Lúa đỏ hồi sinh
Xã hội Huế – Sau một thời gian vắng bóng trên đồng ruộng ven cửa sông, đầm phá của huyện Quảng Điền (TT- Huế), giống lúa cho gạo đỏ đã hồi sinh. Tuy sản lượng ít nhưng lúa đỏ không phải dùng thuốc, chi phí đầu tư thấp, giá gạo cao đang hứa hẹn cho nông dân một mùa vụ mới bội thu.
Đầm phá sống lại
Lúa đỏ một thời gắn với những vùng chân đất chua mặn, thấp trũng ven cửa sông, đầm phá của huyện Quảng Điền khi người dân đến định cư, khai canh lập địa, nó là nguồn lương thực không thể thiếu. Quảng Điền là huyện thuộc vùng trọng điểm SX lúa của tỉnh TT- Huế. Diện tích gieo cấy lúa hằng năm khoảng 7.000 ha, trong đó có 350 ha vùng ô trũng ven phá Tam Giang, tập trung ở hai xã Quảng Lợi và Quảng Thái
Đây là những vùng chân đất chua mặn, trước đây nông dân chủ yếu cấy giống lúa địa phương (gạo đỏ). Mặc dù năng suất không cao, nhưng chi phí đầu tư thấp, ít sâu bệnh, không sử dụng thuốc BVTV nên có thể coi đây là sản phẩm gạo an toàn phù hợp với nhu cầu thị trường.
Ông Hoàng Thảo, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Lợi cho biết: “Trước năm 1993, địa phương có khoảng 150 ha lúa cho gạo đỏ, chủ yếu tập trung ở vùng ô biền, thấp trũng. Qua thời gian, bà con nông dân đưa vào canh tác nhiều giống lúa mới năng suất cao hơn. Đến năm 2010, được sự hỗ trợ của Trường ĐH Nông lâm Huế về giống, phân bón và phổ biến kỹ thuật trồng gạo đỏ cho bà con nông dân, đưa vào phục tráng thử nghiệm với diện tích 1 ha.
Qua quá trình khảo nghiệm cho thấy, giống lúa đỏ có các đặc tính như cao cây, sinh trưởng và phát triển khá tốt trên chân đất chua mặn. Chiều cao trung bình 120 – 130 cm, phiến lá to, hạt có màu vàng cháy, bông dài, gié thưa, gạo màu đỏ, trọng lượng 1.000 hạt 25 – 26 gr, chất lượng gạo ngon, chịu chua mặn, ít sâu bệnh. Năng suất trung bình 150 – 170 kg/sào, thâm canh tốt đạt 190 – 200 kg/sào. Thời gian sinh trưởng 175 – 180 ngày, do đó chỉ thích hợp gieo cấy vụ ĐX”.
Vụ ĐX năm 2013, HTX Thắng Lợi (xã Quảng Lợi) đã đưa vào SX 7 ha lúa đỏ với 20 hộ dân tham gia trồng chủ yếu ở thôn Cổ Tháp, trong đó, có mô hình cá – lúa đỏ – vịt. Dự kiến, trong năm 2014 sẽ đưa vào trồng thêm 7 ha nữa và năm 2015 sẽ phát triển lên 30 ha. Đặc biệt, Quảng Lợi đã đưa vào trồng thử nghiệm với diện tích 4 sào lúa đỏ ở vùng rú cát cho thấy cây sinh trưởng phát triển tốt, thích ứng với đặc tính vùng đất này.
Bên cạnh đó, chương trình MTQG xây dựng NTM cũng đã hỗ trợ cho địa phương 255 triệu đồng thực hiện mô hình cá – lúa đỏ – vịt. Ông Hồ Xuân Trang, một hộ dân trồng lúa đỏ ở Quảng Lợi cho biết: “Gạo đỏ bà con trồng đã lâu, qua thời gian đưa vào SX giống lúa mới nên dần dần bà con ít trồng. Nay được hỗ trợ của UBND xã, tui đưa vào trồng 1 ha lúa đỏ, kết hợp với mô hình cá – vịt.
Tuy năng suất lúa thấp, từ 25 – 30 tạ/ha, nhưng lúa đỏ có khả năng chống chịu tốt, ít sâu bệnh, không phải dùng thuốc BVTV và đặc biệt, giá thành bán ra gấp 2 – 3 lần so với các giống lúa khác, trừ chi phí cũng lãi vài chục triệu đồng”.
Thương hiệu “Gạo đỏ Quảng Điền”
Không chỉ giá thành cao, gạo đỏ Quảng Điền còn có nguồn dinh dưỡng cao, có tác dụng về mặt y học. Thường được dùng bồi bổ cho người bệnh khi đau ốm. Để hướng gạo truyền thống ra thị trường, vừa qua, UBND tỉnh TT-Huế đã có quyết định cho Hội Nông dân huyện Quảng Điền lấy địa danh Quảng Điền làm thương hiệu gạo đỏ mang tên địa phương này.
Ông Nguyễn Văn Quang, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông lâm ngư huyện Quảng Điền cho biết: “Thực hiện chủ trương của UBND huyện về việc khôi phục và mở rộng diện tích SX giống lúa gạo đỏ để từng bước xây dựng thương hiệu gạo an toàn của Quảng Lợi, Quảng Thái tiến tới SX theo hướng hàng hoá. Với những thành công bước đầu từ mô hình thử nghiệm tại xã Quảng Lợi, vụ ĐX 2012 -2013, Phòng Công thương huyện Quảng Điền phối hợp với Trạm Khuyến nông lâm ngư thực hiện mô hình “Khôi phục và mở rộng sản xuất lúa địa phương (gạo đỏ)”.
Theo đó, đã đưa vào trồng 2 ha lúa gạo đỏ tại HTX Tam Giang (xã Quảng Thái). Quá trình khảo nghiệm cho thấy, giống lúa này có khả năng chống chịu sâu bệnh rất tốt, không phải sử dụng thuốc BVTV và hầu như không bị nhiễm bệnh. Gạo đỏ đang được thị trường rất ưa chuộng, giá bán cao gấp 2 – 3 lần so với các loại gạo khác”. Ông Quang cho biết thêm, để hướng tới SX bền vững hơn, ngành chức năng cần có sự hỗ trợ cho người nông dân phát triển thêm diện tích lúa đỏ, tìm kiếm đầu ra bền vững cho sản phẩm.
Nguồn: nongnghiep.vn