Hợp sức & linh hoạt trong chuyển đổi mô hình quản lý chợ
[ad_1]
Chợ đầu mối Phú Hậu được chuyển đổi mô hình sang doanh nghiệp quản lý đã phát huy hiệu quả
Còn nhiều vướng mắc
Theo kế hoạch của tỉnh, giai đoạn 2016- 2020 có 42 chợ thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý. Tuy nhiên, kết thúc giai đoạn chỉ có 7/42 chợ (đạt 16,7%) đã hoàn thành việc chuyển đổi. Trong đó, TX. Hương Trà có 1/5 chợ; TX. Hương Thủy 2/4 chợ và huyện Phú Lộc 4/7 chợ.
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo CĐC cấp tỉnh, công tác CĐC trên địa bàn khá chậm so với toàn quốc, xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Các chợ thuộc dự kiến chuyển đổi đa phần là các chợ hạng 3 có tính chất quy mô nhỏ, nằm ở vị trí không thuận tiện, xa trung tâm, thời gian họp chợ trong ngày ngắn, cơ sở hạ tầng xuống cấp… nên khó tìm kiếm nhà đầu tư.
Đã từng có những nhà đầu tư có ý định tiếp quản CĐC, nhưng qua tính toán ban đầu, nếu tiếp nhận, đơn vị vừa phải trang trải kinh phí để trả tiền khấu khao tài sản cố định hàng năm, vừa phải đầu tư sửa chữa lại các hạng mục bị hư hỏng, xuống cấp, trong khi nguồn thu khai thác chợ lại thấp.
Toàn tỉnh hiện có trên 150 chợ, trong đó đa số là chợ hạng 3, chỉ có 3 chợ hạng 1. Chợ hạng 3 là chợ có cơ sở vật chất và bộ máy quản lý hầu như còn yếu, dẫn đến việc CĐC chậm so với mong muốn.
Đến nay, toàn tỉnh đã chuyển đổi được 22 chợ (tính chung các giai đoạn trước), trong đó 20 chợ chuyển sang mô hình HTX và 2 chợ (chợ đầu mối Phú Hậu và chợ Phú Bài) chuyển sang mô hình DN quản lý.
Để chuyển đổi chợ thành công cần sự đồng thuận của tiểu thương
Ông Nguyễn Thanh, Giám đốc Sở Công thương cho rằng, mục đích cuối cùng của CĐC là chuyển sang DN quản lý, vì đây là mô hình tân tiến, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Nhưng kết quả chuyển đổi 22 chợ thời gian qua bộc lộ những tồn tại chưa được khuyến khích và chưa được dẫn lối. Trong 2 chợ chuyển sang DN quản lý vẫn còn xảy ra tranh chấp, kiện tụng giữa tiểu thương và chủ cơ sở. 20 chợ chuyển sang HTX quản lý tuy đã được chuyển đổi khá lâu nhưng tiến độ đầu tư, thay đổi trang thiết bị, phương tiện cũng như nâng cấp vẫn chậm vì mô hình HTX còn những hạn chế bởi năng lực. Dẫn đến kết quả chuyển đổi trong thời gian qua chưa phải là động lực để tiếp tục thực hiện, nhân rộng trong thời gian tới.
Cần sự đồng thuận, hợp sức
Kế hoạch chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh khai thác chợ giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh có ít nhất 19 chợ hoàn thành việc CĐC.
Kế hoạch này được phân kỳ theo từng năm, trong đó năm 2021 chuyển đổi 5 chợ (TP. Huế 2 chợ; Phong Điền, Phú Vang và Nam Đông mỗi địa phương 1 chợ). Năm 2022 chuyển đổi 4 chợ (TP. Huế 2 chợ và 2 chợ còn lại ở Quảng Điền và Phú Lộc)…
Kế hoạch phân kỳ là vậy, nhưng theo ông Nguyễn Thanh, tùy vào tình hình thực tế để linh động tăng hoặc giảm. Vì nhiều chợ đưa vào kế hoạch nhưng buộc lòng phải đưa ra khỏi kế hoạch nếu còn gặp nhiều vướng mắc. Nhưng có một số chợ chưa đưa vào kế hoạch nhưng quá trình thực hiện tốt thì vẫn tiến hành chuyển đổi.
Vừa qua, có những vấn đề mà các đơn vị cơ sở báo cáo đang đặt ra cho ban chỉ đạo cấp tỉnh một số khó khăn “ngoài tầm với” liên quan đến chế độ chính sách, hoạt động truyền thống, bộ máy quản lý… và ban chỉ đạo đang tìm cách gỡ vướng, gỡ khó.
Chợ là nơi tổng hòa các mối quan hệ “chằng chịt”; trong đó có mối quan hệ lâu đời, hiện tại và đúng pháp luật hay không đúng pháp luật cũng có. Dẫn đến khi không được ý kiến đồng thuận của tiểu thương dễ làm nản lòng nhà đầu tư. Trường hợp xây dựng phương án nếu trên 30% tiểu thương không đồng ý thì sẽ không thực hiện được.
Hơn nữa, chợ liên quan đến chính quyền địa phương, tiểu thương, người dân… Nên vai trò của địa phương rất quan trọng trong việc xác định, tuyên truyền, hướng dẫn cũng như kiến nghị các chính sách. Chẳng hạn liên quan đến đất đai, khi chuyển sang mô hình mới, chế độ thuê đất, sử dụng đất khác so với trước đây địa phương quản lý, nên đòi hỏi ngành tài nguyên môi trường phải có trách nhiệm hướng dẫn, tạo điều kiện cho DN. Việc xác định giá trị tài sản cũng đặt ra cho ngành tài chính phải vào cuộc để tránh xảy ra tranh chấp sau chuyển đổi.
Ngoài ra, khi đề xuất chính sách ưu đãi lên cấp trên, phải xác định tiểu thương cũng chính là người lao động. Hiện nay, cơ chế không quy định tiểu thương là người lao động, nên ngành công thương kiến nghị tỉnh và các cấp thẩm quyền nên có chính sách ưu đãi trong quá trình thực hiện chuyển đổi, đáp ứng nguyện vọng của người dân, tiểu thương và động viên họ vừa là tiểu thương vừa trở thành cổ đông để tham gia mô hình mang tính bền vững. Vì tiểu thương chính là chủ thể của chợ, một khi tạo được sự đồng thuận, có cùng chung tiếng nói giữa chính quyền cơ sở, ban hay tổ quản lý chợ với các hộ tiểu thương thì việc CĐC sẽ thành công.
Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG