Tinh hoa nghề Việt hội tụ đất kinh kỳ
Nói đến triều đình Huế xưa kia không thể không nói đến phấn nụ bởi đây một bí quyết làm đẹp dành riêng cho hoàng hậu và các cung tần triều Nguyễn thời bấy giờ.
Mặc dù đã trải qua bề dày lịch sử tưởng chừng như bị mai một theo thời gian, song nghề làm phấn nụ vẫn được gia tộc họ Phan gìn giữ cho đến ngày nay, nổi tiếng khắp vùng đất kinh kỳ và du khách thập phương. Thỏi phấn nụ Nhất Chi Mai với dáng vẻ bề ngoài đơn giản như một nụ hoa, nhưng để kết tinh thành nụ hoa đó phải trải qua những công đoạn hết sức khắt khe và phức tạp.
Nguyên liệu chủ yếu là thạch cao được nung bằng nhiệt than, nung đến khi đá thạch cao vỡ vụn, tơi xốp thì đem xay nhuyễn và lọc bằng nước tinh sạch. Nhất Chi Mai khác biệt với tất cả các loại phấn nụ khác ở đặc tính rất sạch và mịn nhờ công đoạn lọc bằng nước máy và pha chế bằng nước cất (nước máy đun sôi và giữ lấy hơi nước).
Sản phẩm được tổng hợp từ các loại thảo dược thiên nhiên, không sử dụng hóa chất và hương hóa học mà chỉ có mùi đặc trưng từ hoa mộc lan tạo ra mùi thơm nhẹ nhàng, quyến rũ.
Nhắc đến Huế, nơi vốn là kinh đô đồng thời là nơi chế tác kim hoàn tinh xảo dưới thời nhà Nguyễn không thể không nhắc đến một trong những người con ưu tú của kim hoàn xứ Huế là Nghệ nhân ưu tú Trần Duy Mong. Nghệ nhân Trần Duy Mong là người con của làng nghề kim hoàn Kế Môn, xã Điền Môn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế.
Sinh ra và lớn lên trong một gia tộc có truyền thống về nghề kim hoàn, ông đã lĩnh hội được nghề của ông cha truyền lại và luôn tận tụy với nghề truyền thống. Gắn bó với nghề kim hoàn từ năm mười lăm tuổi, đến nay dù đã bước qua cái tuổi lục tuần nhưng niềm đam mê với nghề vẫn cháy bỏng trong con người Nghệ nhân Trần Duy Mong.
Nhờ sự thông minh, nhanh nhẹn, kiên trì, ông đã thành công và vào nghề sớm hơn những người bạn nghề cùng trang lứa. Đến nay, sau 50 năm theo nghề, trở thành người có nhiều kinh nghiệm trong nghề kim hoàn nhưng ông vẫn không ngừng trau dồi học hỏi để tạo ra những sản phẩm kim hoàn tinh tế. Với những đóng góp của mình vào việc giữ gìn và phát triển nghề kim hoàn, ngày 24/8/2016, ông đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú….
Trên đây là hai nét chấm phá về sự hấp dẫn của Festival nghề truyền thống Huế lần thứ VIII sẽ được tổ chức từ ngày 26/4/2019 đến ngày 2/5/2019 gắn kết với nhiều sự kiện lịch sử, văn hóa có ý nghĩa của quê hương, đất nước như kỷ niệm 230 năm Nguyễn Huệ đại thắng quân Thanh (1789 – 2019), 120 năm Vua Thành Thái ban Dụ thành lập Thị xã Huế (12/7/1899 – 2019), 120 năm xây dựng chợ Đông Ba và cầu Trường Tiền…
Huế là một vùng đất kinh đô xưa, nơi hội tụ những bàn tay tinh xảo của làng nghề cả nước, vì thế Festival nghề truyền thống Huế là dịp để các nghệ nhân đem hết tài năng, trí tuệ và tinh hoa của nghề, tạo nên những sản phẩm độc đáo để giới thiệu với công chúng và du khách gần xa.
Trọng tâm của Festival nghề truyền thống Huế lần thứ VIII là giới thiệu sản phẩm độc đáo của các nghề, làng nghề truyền thống Huế, của các tỉnh, thành phố trong cả nước và quốc tế như: Kim hoàn, Thêu, Pháp lam, Chạm khảm, Đúc đồng, May áo dài, Mộc mỹ nghệ, Trúc chỉ, dệt Zèng, Gốm, sản phẩm mây tre, Nón lá, Hoa giấy, Tranh, Đèn lồng, Diều, ẩm thực…
Bên cạnh giới thiệu sản phẩm độc đáo của các nghề, làng nghề truyền thống, ngành y học cổ truyền vốn là đặc trưng của Huế, vì vậy tại Festival nghề truyền thống Huế 2019 sẽ có hình thức tổ chức cho các thầy thuốc đông y khám chữa bệnh và phô diễn tài năng.
Qua thống kê của UBND TP Huế, kỳ Festival Nghề truyền thống Huế lần thứ 7/2017 đã đón 170.000 khách, trong đó lượng khách lưu trú đạt khoảng 70.000 người (tăng 13% so với kỳ lễ hội trước đó). Địa phương kỳ vọng kỳ lễ hội lần này sẽ thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế tham gia, qua đó quảng bá hình ảnh thành phố văn hóa du lịch đến cộng đồng.
H.B – Baophapluat.vn