quản lý vĩ mô, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, cơ chế chính sách huy động nguồn lực, tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát.
Thực hiện đồng bộ, hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo 3 nhóm trục sản phẩm chủ lực, theo các ngành, lĩnh vực và cơ cấu lại sản xuất theo vùng; đẩy mạnh thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để góp phần xóa đói giảm nghèo, làm giàu và thúc đẩy sản xuất lớn trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng.
Tổ chức lại sản xuất, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả gắn với quá trình chuyển đổi số, kinh tế số, phát triển mạnh mẽ, hợp lý, phù hợp hệ thống hợp tác xã, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tổng kết, sơ kết để xây dựng lý luận và thực tiễn về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, bám sát thực tiễn, nhu cầu thị trường, nhân rộng các mô hình hiệu quả cao, cách làm hay để góp phần điều chỉnh sản xuất phù hợp nhằm mang lại giá trị gia tăng và thu nhập cho người sản xuất.
Đẩy mạnh cơ giới hóa và ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp; phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, công nghiệp chế biến, bảo quản, tăng tỷ trọng chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm; phát triển các cụm liên kết sản xuất gắn với vùng nguyên liệu, các hình thức hợp tác liên kết sản xuất, chế biến kết nối với hệ thống tiêu thụ trong nước và quốc tế.
Đổi mới công tác khuyến nông, làm tốt dự báo cung cầu, thông tin về tình hình thị trường, kết nối giữa người sản xuất với tiêu dùng, tranh thủ lợi thế từ các FTAs, nhất là EVFTA, CTPPP để cơ cấu lại thị trường xuất khẩu, giảm phụ thuộc vào một số thị trường, tháo gỡ rào cản để thâm nhập thị trường, coi trọng thị trường nội địa, đưa hàng hóa từ nông thôn về thành thị, xây dựng thương hiệu nông sản.
Đẩy mạnh nuôi biển và khai thác hải sản bền vững
Phát huy tiềm năng, lợi thế từ biển, phát triển kinh tế biển, đẩy mạnh nuôi biển và khai thác hải sản bền vững; quyết liệt thực hiện các biện pháp giải quyết dứt điểm các khuyến nghị của EC để gỡ “Thẻ vàng”, ngăn chặn và xử lý nghiêm tàu cá khai thác trái phép ở nước ngoài; nghiên cứu, đề xuất trích lập Quỹ phát triển hạ tầng thủy sản để huy động được nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng thủy sản.
Phát triển công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề ở nông thôn để chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho nông dân, chuyển dịch lao động nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ để từng bước thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị; đẩy mạnh hội nhập, hợp tác quốc tế để phát triển nông nghiệp, nông thôn, đồng thời chủ động đấu tranh bảo vệ quyền và lợi ích của quốc gia, bảo vệ hàng hóa nông sản Việt Nam.
Hoàn thiện thủ tục, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư và triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, gắn với phát triển kinh tế nông thôn, tạo điều kiện nâng cao đời sống, thu nhập của người dân, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá của từng vùng miền, gắn với đô thị hóa, tránh làm theo phong trào, hình thức, lãng phí; xác định rõ mục tiêu, đối tượng, phạm vi, nội dung của Chương trình, tránh chồng chéo, trùng lắp với các Chương trình, đề án khác, tập trung ưu tiên hỗ trợ các xã, huyện chưa đạt chuẩn nông thôn mới.
Tăng cường quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nhất là rừng tự nhiên, rừng phòng hộ; khẩn trương rà soát kiểm kê rừng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch lâm nghiệp toàn quốc, tạo điều kiện phát triển kinh tế-xã hội phù hợp.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai, chủ động chỉ đạo sản xuất và triển khai ứng phó thiên tai kịp thời, hiệu quả, không để bị động, bất ngờ, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra; chủ trì, cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo, triển khai thực hiện Dự án di dời dân cư tại các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân.
Làm tốt công tác xây dựng Đảng, công tác tổ chức, cán bộ, thực hiện nghiêm các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh (Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII), gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với trách nhiệm nêu gương, kiểm soát quyền lực; xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, số 19-NQ/TW của Trung ương, xóa bỏ tư duy bao cấp đối với các đơn vị sự nghiệp, nghiên cứu chuyển đổi thành trung tâm cung ứng dịch vụ, tổ chức lại để có sự kết nối, không manh mún, chồng chéo; xây dựng đội ngũ cán bộ theo tinh thần Nghị quyết 26-NQ/TW; đặc biệt chú ý xây dựng người đứng đầu phải tiêu biểu, xứng đáng về đạo đức, năng lực, phẩm chất và uy tín.
Làm tốt công tác thi đua, khen thưởng, đi đôi với siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xử lý nghiêm các sai phạm; kịp thời động viên, khen thưởng những tấm gương tốt, những người làm việc hiệu quả, bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám nói vì sự nghiệp chung, tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo.
Theo VPCP