Kinh tế Huế

Ưu tiên nguồn lực cho hạ tầng đô thị Huế

[ad_1]


Các tuyến đường xung quanh Hoàng Thành Huế được đầu tư nâng cấp, chỉnh trang

Tập trung các dự án trọng điểm

7 tháng đầu năm 2021, thu ngân sách trên địa bàn thành phố đạt 769,2 tỷ đồng, đạt gần 78 % dự toán; tổng lượt khách đến Huế đạt trên 700 nghìn lượt khách, doanh thu du lịch đạt khoảng 600 tỷ đồng, giảm 40% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt gần 20.000 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ; sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp nhìn chung duy trì được mức tăng trưởng khá và tạo việc làm ổn định cho người lao động.

Ở lĩnh vực đầu tư công, tổng số kế hoạch vốn giao đầu năm 2021 của thành phố là 155 tỷ đồng cho 61 danh mục công trình, dự án (DA), trong đó có 19 công trình, DA hoàn thành, chuyển tiếp; 41 công trình, DA khởi công mới; 1 công trình DA chuẩn bị đầu tư. Giải ngân vốn xây dựng cơ bản đạt 120 tỷ đồng, đạt 63% kế hoạch. Công tác trật tự đô thị, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, an ninh quốc phòng được giữ vững, cải cách hành chính có sự chuyển biến tích cực. Công tác phòng chống dịch COVID-19 được TP. Huế triển khai quyết liệt.

Đầu tư xây dựng, quy hoạch được TP. Huế chú trọng, đến nay đã tổ chức công bố đồ án quy hoạch phân khu phường Phú Hậu – Phú Hiệp và Phú Cát (cũ); hoàn chỉnh quy hoạch tổng mặt bằng và quy định quản lý kiến trúc khu vực 4 đường xung quanh Hoàng thành Huế; thiết kế đô thị trục đường Lê Lợi, Hùng Vương, Nguyễn Huệ…; lập chương trình phát triển đô thị TP. Huế đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Các DA chỉnh trang vỉa hè đường Lê Huân, Đoàn Thị Điểm, Đặng Thái Thân và chỉnh trang dải phân cách, vỉa hè đường Trần Hưng Đạo (đoạn từ cầu Trường Tiền đến cầu Gia Hội) đã thực hiện 95% khối lượng công việc.

Theo lãnh đạo UBND TP. Huế, hiện TP. Huế đẩy mạnh chương trình phát triển đô thị TP. Huế mở rộng đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Trong đó, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện DA trọng điểm của tỉnh, thành phố, đặc biệt là các DA di dời, giải phóng mặt bằng khu vực I di tích Kinh thành Huế, DA Cải thiện môi trường nước thành phố, các DA chỉnh trang công viên hai bờ sông Hương và chỉnh trang đô thị Huế đã được phê duyệt.

Đầu tư hạ tầng cho 13 xã, phường mới

Hương Vinh là một trong 13 xã, phường vừa sáp nhập vào địa bàn TP. Huế từ ngày 1/7/2021. Mặc dù là địa phương nằm giáp ranh với thành phố, song lâu nay hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, các tuyến đường trung tâm chưa được đầu tư, chưa có hệ thống điện chiếu sáng nên ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân cũng như các phương tiện giao thông khi đi qua địa bàn.

Theo Phó Chủ tịch UBND phường Hương Vinh, ông Trương Đắc Giàu, hiện Hương Vinh có hai tuyến đường chính là Tỉnh lộ 4 và WB2, trong đó Tỉnh lộ 4 khá hẹp và chưa có vỉa hè, trong khi lưu lượng người tham gia giao thông khá đông nên rất nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông, thường xuyên xảy ra các vụ tai nạn. Tại các cuộc họp, xã đề xuất UBND tỉnh đổi Tỉnh lộ 4 thành tuyến đường thuộc thành phố, chuyển đổi đường WB2 thành tỉnh lộ để có cơ hội mở rộng các tuyến đường nhằm giảm tải lưu lượng giao thông trên địa bàn, đồng thời đầu tư hệ thống điện chiếu sáng nhằm đảm bảo an toàn giao thông khi lưu thông vào ban đêm.

Để hoàn thiện hạ tầng giao thông góp phần kết nối trung tâm thành phố với các xã, phường mới sáp nhập, HĐND TP. Huế vừa thông qua Nghị quyết bổ sung danh mục DA dự kiến đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2021- 2025 và phê duyệt chủ trương đầu tư DA điện chiếu sáng các tuyến đường liên phường, xã thuộc TP. Huế mở rộng và DA điện chiếu sáng xã Hải Dương.

Sắp tới, TP. Huế sẽ đầu tư hệ thống điện chiếu sáng tại các xã, phường mới sáp nhập (Ảnh chụp tại cầu Hữu Trạch, xã Hương Thọ)

Ông Thái Bảo Quốc, Trưởng phòng Quản lý đô thị TP. Huế thông tin, hiện thành phố đã phê duyệt chủ trương và chuẩn bị triển khai DA điện chiếu sáng một số tuyến đường từ trung tâm thành phố kết nối về các xã, phường mới sáp nhập, bao gồm các tuyến đường dọc sông Hương từ xã Phú Thượng, Phú Dương, Phú Mậu về đến cầu Diên Trường, ngược lên xã Hương Vinh đến trung tâm thành phố. Riêng xã Hải Dương sẽ đầu tư hệ thống điện chiếu sáng cả tuyến trung tâm đoạn từ giáp ranh xã Quảng Công đến cửa biển Thuận An và một số tuyến đường kết nối với các xã, phường Hương An, Hương Hồ, Hương Thọ, Thuỷ Bằng… với tổng mức đầu tư khoảng 18 tỷ đồng.

Đối với các DA xây dựng đường giao thông, hiện các DA đầu tư tại các xã, phường trước khi sáp nhập do TX. Hương Trà, Hương Thuỷ và huyện Phú Vang làm chủ đầu tư thì các địa phương tiếp tục triển khai đến hết năm 2021, từ 2022 thành phố tiếp tục phân bổ vốn đầu tư, trong đó sẽ ưu tiên cho các xã, phường mới xác nhập vào TP. Huế nhằm hoàn thiện hạ tầng, tạo điều kiện cho người dân thuận tiện trong vấn đề lưu thông.

Tuy nhiên, qua khảo sát một số tuyến đường tại 13 xã, phường mới, một số tuyến đường xuống cấp, hư hỏng nhưng chưa được đầu tư nâng cấp, thành phố triển khai duy tu bảo dưỡng nhằm đảm bảo an toàn cho người dân; sau khi có quy hoạch phân khu cụ thể, TP. Huế tiếp tục đầu tư các tuyến đường kiệt, đường liên thôn góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối trung tâm thành phố với các xã, phường mới.

Bài, ảnh: Thanh Hương

[ad_2] Báo Thừa Thiên Huế Online

Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button