Văn hóa Huế

Tục quàn người chết lâu ngày ở Huế

 Văn hóa Huế – Ở nhiều xã của tỉnh Thừa Thiên – Huế, người dân có tục lệ thể hiện chữ hiếu bằng việc tổ chức đám ma dài ngày và xây lăng mộ hoành tráng cho người chết. Đằng sau những đám ma linh đình kéo dài và những lăng mộ trị giá tiền tỷ là những chuyện cười ra nước mắt.
Quàn người chết 20 ngày là chuyện thường
Ở xã Phú Thuận (huyện Phú Vang) việc người dân lưu giữ thi thể người chết trong nhà sau 7 ngày là chuyện không có gì lạ. Thậm chí để tỏ lòng tận hiếu với người đã khuất, rất nhiều gia đình quàn xác tại nhà 15 – 20 ngày rồi mới phát tang. Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi đến nhà ông Q. ở thôn Hòa Duân – nơi có đám tang đã bước sang ngày thứ 7.
Ngôi nhà của ông nườm nượp khách vào thăm viếng. Tiếng khóc, tiếng nhạc đám ma ai oán, khói nhang nghi ngút nhưng vẫn không xua được cái mùi khó chịu và những luồng khí lạnh bốc lên từ quan tài. Ông cho biết ở làng ông việc giữ thi thể người chết từ 7 đến 10 ngày là chuyện bình thường và đã trở thành tục lệ.
Nói đến chuyện ma chay dài ngày ở Thừa Thiên – Huế người ta thường nhắc đến ông Châu Cặn – người đã có thâm niên hàng chục năm làm nghề đưa ma ở đường Duy Tân, thành phố Huế. Theo ông Cặn, việc giữ thi thể người chết 20 ngày mà chúng tôi kể chưa phải là kỷ lục. Đích thân ông Cặn đã đạo diễn việc tẩm liệm và đưa tang cho hàng trăm gia đình quàn xác người chết tại nhà tới gần … 30 ngày. Tất nhiên do ông có độc chiêu trong kỹ thuật tẩm liệm nên những thi thể người chết để dài ngày như trên ít phát ra mùi hôi.

Ông Cặn thừa nhận việc lưu giữ thi thể người chết sau 48 tiếng là trái quy định của nhà nước và gây ra hàng loạt phiền hà, tốn kém cho tang gia. Nhưng do tục lệ lạc hậu đã ăn sâu vào nếp nghĩ của người dân trong tỉnh, mặt khác gia đình lại sống bằng nghề đưa ma nên không thể không nhận lời.
Cùng với tục lệ lưu giữ thi thể người chết lâu ngày, hình ảnh có thể bắt gặp ở hầu hết các đám ma ở Thừa Thiên Huế là nạn ăn uống, tiệc tùng linh đình. Trong đó, các xã Phú Thuận, Phú Hải, Vinh An, thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang) là nổi tiếng nhất tinh bởi có rất nhiều đám ma được tổ chức với kinh phí hàng trăm triệu đồng.
Nghe hỏi chuyện đám ma, ông Thọ ở thôn Hải Tiến, thị trấn Thuận An sốt sắng kể về đám ma của người bà con ở làng bên mà ông vừa dự. “Con cháu, họ hàng, lối xóm tổ chức ăn uống, nhậu nhẹt linh đình hơn 7 ngày liền mà vẫn chưa phát tang. Nghe đâu tổng chi phí là gần 200 triệu đồng”, ông Thọ kể.
Việc tổ chức ăn uống linh đình kéo dài khi trong nhà có người chết tại thị trấn Thuận An đã tồn tại cả trăm năm nay. Không chỉ những gia đình giàu có mà những gia đình nghèo khó cũng thực hiện tục lệ này khi có đám ma. Ở xã Phú Thuận, Phú Hải, Vinh An, thậm chí ở ngay thành phố Huế, đã có nhiều gia đình tan nát, cha con, anh em lìa nhau vì nợ nần sau khi tổ chức đám ma theo tục lệ.
Lăng to hiếu mới dày
Nằm cách thành phố Huế khoảng 60 km, làng An Bằng của xã Vinh Anh (huyện Phú Vang) từ lâu đã nổi danh là thành phố lăng mộ xa hoa vào bậc nhất cả nước. Biết tôi về tìm hiểu những biệt thư lăng mộ của làng mình, ông Hoàng, một người cao tuổi trong làng vuốt chòm râu bạc như cước tự hào: “Có đến mấy nghìn cái lăng, cái mồ cũng từ 200 triệu trở lên, cái đắt nhất gần 2 tỷ. Họ đang tiếp tục xây mấy cái to kinh khủng trong đó nữa”.
Thấy tôi chụp ảnh, anh Phát một chủ thầu xây dựng lăng cho ông Trần Hựu xua tay: “Lăng ni (này) trị giá gần 300 triệu, anh đi thẳng một quãng rồi rẽ phải sẽ choáng bởi những cái làng trị giá tiền tỷ”. Sợ bị lạc đường giữa “thành phố ma” sầm uất này, tôi nhờ anh Phát dẫn đường. Anh Phát dẫn tôi đến khu lăng của gia đình ông Lê Phú khi ông Phú vừa đến thăm làng.
Làng của gia đình ông Phú được xây dựng theo kiến trúc tổng hợp trên diện tích khoảng 300 m2, cao hơn 5m, được trang trí bằng hàng loạt đầu rồng và những nét hoa văn cầu kỳ. Tầng trên cùng của lăng thiết kế hình bát úp nóc tròn theo kiểu hoàng lăng ở Ấn Độ … Theo ông Phú, lăng này gia đình ông xây hết 70.000 USD (khoảng 1,5 tỷ đồng), tiền do con cái là Việt kiều chu cấp. “Cha mẹ nuôi mình nên người, giờ mình không biết đền đáp công ơn sinh thành bằng cách nào nên chỉ biết xây cái lăng thiệt to để báo hiếu”, ông Phú bộc bạch.
Cạnh đó, lăng của ông Lê Tuấn được con cháu góp tiền xây dựng còn lộng lẫy hơn. Lăng dược xây theo kiến trúc Trung Quốc cổ. Chính giữa được trang trí hình chữ Vạn thể hiện mong ước được siêu thoát trong cõi niết bàn. Nhà bia phía sau là hai nấm mồ đắp nổi theo kiểu song táng như lăng vua Gia Long, trong làng có chỗ ngủ để người thăm lăng có thể nghỉ ngơi, tránh mưa nắng. Theo lời anh Phát, lăng này gia đình ông Tuấn xây ngót 90.000 USD (khoảng 1,9 tỷ đồng) và là một trong những lăng ‘tốp’ trên ở đây”, anh Phát cho biết.
Cũng như lăng An Bằng, việc xây dựng lăng mộ hoành tráng để báo hiểu cho người đã khuất là tục lệ của người dân các xã ven biển như Phú Thuận, Phú Hải, thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang), Quảng Ngạn, Quảng Công (huyện Quảng Điền), Phong Hải, Điền Hải (huyện Phong Điền). Người dân các xã này còn mang nặng quan niệm sống gửi, thác về, nên dồn của cải để xây lăng mộ hoành tráng sau khi ông bà cha mẹ qua đời để báo hiếu.
“Manh chiếu giữa làng”
Người dân các xã vùng biển của tình Thừa Thiên Huế còn có ý nghĩa lăng mộ cho người quá cố như manh chiếu giữa làng. Vì vậy họ thường xây lăng thật đẹp, hơn lăng của những gia đình khác nên chuyện đập lăng cũ xây lăng mới là chuyện thường diễn ra. Mới đây, gia đình ông Nguyễn Văn Kiêm ở làng An Bằng đã đập bỏ lăng cũ được xây dựng dăm năm với kinh phí gần 300 triệu đồng để xây một lăng mới trị giá gần 1 tỷ đồng.
Một số người thấy tiếc của bèn khuyên ông Kiêm không nên đập bỏ lăng cũ nhưng được ông giải thích: “Lăng cũ lỗi thời rồi, ở như ri thấy tội người đã khuất. Mình muốn tận hiếu thì phải xây lại cho bằng người ta để ông bà nơi chín suối được mát mắt”. Không chỉ những gia đình giàu có, có sự giúp sức của Việt kiều mới xây lăng mộ hoành tráng. Trên thực tế, rất nhiều gia đình nghèo khó ở những địa phương này vẫn xây biệt thự lăng mộ để báo hiếu theo tục lệ.
Ở Phú Thuận cũng như các xã Phú Hải, thị trấn Thuận An, Quảng Ngạn, Quảng Công … không đủ cơ để xây những lăng mộ tiền tỷ như làng An Bằng bởi có ít Việt kiều nhưng người dân vẫn è lưng xây nên những lăng mộ với kinh phí từ 200 – 500 triệu đồng. Vì vậy, lăng mộ ở đây cũng hoành tráng và cầu kỳ đến mức các lăng tẩm của nhiều vua quan triều Nguyễn phải chào thua.

Nguồn: xzone.vn

Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button