Xã hội Huế

Khô khốc Nam Đông

Xã hội Huế – Bước vào mùa khô ở Nam Đông (TT- Huế), các công trình nước sạch cũng đã… sạch nước, khiến hàng nghìn hộ dân rơi vào cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Nông dân lo lắng đối diện với mất mùa.
Người khát
Tại xã Hương Sơn là vùng “chảo lửa” trọng điểm khát của huyện Nam Đông. Từ đầu các đường vào thôn, sáng sớm cho đến chiều tối, bà con lũ lượt rủ nhau ra ống nước tự chảy ở dưới chân đồi thấp lấy nước, gồng gánh về nhà. Các “phu nước” chủ yếu là đàn bà, con gái; trong khi trai tráng đã lên rẫy quăng quật với mùa khô hạn kiếm cơm ăn.
Tới trụ sở UBND xã vắng hoe, hỏi ra mới biết cán bộ ở đây đều đi học cả, chạy ngược chạy xuôi mãi mới tìm được ông Hoàng Quốc Sinh, Chủ tịch Hội Nông dân xã. Ông Sinh cũng “xin” cán bộ 5 phút cho mình rửa tay, thay quần áo vì mới trên rẫy trở về.
Nói về sự khan hiếm nguồn nước sạch sinh hoạt, ông Sinh nói “vanh vách” như năm nào đến mùa khô ông cũng phải trả lời những câu hỏi giống nhau, đến thuộc bởi chuyện thiếu nước đã trở thành “mùa kinh điển” nơi vùng cao này.
Ông bảo: “Toàn xã có hơn 300 hộ dân thì có đến 90% số hộ thiếu nước sinh hoạt. Nói ở đây là “nước thường” thôi nhé, chứ nói nước hợp vệ sinh thì chả có ai may mắn được dùng. Các thôn thiếu nước chủ yếu rơi vào những địa bàn có địa hình cao, hệ thống nước tự chảy không thể vươn tới được như thôn 1, 2, 3, 4, 7”.
Theo ông Sinh, trước đây, Hương Hòa cũng có nguồn nước “sạch” được dẫn từ khe Cha Po, nhưng hơn hai năm nay, do các công trình, bể chứa lâu ngày hư hỏng, xuống cấp nên bà con phải gòng gánh nước từ các khe suối gần đó. Vào những ngày nắng nóng gay gắt như hiện nay, các khe suối dường như cũng kiệt nước dần, bà con phải chia nhau từng can, dùng dè sẻn lắm mới đủ.
Bỏ can nước 30 lít vừa lấy từ suối lên, ông Hồ Sỹ Trường, nói qua tiếng thở hắt: “Khô hạn như năm ni là đỉnh điểm rồi, mấy tháng trước vẫn có mưa được đôi hột (hạt), từ đó đến nay nắng như thiêu như đốt, khiến khe suối cũng cạn dần. Gia đình tui có 5 người, can 30 lít nếu chỉ ăn uống thôi chứ tắm giặt thì không đủ, một ngày phải đi lấy nước nhiều lần rất khổ sở”.
Không chỉ vào mùa nắng, vào mùa mưa, nguồn nước dẫn từ khe Cha Po về ô nhiễm nặng do người chăn trâu bò, tình trạng phá rừng, đào vàng làm chất cặn bả theo dòng nước trôi về, người dân Hương Sơn phải uống nước bẩn trong thời gian dài. Dù nguồn nước lấy được rất khó khăn nhưng dùng cũng không được vệ sinh.
Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh các thôn, vào nhà hộ dân nào bà con cũng phải sắm một can nước, tích nước để lắng cặn rồi mới dùng nấu ăn, uống. Chỉ vào nồi nước đang chuẩn bị nấu, ông Trần Văn Thái (thôn 4) lo lắng: “Miềng múc nước về, để lắng, nấu lên thấy bùn ở đáy xoong. Dù đã gạn lọc nhưng nước này uống vào dễ đau bụng lắm, mà tắm thì ngứa ngáy khó chịu nữa”.
Ông Hoàng Quốc Sinh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hương Sơn cho biết: “Công trình nước tự chảy ở Hương Sơn được xây dựng từ năm 2004 do dự án NAP tài trợ với tổng kinh phí khoảng 1 tỷ đồng. Công trình có quy mô chiều dài 10 m, rộng 8 m, cao 6 m, với dung tích bể chứa khoảng 250 m3. Đường ống chính dẫn nước từ bể chứa về khu dân cư dài trên 2 km, trong đó một nửa đường ống sắt đấu nối một nửa đường ống nhựa và hệ thống đường ống dẫn nước từ ống chính vào các hộ gia đình.

Công trình được bàn giao cho địa phương sử dụng và quản lý, phục vụ nhu cầu cấp nước sinh hoạt cho khoảng 70% hộ dân trong tổng số hơn 300 hộ trên địa bàn xã. Tuy nhiên, hơn 2 năm nay do các hạng mục đập đầu mối, bể chứa, nắp đậy bị vỡ; hệ thống đường ống chính bị rò gỉ, dập nát nhiều đoạn nên người dân phải sử dụng nước suối trong sinh hoạt, vừa mất vệ sinh, nguy cơ bênh tật rất cao”.
Tình trạng thiếu nước sạch trong sinh hoạt còn diễn ra khá nghiêm trọng tại các xã Hương Hòa, Hương Hữu, Hương Giang, Thượng Quảng, Thượng Nhật với hàng nghìn hộ dân đang quay quắt trong mùa khô hạn.
Lúa cháy
Bước vào tháng 3 đến tháng 8 DL là thời điểm khô hạn của “chảo lửa” Nam Đông, thế nhưng, nhiều địa phương có diện tích lúa là nguồn lương thực không thể thiếu của xã lại phải SX “nhờ trời”! Xã Hương Hòa là một vùng đất đặc biệt của huyện Nam Đông. Nói “đặc biệt” vì nó là địa phương có SXNN nhưng không có một công trình thủy lợi nào.
Toàn xã có 52 ha lúa và hơn 60 ha hoa màu, mọi SX của bà con đều phó mặc cho thời tiết. Vụ lúa đông xuân vốn đã bấp bênh, vụ hè thù thì mất trắng như cơm bữa. Thất bát nhưng bà con vẫn cứ làm, bởi đây là nguồn lương thực duy nhất khiến họ không phụ thuộc vào chợ búa.
Gần đây nhất là vụ mùa năm 2011, toàn xã có 52 ha lúa hè thu thì bị khô cháy không thu được một thúng lúa nào! Đứng bên ruộng lúa đã chết nhẵn, vàng quạch, chị Phan Thị Hằng nói như chực khóc: “Vụ mùa ni tui trồng 4 sào lúa, do không chủ động nguồn nước tưới, nên đến nay đã có 2 sào bị khô cháy hoàn toàn, 2 sào còn lại bị bệnh cuốn lá xem như mất trắng. Đến thời điểm hiện nay lúa đã bắt đầu ngậm sữa, tính tiền giống, phân bón đã mất 2 triệu đồng/sào rồi.
Năm nào lúa được mùa thì lương thực đủ ăn trong 6 tháng, 6 tháng còn lại phải đi mua. Năm nay mùa mất trắng giờ không biết tình răng đây?”.
Đối phó với tình trạng khô hạn, bà con ở xã Hương Hòa đã phải đắp bờ đê quanh ruộng giữ nước, đào thêm ao hồ nhưng chẳng cầm cự được bao lâu bởi nắng nóng kéo dài, đến con người cũng phải quay quắt, oằm lưng mới qua được mùa hạn huống hồ chi cây trồng!
Chỉ có nguồn nước gần ruộng nhất là khe Tả Trạch, nhưng người chưa đủ dùng lấy đâu tưới cho cây trồng. Gia đình chị Hằng vốn khó khăn, chồng làm “thợ đụng” nên thu nhập cũng bấp bênh. Không còn trông chờ vào cây lúa, họ quay lên rừng tìm mây, mật ong, lâm sản phụ bán đắp đổi qua ngày.

Nguồn: nongnghiep.vn

Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button