Bảo vệ gia súc, gia cầm mùa mưa lũ
[ad_1]
Mấy ngày nay, vừa chống ngập lũ, ông Trần Thanh Bình ở xã Quảng Vinh (Quảng Điền) vừa tất bật chăm lo đàn lợn 20 con, 200 con gà nuôi theo mô hình an toàn sinh học. Chuồng trại nuôi lợn, gà được ông Bình chọn vị trí cao ráo nhằm phòng tránh nước lũ gây ngập. Tuy nhiên theo ông Bình, nếu mưa kéo dài, lũ lớn thì nguy cơ chuồng trại bị ngập rất rao.
Trước khi mưa lũ đến, ông Bình cũng như nhiều hộ chăn nuôi GSGC đã gia cố, che chắn chuồng trại. Ông còn chủ động mua vắc xin tiêm phòng bệnh cho GSGC, hoá chất tiêu độc, khử trùng, vệ sinh môi trường khu vực chăn nuôi. Ngoài tận dụng nguồn tấm, cám từ xay xát lúa gạo làm nguồn lương thực, gia đình ông còn mua thêm rau xanh làm thức ăn dự trữ cho GSGC mùa mưa lũ.
Chăm sóc gà mùa mưa lũ
Theo ông Bình, thông thường người dân tránh nuôi GSGC ở những vùng thấp trũng trong mùa mưa lũ. Tuy nhiên năm nay do dự báo nguồn cung sản phẩm gia súc, nhất là thịt lợn thiếu dịp Tết nên nhiều hộ nuôi để cung ứng nhu cầu tiêu thụ. Vào thời điểm này, ông Bình cũng như các hộ liên hệ với thương lái để bán những lứa lợn đến kỳ thu hoạch, hạn chế nguy cơ thiệt hại do lũ lớn.
Ông Lê Cường ở xã Phong Xuân (Phong Điền) chia sẻ, nuôi trâu, bò ở vùng gò đồi lo nhất vào mùa mưa rét. Thời điểm này chưa xảy ra rét nhưng ông Cường lo che chắn chuồng trại đảm bảo kín gió, tránh mưa dột. Nước lũ ở các sông, suối lên khá cao nên đàn trâu 8 con của ông Cường được lùa về chuồng, dự trữ nguồn rơm, cỏ đảm bảo không để đói rét trong mùa mưa.
Ông Nguyễn Bá Lành, Chủ tịch UBND xã Phong Xuân thông tin, đợt mưa lũ này chưa gây thiệt hại đến đàn GSGC trên địa bàn xã. Tuy nhiên dự báo mưa bão, lũ lớn có thể diễn ra trong thời gian đến, nhất là rét nên nguy cơ thiệt hại rất cao nếu người dân không chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.
Những ngày, cán bộ nông nghiệp phối hợp với các trưởng, phó thôn đều đến từng hộ dân để tuyên truyền, vận động các chủ hộ nuôi đưa trâu, bò thả núi, vùng đồi về nhốt tại chuồng, không thả rông khi mưa bão, rét đậm, rét hại. Những hộ nuôi trâu, bò không có chuồng, hoặc chuồng trại không đảm bảo, địa phương yêu cầu, vận động người dân bán bớt để có kinh phí gia cố chuồng trại. Hộ gia đình chính sách, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn sẽ có biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ xây dựng, gia cố chuồng trại đảm bảo chống chịu mưa to, gió lớn.
Người dân Quảng Vinh (Quảng Điền) nuôi lợn trên đệm lót sinh học phòng bệnh mưa rét
Tiến sĩ Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi-Thú y tỉnh cho hay, những ngày qua, chi cục phối hợp với các địa phương tổ chức kiểm tra, rà soát những nơi có nguy cơ sạt lở đất, lũ lụt kéo dài để có phương án hỗ trợ, hướng dẫn người dân di dời đàn vật nuôi đến nơi an toàn, cũng như bán GSGC sống, hoặc giết mổ để bán cho người dân làm thực phẩm dự trữ mưa lũ. Đây cũng là dịp để loại thải những GSGC kém chất lượng.
Lực lượng thú y cơ sở đang triển khai đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng các loại dịch bệnh GSGC. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thị xã phân công cán bộ phối hợp các địa phương hướng dẫn người chăn nuôi dự phòng đầy đủ hoá chất, cấp phát thêm các loại hoá chất tiêu độc khử trùng, kháng sinh điều trị… nhằm chủ động phòng chống dịch bệnh (nếu xảy ra) và hướng dẫn chế biến, dự trữ thức ăn cho GSGC.
Ông Nguyễn Văn Hưng cảnh báo, khi có dự báo xảy ra thời tiết bất lợi, các địa phương cần nhanh chóng thông báo rộng khắp cho các chủ nuôi và cử lực lượng trợ giúp để khẩn trương thực hiện công tác phòng chống. Ở huyện A Lưới, Nam Đông có thể sử dụng các phương tiện, dụng cụ, hiệu lệnh truyền thống theo quy ước để thông báo tới các hộ gia đình các biện pháp ứng phó nhằm bảo vệ an toàn cho GSGC.
Bài, ảnh: Hoàng Thế