Văn hóa Huế

Mất dần báu vật của làng

Văn hóa Huế – Tại Thừa Thiên- Huế, sắc phong của các ngôi làng được người dân coi như báu vật linh thiêng. Tuy nhiên, do không được bảo quản tốt nên vốn di sản văn hóa quý hiếm này bị mất mát, hư hỏng ngày càng nhiều…
Báo động đỏ
Làng Dạ Lê Chánh (xã Thủy Vân, thị xã Hương Thủy) có bộ sắc phong hàng trăm năm tuổi được cất giữ từ nhiều đời tại ngôi chùa của làng. Là di sản liên quan đến vị thần mà làng thờ tự, nên bộ sắc phong này được người dân trong làng coi như báu vật. Tuy nhiên, mới đây, khi hương chức của làng mở hòm sắc phong thì phát hiện bộ sắc phong này đã bị mục nát hầu hết.

Câu chuyện về bộ sắc phong của làng Dạ Lê Chánh cũng là “số phận” chung của những bộ sắc phong tại rất nhiều ngôi làng khác ở Thừa Thiên- Huế. Nguyên nhân của tình trạng này là do các bộ sắc phong vốn được làm bằng chất liệu dễ hư hỏng như vải, giấy, gỗ, lại không được bảo quản tốt trong điều kiện thời tiết ẩm ướt nên bị hư hỏng, mối mọt theo thời gian.
Cùng với tình trạng các bộ sắc phong bị hư hỏng, nạn trộm cắp sắc phong để bán cho dân chơi đồ cổ cũng là nguyên nhân khiến di sản thiêng liêng này của các ngôi làng mất dần. Tại làng Lương Quán (phường Thủy Biều, TP.Huế), nhiều năm trở lại đây đã có hàng chục bộ sắc phong bị kẻ gian lấy cắp.
“Giữ gìn sắc phong cũng đồng nghĩa với việc tôn trọng tổ tiên qua việc tôn trọng tín ngưỡng của tổ tiên. Đó là chưa kể sắc phong còn là tác phẩm nghệ thuật độc đáo, là nguồn tư liệu quý chứa đựng nhiều thông tin có giá trị”– nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan cho biết.
Bộ sắc phong của làng Dạ Lê Thượng (phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy) được cất giữ tại chùa Linh Sơn cũng bị trộm khoắng mất. Các vị cao niên tại nhiều ngôi làng cho biết, nhiều bộ sắc phong quý hiếm của làng mình đã “một đi không trở lại” sau khi một số nhà nghiên cứu đến mượn rồi không đem trả.
Ông Hồ Tấn Phan – nhà nghiên cứu văn hóa Huế đã từng bỏ nhiều thời gian tìm hiểu, nghiên cứu sắc phong của nhiều ngôi làng ở tỉnh. Theo ông Phan, tình trạng sắc phong của các ngôi làng trên địa bàn bị hư hỏng, mất mát đã đến mức báo động đỏ. “Hiện 100 làng thì chỉ còn vài làng giữ được sắc phong. Nhiều ngôi làng có truyền trống lịch sử hiện không còn lấy một sắc phong nào. Đây là mất mát lớn của các ngôi làng, là thực trạng đau lòng của vốn di sản văn hóa”- ông Phan nói.
Cần giúp sức cho làng
Theo nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan, ngày xưa các ngôi làng đều thờ thần bảo hộ cho làng mình. Sắc phong của làng là một loại văn bản của vua công nhận tính chất cao cả, thiêng liêng của vị thần mà làng thờ tự. Việc vị thần của làng được triều đình thừa nhận thì sự tín ngưỡng của dân làng càng sâu sắc, nên sự đoàn kết, nhất trí ở trong làng càng cao. “Sắc phong vì thế được người dân coi là tài sản tinh thần cao nhất của làng, nó luôn lộng lẫy và đầy quyền uy”- nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan phân tích.
Cũng theo ông Phan, việc giữ gìn, bảo tồn sắc phong là giữ gìn những tinh túy của thiết chế xã hội ngày xưa. Giữ gìn sắc phong cũng đồng nghĩa với việc tôn trọng tổ tiên qua việc tôn trọng tín ngưỡng của tổ tiên. Đó là chưa kể sắc phong còn là tác phẩm nghệ thuật độc đáo, là nguồn tư liệu quý chứa đựng nhiều thông tin có giá trị. Từ đó, ông Phan cho rằng, cùng với việc số hóa sắc phong, vấn đề cần kíp hiện nay là cơ quan chức năng phải hướng dẫn cho người dân các ngôi làng cách giữ gìn, bảo quản sắc phong tốt nhất, thậm chí hỗ trợ các làng kinh phí bảo quản những báu vật này.
Từ năm 2009 đến nay, Thư viện tổng hợp Thừa Thiên- Huế đã hợp tác với Thư viện Khoa học tổng hợp TP.Hồ Chí Minh thực hiện chương trình sưu tầm, số hóa, biên mục các tài liệu Hán- Nôm, trong đó có sắc phong tại địa bàn Thừa Thiên – Huế. Đến nay, chương trình đã sưu tầm, số hóa, biên mục hơn 10 vạn trang tài liệu Hán- Nôm, trong đó có khoảng 1.000 sắc phong, chế, bằng cấp… của các triều đại phong kiến Việt Nam. Các ngôi làng nổi tiếng ở Thừa Thiên- Huế như Thủy Biều, Thanh Thủy Thượng, Dương Nỗ… đã tổ chức khai mở hòm bộ sắc phong để số hóa.
Ông Phạm Xuân Phượng – cán bộ của Thư viện tổng hợp Thừa Thiên- Huế cho biết, việc số hóa các tài liệu Hán Nôm quý hiếm như sắc phong sẽ góp phần bảo tồn, giữ gìn di sản này một khi bản gốc bị hư hỏng. Cùng với việc số hóa, nhóm cán bộ thực hiện chương trình cũng chú trọng hướng dẫn người dân nhiều ngôi làng biện pháp bảo vệ lâu dài các sắc phong gốc.

Nguồn: danviet.vn

Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button